Liệu Mỹ sẽ hỗ trợ Armenia đối đầu Azerbaijan nhằm thách thức ảnh hưởng của Nga?

Armenia ngày càng thân Mỹ hơn

Thủ tướng Armenia, Nikol Pashinyan, đã quyết định xích lại gần hơn với Mỹ, thậm chí có thể với cả khối quân sự NATO do Mỹ đứng đầu. Cho tới nay Armenia đã tiến hành tập trận với Mỹ, dù Armenia là thành viên của Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO) do Nga dẫn dắt.

Lính Armenia Karabakh bắn pháo trong xung đột Nagorno-Karabakh vào tháng 10/2020. Ảnh: VOA.

Armenia giành được sự ủng hộ đáng kể của Mỹ - quốc gia thừa nhận sự tồn tại của điều mà Armenia gọi là cuộc diệt chủng đối với người Armenia trong các giai đoạn 1894-1896 và 1915-1918, với hậu quả là 1,5 triệu người Armenia tử vong. Ngày nay có khoảng 400.000 người Mỹ gốc Armenia đang sinh sống ở Mỹ.

Vào năm 2020, chiến tranh bùng nổ lần thứ 2 giữa Azerbaijan và lực lượng người Armenia, trong đó chiến thắng thuộc về phía Azerbaijan. Thủ tướng Arnenia khi ấy, ông Pashinyan, giải thích rằng việc Armenia thất trận là do thiếu vắng sự hậu thuẫn của Nga, mặc dù chính ông đã đồng ý với một thỏa thuận đình chiến do Tổng thống Putin làm trung gian mà theo đó lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga sẽ đóng quanh hành lang Lachin để bảo vệ Stepanakert - thủ phủ của Nagorno-Karabakh.

Armenia có dân số khoảng 3 triệu người, nằm giữa các nước Azerbaijan, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Gruzia. Armenia có mối quan hệ căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ (nước ủng hộ Azerbaijan). Armenia cũng tích cực hậu thuẫn cho những người tộc Armenia sống ở vùng Nagorno-Karabakh (nằm bên trong lãnh thổ Azerbaijan hiện nay).

Nagorno Karabakh là một vùng đất không có biển ở khu vực Nam Kavkaz. Thời Liên Xô, Azerbaijan trực tiếp quản lý vùng này; tuy nhiên sau khi Liên Xô tan rã, người tộc Armenia (chiếm đa số tại Karabakh) muốn ly khai khỏi Azerbaijan và sáp nhập vào Armenia.

Sau cuộc chiến Karabakh lần 1 (kết thúc vào năm 1994), đa phần vùng lãnh thổ này do “Cộng hòa Artsakh” tự phong (không được quốc tế công nhận, còn được gọi là “Cộng hòa Nagorno-Karabakh”) kiểm soát và cai quản.

Nhiều căng thẳng với Nga hơn

Quan hệ giữa Nga và Armenia bắt đầu xấu đi sau khi Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan lên cầm quyền vào năm 2018 và đặc biệt là sau khi Nga không giúp được gì nhiều cho Armenia trong cuộc chiến tranh Karabakh năm 2020.

Trong vài tuần qua, Nga đã triệu tập Đại sứ Armenia sau khi Thủ tướng Pashinyan mời Mỹ tham gia diễn tập quân sự chung, đồng thời lần đầu tiên gửi viện trợ nhân đạo cho Ukraine.

Kremlin đã phản bác các tuyên bố của Armenia cho rằng lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga không thực thi đầy đủ nghĩa vụ của mình là bảo vệ người tộc Armenia ở Karabkha và giữ thông hành lang tới khu vực này.

Còn vào ngày 20/9/2023, một nhóm binh sĩ gìn giữ hòa bình của Nga ở Nagorno-Karabakh đã thiệt mạng toàn bộ sau khi bị tấn công bằng các loại súng nhỏ. Phía Nga và Azerbaijan đã tuyên bố sẽ điều tra về vụ việc này. Vụ tấn công được cho là có tiềm năng gây căng thẳng thêm quan hệ giữa Nga và Armenia.

Hiện chưa rõ liệu Nga có tiếp tục duy trì lực lượng gìn giữ hòa bình ở Karabakh hay không mặc dù Nga đã tỏ ra quan ngại về việc Armenia và Mỹ ngày càng gần gũi với nhau.

Thủ tướng Armenia Pashinyan đã kêu gọi Mỹ can thiệp nhưng Mỹ chưa nhận lời mời này. Trái lại, Washington cũng như Moscow đều lên án vụ giao tranh gần đây giữa quân đội Azerbaijan và các lực lương Armenia.

Nếu lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga tiếp tục đóng ở Karabakh, điều đó có lợi cho Azerbaijan vì sẽ cản trợ nỗ lực của Mỹ thiết lập một căn cứ quân sự ở Armenia. Iran cũng được hưởng lợi khi họ không muốn căn cứ Mỹ nằm sát biên giới của mình. Trong trường hợp Nga rút quân khỏi đây, khả năng cao Iran sẽ nhập cuộc, huy động lực lượng lục quân đông đảo của mình.

Như vậy, ở đây Mỹ sẽ là nhân tố bất ngờ.

Nhà nghiên cứu Akanksha Singh giải thích rằng để duy trì ảnh hưởng toàn cầu, Mỹ cần phải kiểm soát và quản lý được khu vực lục địa Á-Âu, với các điểm nóng như Gruzia, Uzbekistan và Armenia.

Tuy nhiên, nếu Mỹ đưa quân vào Armenia, Nga có lẽ sẽ không khoanh tay ngồi yên.

Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev thể hiện quyết tâm của mình. Ảnh: Middle East Monitor.

Quyết tâm sắt đá của chính quyền Azerbaijan

Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev đã khẳng định quyết tâm của chính quyền nước này trong vấn đề Karabakh như sau: “Azerbaijan đã giải quyết xung đột kéo dài gần 30 năm, giải quyết nó bằng vũ lực và biện pháp chính trị. Tôi chỉ có thể đồng ý với điều mà Tổng thống Nga Putin đã nói, rằng xung đột Nagorno-Karabakh đã thuộc về lịch sử”.

Liên quan đến vụ đụng độ gần đây nhất ở Karabakh, lực lượng tộc Armenia tại vùng này đã nhất trí ngừng bắn với Azerbaijan theo thỏa thuận do Nga làm trung gian. Sau khi lệnh ngừng bắn được công bố vào hôm 20/9, hàng ngàn người tộc Armenia đã đổ xô tới một sân bay của quân Nga để trú ẩn do lo sợ pháo kích và điều mà người Armenia gọi là nguy cơ thanh lọc sắc tộc.

Bộ Quốc phòng Azerbaijan xác nhận có thỏa thuận ngừng bắn trên và nói rằng Nga sẽ điều phối việc rút lui của các lực lượng Armenia dù rằng Armenia khẳng định họ không bố trí quân đội ở Karabakh kể từ năm 2021.

Theo Fianancial Times, dự kiến ngày 21/9, những người tộc Armenia ở Karabakh sẽ gặp giới chức Azerbaijan để bàn về vấn đề “tái hòa nhập”. Tuy nhiên, “Cộng hòa Nagorno-Karabakh” (tự phong) thông qua mạng xã hội thông báo rằng Azerbaijan có ý định chia cắt khu vực này và giáng đòn nặng nề vào sự sống còn của nó. Họ cũng than phiền rằng cộng đồng quốc tế không nỗ lực đủ mạnh để giải quyết tình hình tại đây.

Trung Hiếu/VOV.VN tổng hợp Nguồn: Asia Times, 19fortyfive, Financial Times