Lĩnh vực sản xuất của Đông Nam Á đối mặt với nhiều rủi ro do đại dịch

Một nhà máy sản xuất ô tô tại Thái Lan. (Ảnh: AFP)

Các đợt bùng phát mới của dịch COVID-19 tại Đông Nam Á với sự xuất hiện biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 đã làm tê liệt lĩnh vực sản xuất của khu vực này, gây gián đoạn nguồn cung hàng hóa toàn cầu như găng tay cao su, chất bán dẫn và ôtô thể thao đa dụng (SUV).

Điều này cũng đang đe dọa sự phục hồi của khu vực kinh tế trị giá 3.000 tỷ USD.

Một loạt cuộc khảo sát trong tuần này cho thấy hoạt động kinh doanh của các nhà sản xuất tại hầu hết các nền kinh tế Đông Nam Á đã giảm mạnh trong tháng Bảy, trái ngược với các nền kinh tế sản xuất linh hoạt hơn ở khu vực Đông Bắc Á và phương Tây, nơi tăng trưởng của hoạt động sản xuất vẫn tiếp tục mở rộng dù với tốc độ chậm lại.

Những gián đoạn của nền kinh tế ở Đông Nam Á do đại dịch COVID-19 ra đã trở nên nghiêm trọng hơn do tiến độ tiêm chủng chậm ở khu vực 600 triệu dân này.

Chính phủ các nước đang phải “vật lộn” để đảm bảo đủ vaccine cho người dân và áp dụng các biện pháp phong tỏa xã hội gây tốn kém, khiến nhiều nhà máy không thể hoạt động do không có công nhân.

Những khó khăn này đang đe dọa sự phát triển của một trong những thị trường mới nổi có khả năng phục hồi tốt trên thế giới, vốn đã chống chọi với nhiều cuộc khủng hoảng toàn cầu khác nhau trong những thập niên gần đây nhờ những cải cách kinh tế mạnh mẽ rộng rãi.

Các nhà kinh tế của ngân hàng HSBC, có trụ sở tại London (Vương quốc Anh) cảnh báo rằng tỷ lệ tiêm chủng thấp ở Indonesia, Philippines và Thái Lan, cũng như hiệu quả không chắc chắn của vaccine, khiến các nền kinh tế này gặp rủi ro.

Điều này có nghĩa là người dân ở những quốc gia này có thể vẫn dễ bị tổn thương không chỉ do đợt bùng phát dịch COVID-19 hiện tại, mà còn bất kỳ tình huống xấu nào có thể xảy đến trong tương lai.

Đối với các nhà sản xuất Đông Nam Á, vốn có sức cạnh tranh chủ yếu nhờ lao động giá rẻ và khả năng tiếp cận nguyên liệu thô tốt, tác động của những đợt bùng phát dịch bệnh mới đối với nguồn cung lao động đã tạo nên một “điểm nghẽn” lớn.

Tại Thái Lan, nhà xuất khẩu ôtô lớn thứ tư châu Á và là cơ sở sản xuất của các thương hiệu ôtô lớn trên toàn cầu, Toyota Motor Corp đã đình chỉ sản xuất tại ba nhà máy của họ vào tháng 7/2021 do tình trạng thiếu phụ tùng gây ra bởi đại dịch.

Còn ở Malaysia, nơi cung cấp khoảng 67% thị trường găng tay cao su toàn cầu, các hạn chế dịch chuyển đã buộc nhiều nhà sản xuất găng tay phải tạm ngừng hoạt động trong tháng 6 và tháng 7/2021.

Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's Investors Service cho biết các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương với "cơ cấu kinh tế tập trung" và thể chế chưa theo kịp với tình hình sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch.

Theo công ty dịch vụ đầu tư này, đây là những nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp, và những tổn thương kinh tế có khả năng làm gia tăng rủi ro về xã hội.

Ở một số nền kinh tế này, gánh nặng nợ cao đang hạn chế không gian tài chính của các chính phủ để chống chọi với đại dịch./.

Minh Trang (TTXVN/Vietnam+)