Lý do NASA phải hủy phóng tên lửa mạnh nhất vào phút chót

Ngày 29/8, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) tuyên bố hoãn phóng tên lửa SLS (Space Launch System - Hệ thống Phóng Không gian) do rò rỉ nhiên liệu và động cơ quá nhiệt. Những sự cố khiến các kỹ sư không kịp khắc phục trước giờ cất cánh.

SLS là tên lửa mạnh nhất từng được NASA chế tạo. Tên lửa dự kiến mang theo tàu vũ trụ Orion lên quỹ đạo Mặt Trăng trong chuyến bay Artemis I. Đây là bước khởi đầu cho sứ mệnh đưa con người trở lại Mặt Trăng của NASA sau sứ mệnh Apollo cách đây 50 năm.

Hàng loạt sự cố trước giờ phóng

Theo AP, sự cố rò rỉ nhiên liệu được phát hiện trong sáng 29/8 (giờ Mỹ), chỉ vài tiếng trước thời điểm phóng. Các kỹ sư NASA liên tục dừng và bơm nhiên liệu - gồm hơn 3,7 triệu lít hydro (nhiệt độ -253 độ C) và oxy (nhiệt độ -145 độ C) - một cách cẩn thận bởi hydro rất dễ cháy nổ.

Việc tiếp nhiên liệu cho SLS diễn ra từ 1h14 ngày 29/8, chậm 45 phút do cơn bão quét qua bãi phóng 39B tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy, Florida vào đêm hôm trước.

Trong lúc chuyển từ giai đoạn bơm tốc độ chậm sang tốc độ cao, các cảm biến phát hiện nồng độ hydro cao hơn mức cho phép trong vỏ bọc xung quanh ống bơm nhiên liệu, cho thấy sự rò rỉ trong hệ thống.

Sự cố rò rỉ hydro đã xuất hiện trong 4 bài thử nghiệm tiếp nhiên liệu (wet dress) trước đó. Theo New York Times, các buổi diễn tập tiếp nhiên liệu nhằm giải quyết sự cố, nhưng bị rút ngắn do vấn đề kỹ thuật.

Các kỹ sư NASA đã sửa chữa vấn đề tại cơ sở ráp tàu. Tuy nhiên, công việc diễn ra trong điều kiện bình thường, còn sự cố chỉ xuất hiện trong môi trường đông lạnh.

Đồng hồ đếm ngược được dừng ở 40 phút trước khi phóng do hàng loạt sự cố của SLS. Ảnh: Shutterstock.

Trở lại đợt phóng ngày 29/8, sau khi quay về trạng thái bơm nhiên liệu tốc độ chậm để nhiệt độ trên ống bơm cân bằng, các kỹ sư chuyển sang giai đoạn bơm tốc độ cao, mọi thứ diễn ra bình thường. Tuy nhiên ít phút sau, một trong 4 động cơ RS-25 của SLS bị quá nhiệt do dòng hydro lỏng để làm mát động cơ không hoạt động đúng cách.

Trong buổi diễn tập "wet dress" cuối cùng của SLS, sự cố rò khí hydro khiến quy trình làm lạnh động cơ không thể diễn ra, nhưng cũng bị NASA bỏ qua. Dù vậy, cơ quan vũ trụ cho biết họ đủ tự tin để mời khoảng 25.000 vị khách và hàng trăm nhà báo theo dõi trực tiếp đợt phóng tên lửa.

Trong thông báo hoãn phóng, NASA cho biết các kỹ sư cần thêm thời gian để xác định nguyên nhân gây ra sự cố, khiến động cơ không thể đạt phạm vi nhiệt độ cần thiết để cất cánh.

Đồng hồ đếm ngược được dừng tại thời điểm 40 phút trước khi phóng, vào khoảng 8h40 sáng (giờ Mỹ). Chương trình chào mừng với sự tham gia của các nghệ sĩ, cựu phi hành gia NASA cũng bị hủy bỏ.

