Một lần gặp, được hai bài học

Người đứng đầu phải quyết đoán, dám chịu trách nhiệm

Cuối năm 2003, Báo QĐND chuẩn bị cho đợt tuyên truyền Kỷ niệm 50 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-2004). Tòa soạn cử tôi đến Văn phòng Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở số 30 Hoàng Diệu (Hà Nội) để tìm hiểu thông tin. Nhưng tới đây, tôi lại được Đại tá Nguyễn Huyên, thư ký riêng của Đại tướng giới thiệu nên gặp Trung tướng Phạm Hồng Cư trước để tìm hiểu những tư liệu mà tôi cần biết về Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trung tướng Phạm Hồng Cư đã “cởi ruột, cởi gan” cung cấp những thông tin quý giá về diễn biến chính của Chiến thắng Điện Biên Phủ cho tôi. Đặc biệt, ông nói kỹ về quyết định kéo pháo ra, đồng thời dành nhiều thời gian để phân tích, giảng giải cho tôi nghe về “tài cầm lái” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong thời điểm gay cấn đó. Đúng là một bài học tổng hợp về công tác Đảng, công tác chính trị (CTĐ, CTCT).

Trung tướng Phạm Hồng Cư tóm lại: “Tôi muốn phân tích cho phóng viên Báo QĐND hai ý: Một là, nếu lúc đó Bí thư Đảng ủy mặt trận không kiên định với chủ trương đã được xác định, không thật tự tin vào ý kiến của mình thì chắc chắn sẽ quyết định ngược lại theo số đông. Hai là, tuy bảo vệ ý kiến của mình, nhưng sợ trách nhiệm, lại không đủ năng lực ứng biến thì thậm chí có thể “vỡ trận”. Đây là bài học theo tôi nên chuyển thành bài giảng cho đội ngũ cán bộ nói chung, cán bộ chính trị chúng ta nói riêng".

“Nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng ta chỉ trở thành sức mạnh khi số đông là đúng. Người đứng đầu đại diện cho Đảng ở cấp “bé” hay cấp “to” đều phải bám sát nguyên tắc, quyết đoán và dám chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, quyết đoán không có nghĩa là chủ quan duy ý chí. Mà để không chủ quan, để được đa số ủng hộ thì mình phải nắm vững nguyên tắc, lý luận và hiểu rõ thực tiễn”-Trung tướng Phạm Hồng Cư nhấn mạnh.

Biết gác lại...

“Thôi, giờ còn ít phút mình kể chuyện cuộc đời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng bị đế quốc cầm tù nhé...”.

Tôi vui sướng đến mức phải kiềm chế tinh thần lắm mới giữ được bình tĩnh khi nghe Trung tướng Phạm Hồng Cư nói thế... Tôi ghi chép rất tỉ mỉ, viết bài rất tâm huyết về phần "nói thêm" này của Trung tướng Phạm Hồng Cư.

Viết bài xong, tôi đến xin ý kiến Trung tướng Phạm Hồng Cư. Ông xem rất nhanh và bảo: “Thôi, những chi tiết về thời niên thiếu của Đại tướng nên gác lại để đưa sau. Mình làm báo thì cũng có lúc phải biết tạm gác lại...”.

Ông không giải thích thêm câu nào. Tôi cũng không dám hỏi. Tuy nhiên, thời gian càng trôi đi tôi càng thấy ở ông một vị tướng tài năng, nhân hậu. Ông vừa là thủ trưởng, vừa là người thầy của những người một thời được vinh dự làm báo viết về CTĐ, CTCT trong quân đội chúng tôi.

Khi đã ở tuổi ngoài 80, ông vẫn rất say mê viết bài cho Báo QĐND, nhất là chuyên mục "Sổ tay chính trị viên" với mong muốn được trao đổi, truyền đạt những kinh nghiệm hoạt động CTĐ, CTCT cho thế hệ cán bộ trẻ. Nhiều lần đọc được bài viết tâm đắc trong chuyên mục này, Trung tướng Phạm Hồng Cư đến tòa soạn để hỏi tác giả của bài viết đó là ai, rồi ông hào hứng trao đổi, bàn luận về bài viết với các phóng viên của Phòng biên tập CTĐ, CTCT. Khi biết bài viết mà ông tâm đắc là của phóng viên trẻ, hoặc cán bộ trẻ đang công tác ở đơn vị cơ sở thì ông càng vui, bởi thấy lớp trẻ đã có "độ chín" cần thiết của người cán bộ chính trị trong quân đội.

Thời điểm từ giữa năm 2005, sau khi Bộ Chính trị khóa IX ban hành Nghị quyết số 51-NQ/TW “Về việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong QĐND Việt Nam”, Trung tướng Phạm Hồng Cư chính là một "chuyên gia" về CTĐ, CTCT, về kinh nghiệm thực tiễn của chính ủy, chính trị viên mà các phóng viên Phòng biên tập CTĐ, CTCT Báo QĐND thường xuyên khai thác để viết bài. Ông thực sự là "người truyền lửa" cho rất nhiều sĩ quan chính trị, trong đó có cán bộ, phóng viên Báo QĐND. Mỗi lần gặp ông, chúng tôi đều nhận được những bài học sâu sắc.

Đại tá NGUYỄN HUY THIÊM, Nguyên Trưởng phòng biên tập CTĐ, CTCT, Báo QĐND