'Lắng nghe dân nói' để giải quyết những vấn đề 'nóng' từ cơ sở

Quá trình đô thị hóa giúp TP Quảng Ngãi ngày càng khang trang, hiện đại.

GIẢI QUYẾT BỨC XÚC TẠI CƠ SỞ

Thực hiện kế hoạch của UBND thành phố Quảng Ngãi về việc dừng hoạt động chợ đêm Sông Trà tại khu vực đê bao nam sông Trà Khúc thuộc phường Lê Hồng Phong kể từ ngày 1-6, trong những ngày qua, các hộ kinh doanh ẩm thực tại chợ đêm đã tự giác tháo dỡ hàng quán, khắc phục các vi phạm, hoàn trả mặt bằng cơ đê. Ông Phạm Thanh Bình, một tiểu thương tại chợ đêm Sông Trà cho biết: “Sau gần 10 năm buôn bán, bây giờ chợ dừng hoạt động khiến đời sống kinh tế bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, vì sự phát triển của thành phố nên gia đình tôi vẫn chấp hành tháo dỡ hàng quán, bàn giao mặt bằng...”. Theo Chủ tịch UBND phường Lê Hồng Phong Phạm Viết Ất, UBND phường cùng các ban, ngành, đoàn thể thành phố vận dụng nhiều biện pháp linh hoạt để giải thích cho tiểu thương hiểu rõ những hạn chế, bất cập trong quá trình hoạt động của chợ đêm Sông Trà. Nhờ đó, tiểu thương chấp hành tốt việc tháo dỡ, bàn giao mặt bằng để xây dựng khu vực đê bao Sông Trà thành tuyến phố đi bộ.

Nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các hộ dân, giải quyết kịp thời những bức xúc tại cơ sở là cách làm hay đang được nhiều xã, phường của TP Quảng Ngãi vận dụng nhằm hạn chế đơn thư vượt cấp, không để phát sinh “điểm nóng”. Quảng Phú là phường có diện tích rộng nhất TP Quảng Ngãi, ngoài kinh tế nông nghiệp còn có Khu công nghiệp Quảng Phú và nhiều loại hình dịch vụ kinh doanh khác. Từ đó, nảy sinh nhiều vấn đề giữa người dân với người dân, giữa người dân với doanh nghiệp, hoặc với chính quyền. Trước thực tế này, Ðảng bộ phường Quảng Phú xây dựng mô hình “Ngày lắng nghe dân nói”. Ngày thứ 5 hằng tuần, Ðảng ủy phường phân công đảng ủy viên luân phiên trực tiếp đến nhà dân hoặc tổ dân phố để nắm bắt tình hình, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Ðối với những ý kiến thuộc thẩm quyền, đảng ủy viên đi tiếp xúc có thể trả lời, giải quyết ngay tại chỗ. Những vấn đề vượt thẩm quyền thì tiếp thu, cùng với Ðảng ủy phường bàn bạc, thống nhất giải quyết hoặc kiến nghị lên cấp trên. Thông qua “Ngày lắng nghe dân nói”, người dân tổ 15 kiến nghị về tình trạng lan-can cầu ông Thời bị hư hỏng, gây nguy hiểm cho người qua lại. Sau nhận kiến nghị chính đáng của người dân, phường Quảng Phú tu sửa lại cầu, được người dân hoan nghênh. Sau hơn hai năm triển khai mô hình, gần 92% số kiến nghị, trong đó có nhiều ý kiến bức xúc của nhân dân qua nhiều năm như ô nhiễm môi trường, bất cập trong quản lý quy hoạch, xây dựng cơ bản, an ninh trật tự… đã được giải quyết dứt điểm.

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIẢI QUYẾT ÐƠN THƯ

Trước tình hình khiếu nại, tố cáo (KNTC) diễn biến phức tạp, tăng về số lượng, UBND thành phố Quảng Ngãi chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan chức năng và địa phương thường xuyên, kịp thời giải quyết KNTC cũng như những vấn đề cử tri, nhân dân bức xúc. Ðồng thời, tích cực xem xét, chỉ đạo giải quyết các vụ việc KNTC phức tạp, kéo dài; tăng cường kỷ cương hành chính, yêu cầu người đứng đầu tiếp công dân; tích cực đối thoại với người dân trong vùng dự án để giải quyết kịp thời các vụ việc phát sinh.

Bên cạnh đó, Cơ quan Ủy ban Kiểm tra - Thanh tra TP Quảng Ngãi tham mưu cho UBND thành phố ban hành bốn văn bản chỉ đạo chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan chuyên môn, đơn vị trực thuộc, Chủ tịch UBND các xã, phường trong công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC; ban hành Quyết định số 923/QÐ-UBND ngày 11-3-2021 về việc thành lập Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, xử lý tố cáo; tham mưu và giải quyết KNTC, kiến nghị phản ánh của công dân. Phó trưởng Cơ quan Ủy ban Kiểm tra - Thanh tra TP Quảng Ngãi Dương Văn Tình cho biết, công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, kiến nghị, phản ánh của người dân có sự chuyển biến tích cực, chất lượng giải quyết đơn thư ngày càng được nâng lên. Thí dụ, công trình cầu Cổ Lũy bắc qua sông Trà Khúc nối hai xã Tịnh Khê và Nghĩa Phú, TP Quảng Ngãi, là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh Quảng Ngãi với tổng vốn đầu tư 2.250 tỷ đồng, do vướng đền bù giải phóng mặt bằng xây dựng hạng mục đường dẫn bờ nam, dẫn đến chậm tiến độ đưa vào khai thác. Sau khi nhận đơn thư khiếu nại và kiến nghị của chín trường hợp ở thôn Cổ Lũy Bắc (xã Nghĩa Phú), cơ quan chức năng, đoàn thể của thành phố và địa phương nhiều lần tổ chức vận động, đối thoại, thu thập tài liệu, xác minh nội dung khiếu nại để giải thích rõ, cho nên các hộ dân đã đồng thuận nhận tiền đền bù, tự giác bàn giao mặt bằng. “Việc giải quyết thấu tình, đạt lý, bảo đảm hài hòa lợi ích của công dân và Nhà nước đã góp phần đưa cầu Cổ Lũy sớm đi vào hoạt động, tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương” - đồng chí Dương Văn Tình cho biết.

Trong sáu tháng đầu năm 2021, đã giải quyết xong 149/240 vụ thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND thành phố (bằng 62,8%); 36/61 vụ đơn phản ánh kiến nghị, tranh chấp thuộc thẩm quyền các phòng ban chuyên môn (bằng 59,2%); 226/286 vụ thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND xã, phường (bằng 79,2%). Mặc dù công tác giải quyết đơn thư khiếu nại có nhiều chuyển biến tích cực, song theo Chủ tịch UBND thành phố Quảng Ngãi Hà Hoàng Việt Phương, việc giải quyết KNTC của công dân là một lĩnh vực khó và phức tạp, trong khi đó nguy cơ tiềm ẩn phát sinh nhiều phức tạp tập trung vào việc thu hồi đất, bồi thường không thỏa đáng, giá bồi thường thấp, thu hồi đất nông nghiệp… Do đó, thời gian tới, TP Quảng Ngãi tiếp tục chỉ đạo giải quyết kịp thời, đúng pháp luật đơn thư KNTC, kết quả giải quyết bảo đảm quyền và lợi ích cho công dân, nâng cao chất lượng giải quyết đơn thư, phấn đấu đạt tỷ lệ giải quyết hơn 85% đối với các vụ việc mới phát sinh.

Bài và ảnh: HIỂN CỪ