Trước đó một ngày, kỹ sư NASA phát hiện tín hiệu liên lạc giữa phòng điều khiển mặt đất và Orion bị trễ 11 phút. Dù vấn đề đã được khắc phục, NASA cần nắm rõ nguyên nhân xảy ra sự cố trước khi quyết định phóng tên lửa.

Trong sáng 29/8, các lãnh đạo NASA cũng bày tỏ lo ngại về vết nứt trên phần lõi của SLS (thùng nhiên liệu màu cam với 4 động cơ). Tuy nhiên sau đó, đại diện cơ quan này cho rằng chúng chỉ là băng tích tụ trong khe hở của miếng bọt cách nhiệt.

Không có gì đảm bảo chuyến bay sẽ cất cánh

Sự cố rò rỉ nhiên liệu của SLS gợi nhớ đến kỷ nguyên tàu con thoi của NASA, khi tình trạng rò rỉ hydro làm gián đoạn quá trình đếm ngược, khiến hàng loạt vụ phóng bị hoãn vào năm 1990.

Phát ngôn viên Aerojet Rocketdyne nhận định chưa tìm thấy dấu hiệu khẳng định SLS bị hủy phóng bởi 4 động cơ RS-25 do công ty sản xuất. Người này cho biết các kỹ sư đang tập trung vào khả năng dòng khí hydro làm mát động cơ không hoạt động đúng cách. Eileen Drake, CEO Aerojet cũng có mặt tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy để theo dõi vụ phóng.

Khán giả đến Trung tâm Vũ trụ Kennedy để theo dõi vụ phóng từ sáng sớm. Ảnh: Reuters.

Trong khi đó, phát ngôn viên Boeing chưa đưa ra bình luận. Công ty này đảm nhận phát triển phần lõi của SLS, chủ yếu chứa nhiên liệu để bơm vào động cơ.

Theo WSJ, NASA và các đối tác đã trải qua nhiều áp lực trước khi lên lịch phóng tên lửa, do trở ngại kỹ thuật dẫn đến đội chi phí và chậm tiến độ.

NASA cho biết việc phóng Artemis I sẽ tiêu tốn khoảng 4,1 tỷ USD. Con số trên có thể thay đổi trong những chuyến bay tiếp theo. Các lãnh đạo NASA cho biết đang cố gắng cắt giảm chi phí khi những sứ mệnh không gian trong tương lai ngày càng nhiều.

Những ngày trước chuyến bay, các quan chức NASA nhiều lần nhấn mạnh Artemis I chỉ để thử nghiệm cách hoạt động của tên lửa trong điều kiện thực tế, và không loại trừ khả năng gặp sự cố, Washington Post cho biết.

"Tôi muốn nhắc lại rằng đây là chuyến bay thử nghiệm. Chúng tôi sẽ vận hành theo cách không bao giờ được áp dụng nếu có người trên tàu", Bill Nelson, Giám đốc NASA cho biết trong cuộc phỏng vấn vào tuần trước. Ông từng có trải nghiệm tương tự khi chuyến bay thứ 24 của tàu con thoi bị hoãn đến 4 lần.

Mike Sarafin, Giám đốc sứ mệnh Artemis của NASA cũng nhận định vụ phóng có thể "thất bại với bất cứ lý do nào".

"Chúng tôi không hứa hẹn sẽ phóng thành công vào ngày 29/8. Chúng tôi có thể gặp sự cố kỹ thuật, thời tiết không ủng hộ, vi phạm an toàn công cộng hoặc cả 3 lý do", Sarafin cho biết.

Thời tiết xấu cũng đặt ra nhiều lo ngại về khả năng phóng tên lửa đúng lịch trình. Ảnh: Reuters.

Trên Twitter cá nhân, Garrett Reisma, cựu phi hành gia của NASA cho biết sự cố "không có gì ngạc nhiên" bởi rất khó để phóng một tên lửa hoàn toàn mới ngay trong lần đầu, đặc biệt khi SLS rất phức tạp. Dù vậy, Reisma cảnh báo NASA phải rất cẩn thận bởi họ chỉ có một tên lửa cho chuyến bay Artemis I.

