Lo ngại về cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu

Các nhà khoa học cho biết, ô nhiễm carbon đã dẫn đến mưa nhiều hơn và lũ lụt mạnh hơn ở Hy Lạp và Libya trong tháng này, nhưng các yếu tố khác của con người là nguyên nhân biến thời tiết khắc nghiệt thành thảm họa nhân đạo. Theo một nghiên cứu từ World Weather Attribution, tình trạng nóng lên toàn cầu khiến lượng mưa tàn phá Địa Trung Hải vào đầu tháng 9 cao hơn tới 50 lần ở Libya và gấp 10 lần ở Hy Lạp. Mạng lưới các nhà khoa học, những người nỗ lực tìm hiểu các hiện tượng thời tiết cực đoan nhận thấy, con người dễ bị tổn thương hơn trước mưa vì các yếu tố như xây nhà trên vùng đồng bằng ngập lũ, chặt cây và không bảo trì đập.

Một tòa nhà bị phá hủy sau trận lũ lụt tại thành phố Derna, Libya. (Photo: AFP)

Nhà khoa học khí hậu tại Imperial College London Friederike Otto cho biết, Địa Trung Hải là điểm nóng của các mối nguy hiểm do biến đổi khí hậu gây ra. Mặc dù các nhà nghiên cứu nhận thấy việc định lượng vai trò của biến đổi khí hậu trong nghiên cứu này khó hơn so với các vụ cháy rừng và sóng nhiệt gần đây, nhưng bà nhấn mạnh rằng, việc giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương và tăng khả năng phục hồi trước mọi loại thời tiết khắc nghiệt là điều tối quan trọng để cứu sống con người trong tương lai.

Bão Daniel đã tấn công một số quốc gia Địa Trung Hải trong hai tuần đầu tiên của tháng 9 và gây ra những cơn mưa xối xả. Báo cáo của WWA cho thấy, lượng mưa rơi ở Libya vượt xa so với những sự kiện được ghi nhận trước đó. Hơn nữa, xung đột đang diễn ra và bất ổn chính trị ở Libya đã làm trầm trọng thêm ảnh hưởng của lũ lụt. Những con đập được xây dựng vào những năm 1970 được bảo trì kém. Chúng cũng có thể được thiết kế dựa trên số liệu về lượng mưa ngắn đã đánh giá thấp mức độ mạnh của một cơn bão cực đoan. Báo cáo cho thấy, người dân gặp nguy cơ cao hơn vì các con đập chứa quá nhiều nước và bị hỏng vào ban đêm, khiến có rất ít thời gian để di tán.

Trong khi đó, các nhà khoa học ghi nhận rằng, ở Hy Lạp, Bulgaria và Thổ Nhĩ Kỳ, lượng mưa nặng hơn tới 40% do tình trạng nóng lên toàn cầu. Trên toàn khu vực, lượng mưa cực lớn như vậy có thể xảy ra mỗi thập kỷ một lần. Ở miền trung Hy Lạp, nơi xảy ra phần lớn thiệt hại, một sự kiện như vậy giờ đây có thể xảy ra cứ sau 80-100 năm. Báo cáo cho thấy, những thay đổi về cảnh quan khiến lũ lụt ở Hy Lạp trở nên tàn khốc hơn. Do quá trình đô thị hóa và nạn phá rừng, ngày càng có nhiều người và nhà cửa bị lũ lụt tấn công, đồng thời có ít thiên nhiên để hấp thụ nước mưa hơn.

Tạo ra các làn sóng dịch truyền nhiễm

Tại sự kiện tuần lễ khí hậu tại New York, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã nhấn mạnh về mối liên hệ giữa vấn đề khủng hoảng khí hậu và sức khỏe toàn cầu, và nhấn mạnh cuộc khủng hoảng khí hậu là một cuộc khủng hoảng sức khỏe. Nó không chỉ gây ra những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, mà còn là một tiềm ẩn cho các làn sóng dịch bệnh, cướp đi nhiều sinh mạng trên khắp thế giới. Theo đó, Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu Cop28 tại Dubai, dự kiến diễn ra vào tháng 12 tới, và là lần đầu tiên tổ chức ngày sức khỏe toàn cầu, nơi các vấn đề sức khỏe trong bối cảnh khủng hoảng khí hậu sẽ được thảo luận. Chủ tịch Cop28 Sultan Al Jaber cho biết, mối quan hệ giữa sức khỏe và biến đổi khí hậu là “rõ ràng”, và thông qua Cop28 sẽ mang đến những đối tác có thể tạo ra sự thay đổi và đóng góp tích cực.

Tổng thống Malawi Lazarus Chakwera cho biết, việc bổ sung ngày sức khỏe toàn cầu là cần thiết, một loạt cơn bão nhiệt đới liên tiếp nhanh chóng đã dẫn đến đợt bùng phát dịch tả tồi tệ nhất trong lịch sử Malawi và để lại dấu vết tàn phá ảnh hưởng đến hơn 2 triệu người. Malawi được xếp hạng là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu và việc củng cố hệ thống chăm sóc sức khỏe và cơ sở hạ tầng là điều tối quan trọng để chống chọi với các thảm họa liên quan đến khí hậu. Hơn nữa, đã có cảnh báo về những gì có thể xảy ra tiếp theo ở Libya sau trận lũ lụt thảm ở thành phố cảng Derna, cùng nguy cơ mắc các bệnh lây qua đường nước làm tăng thêm số người chết. Ông Lazarus Chakwera nhấn mạnh rằng, số người chết và bị thương do các thảm họa liên quan đến khí hậu sẽ tiếp tục gia tăng trừ khi các nước khẩn trương thực hiện các biện pháp giảm thiểu và thích ứng với khí hậu.

Tiến sĩ Vanessa Kerry, mới được bổ nhiệm làm đặc phái viên đầu tiên của WHO về biến đổi khí hậu và sức khỏe cho biết, biến đổi khí hậu là một cuộc khủng hoảng sức khỏe. Theo thống kê, mỗi năm có 7 triệu người chết vì ô nhiễm không khí, nghĩa là cứ năm giây lại có nhiều hơn một người và nhiều hơn những gì chúng tôi thấy trong toàn bộ đại dịch Covid-19. Các biện pháp trước mắt có thể được thực hiện bao gồm đào tạo thêm nhân viên y tế và xây dựng cơ sở hạ tầng kiên cường hơn, bao gồm đảm bảo có sẵn thuốc men và các bệnh viện được xây dựng để có khả năng chống chịu tốt hơn trước các cơn bão cực đoan, chẳng hạn như sử dụng năng lượng xanh và năng lượng mặt trời.

Như Ý