Lễ hội chùa Đậu Thường Tín hội tụ linh thiêng

Lễ hội Chùa Đậu, Thường Tín: Bộ kiệu Bát Cống, với 80 người khiêng, là một biểu tượng của sức mạnh tinh thần và lòng kiên định của cộng đồng.

Trong không khí vui tươi, phấn khởi của những ngày đầu Xuân mới, nhân dân các thôn quanh vùng xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, đã long trọng tổ chức Lễ rước Kiệu Thánh Thành Hoàng làng về chùa Đậu để lễ Bồ Tát Pháp Vũ cầu mưa thuận gió hòa. Sự kiện này diễn ra từ mùng 8 đến hết ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch, đánh dấu một trong những hoạt động trọng điểm của Lễ hội chùa Đậu, một sự kiện quan trọng, hoành tráng và đầy ý nghĩa trong dịp đầu Xuân Giáp Thìn 2024.

Đại đức Thích Quang Minh, Trụ trì chùa Đậu chia sẻ: "Đây là lễ hội truyền thống có từ thời nhà Mạc, luôn được nhân dân quanh vùng trông đợi và chuẩn bị một cách công phu và trang nghiêm. Lễ hội không chỉ là dịp để người dân thể hiện lòng thành kính với Thánh Thành Hoàng làng và Bồ Tát Pháp Vũ (Thần mưa) mà còn là cơ hội để mọi người cùng nhau chia sẻ niềm vui, hy vọng vào một năm mới thuận lợi, mưa thuận gió hòa và mùa màng bội thu".

Trong ngày mùng 9 tháng Giêng, là điểm nhấn của lễ hội, người dân các thôn trong vùng tập trung với cờ hoa, trang phục lộng lẫy và trang hoàng đẹp nhất, thành tâm rước kiệu Thánh Thành Hoàng làng về chùa Đậu.

Trong ngày mùng 9 tháng Giêng, là điểm nhấn của lễ hội, người dân các thôn trong vùng tập trung với cờ hoa, trang phục lộng lẫy và trang hoàng đẹp nhất, thành tâm rước kiệu Thánh Thành Hoàng làng về chùa Đậu. Sự kiện này không chỉ phản ánh tinh thần đoàn kết, sự hòa nhập của cộng đồng mà còn góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Bộ kiệu Bát Cống, với 80 người khiêng, là một biểu tượng của sức mạnh tinh thần và lòng kiên định của cộng đồng. Sự kính trọng và tôn vinh giá trị lịch sử, văn hóa thông qua việc duy trì và tổ chức lễ hội hàng năm là minh chứng cho thấy lòng yêu mến và sự gắn bó mật thiết của người dân với di sản văn hóa của tổ tiên.

Du khách tham quan lễ hội chùa Đậu.

Lễ hội chùa Đậu không chỉ là dịp để người dân thể hiện lòng tôn kính đối với các vị thần linh mà còn là cơ hội để mọi người từ các thế hệ khác nhau, từ những nơi khác nhau tụ hội, giao lưu và chia sẻ với nhau những giá trị văn hóa, tinh thần truyền thống. Qua đó, lễ hội góp phần vào việc giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đồng thời tạo điều kiện cho họ hiểu rõ hơn về nguồn gốc, ý nghĩa và giá trị của những lễ hội truyền thống.

Khi Xuân về, Lễ hội chùa Đậu không chỉ là điểm đến của lòng thành kính mà còn là biểu tượng sống động của bản sắc văn hóa Việt Nam, là nơi hội tụ của linh thiêng và tinh hoa văn hóa dân tộc, mang lại cho mỗi người một niềm tin và hy vọng về một tương lai tươi sáng.

Kim Quyên