Kể cả khi các sự cố kỹ thuật được khắc phục, tình hình thời tiết tại Florida cũng có thể ảnh hưởng đến buổi phóng tên lửa. Trước khi Giám đốc hoạt động phóng Charlie Blackwell-Thompson ra hiệu tạm dừng đếm ngược, mây đen ùn ùn kéo đến bãi phóng 39B, sấm chớp vang vọng khắp bờ biển.

Sứ mệnh lịch sử của NASA

Artemis I là chuyến bay đầu tiên thuộc sứ mệnh khám phá Mặt Trăng thể kỷ XXI của NASA. Tên nhiệm vụ Artemis được đặt theo chị em sinh đôi trong thần thoại Apollo, cũng là tên của sứ mệnh khám phá Mặt Trăng đầu tiên.

Dài 98 m, SLS là tên lửa mạnh nhất từng được NASA chế tạo, với lực đẩy và công suất mạnh hơn tên lửa Saturn V cho sứ mệnh Apollo. Chuyến bay Artemis I không có phi hành đoàn, được phóng nhằm kiểm tra hiệu quả tấm chắn nhiệt trên khoang phi hành đoàn, thử nghiệm công nghệ hỗ trợ bằng giọng nói Callisto.

Dù không có phi hành đoàn, khoang phi hành gia của Orion được đặt một số hình nộm, trang bị các cảm biến để đo độ rung, bức xạ vũ trụ cũng như thử nghiệm hệ thống giảm xóc. Tàu vũ trụ cũng mang theo những kỷ vật trong các sứ mệnh trước đây của NASA.

“Đây là một tên lửa và tàu vũ trụ mới để đưa con người lên Mặt Trăng trong chuyến bay tiếp theo. Điều này đã không xảy ra trong hơn 50 năm và nó cực kỳ khó khăn", ông Sarafin chia sẻ.

Hàng nghìn người đã đến Trung tâm Vũ trụ Kennedy tại Florida để theo dõi vụ phóng, bao gồm Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris và Đệ nhị phu quân Doug Emhoff. Trên Twitter, bà Harris cam kết sự hỗ trợ của Mỹ cho sứ mệnh Artemis sau thông báo hoãn chuyến bay đầu tiên.

Trung tâm Điều khiển Sứ mệnh (Mission Control Center) tại Houston được tu sửa để chuẩn bị cho sứ mệnh Artemis. Ảnh: AP.

Artemis I có thể được hoãn sang ngày 2/9, dự kiến phóng lúc 12h48 (giờ Mỹ), tức 23h48 cùng ngày (giờ Việt Nam) nếu các sự cố được khắc phục kịp thời và không cần kiểm tra nhiên liệu.

Do vị trí thay đổi liên tục của Trái Đất và Mặt Trăng, NASA chỉ còn một cơ hội phóng SLS vào 17h12 ngày 5/9. Nếu không, tên lửa sẽ phải kéo ra khỏi bãi phóng, trở lại cơ sở lắp ráp để bảo dưỡng. Trong trường hợp đó, ngày phóng có thể dời đến cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10.

Trong video trực tiếp của NASA, bình luận viên Derrol Nail cho biết thời điểm phóng tiếp theo phụ thuộc vào kết quả phân tích sự cố của các kỹ sư, cũng như thời gian cần để khắc phục.

"Đây là cỗ máy phức tạp, hệ thống cực kỳ phức tạp, tất cả phải hoạt động trơn tru và bạn không thể phóng cho đến khi nó sẵn sàng hoạt động", giám đốc NASA cho biết.

Nếu chuyến bay đầu tiên hoàn thành tốt đẹp, NASA sẽ đưa phi hành gia lên chuyến bay Artemis II, dự kiến được phóng vào năm 2024 để quay quanh quỹ đạo Mặt Trăng. Năm 2025, chuyến bay Artemis III sẽ đưa con người đáp xuống bề mặt Mặt Trăng lần tiếp theo sau 50 năm.

Phúc Thịnh