Một doanh nghiệp Việt thu gom bã cà phê để làm sợi, vải

Ngày 13-3, Công ty CP Kết nối Thời trang - Faslink, một trong những nhà cung cấp nguyên liệu xanh trong lĩnh vực thời trang bền vững tại Việt Nam từ năm 2008 đến nay, đã ký kết hợp tác chiến lược toàn diện với Công ty Singtex, đơn vị cung cấp vải sợi xanh hàng đầu tại Đài Loan (Trung Quốc) trong việc cung ứng dòng vải sợi S.Café có chứng thực tại Việt Nam.

Fastlink và Singtex chính thức hợp tác chiến lược để phát triển các sản phẩm thời trang bền vững

Theo biên bản ghi nhớ, Faslink và Singtex sẽ chung tay thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành may mặc và thời trang Việt Nam thông qua công nghệ vải sợi S.Café.

Cụ thể, Faslink sẽ là đơn vị cung ứng vải sợi S. Café mang công nghệ độc quyền của Singtex tại thị trường Việt Nam. Hai công ty sẽ cùng triển khai chương trình tái chế các sản phẩm thời trang cũ được làm từ vải sợi S.Café; đồng hành hỗ trợ cho Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên GaiA trồng ít nhất 1.000 cây xanh tại Vườn Quốc gia Bến En (Thanh Hóa) bằng nguồn kinh phí trích từ doanh thu của sản phẩm ứng dụng vải sợi S. Café.

Đặc biệt, Faslink sẽ triển khai dự án thu gom bã cà phê tại Việt Nam theo tiêu chuẩn của Singtex với mục tiêu tạo ra các sản phẩm dệt may bền vững từ cà phê Việt Nam; kết hợp ra mắt những dòng sản phẩm thời trang bền vững mới từ công nghệ vải sợi của Singtex và chuyên môn thiết kế của Faslink.

Bà Trần Hoàng Phú Xuân, Tổng Giám đốc Faslink, cho biết thông qua sự hợp tác với Singtex, Faslink sẽ tiếp tục ứng dụng công nghệ vượt trội trong việc phát triển các dòng sản phẩm sợi và vải từ bã cà phê, hướng đến mục tiêu sử dụng nguồn nguyên liệu bã cà phê nội địa để sản xuất vải sợi cà phê trong nước.

Công nghệ S. Café được Singtex phát minh vào năm 2008, sử dụng chai nhựa và bã cà phê để kéo thành sợi vải, mang nhiều tính năng vượt trội: thấm hút mồ hôi, kiểm soát mùi cơ thể, thoáng mát, khô nhanh và chống tia cực tím. Quy trình xử lý vải sợi S.Café đã được công nhận bảo vệ môi trường khi giảm 50% phát thải carbon, tiết kiệm 30% năng lượng và 70% lượng nước sử dụng trong quá trình nhuộm.

T. Nhân