Làm việc ngày giãn cách

Phố phường như cũ đi, trầm mặc bởi đường phố vắng lặng. Đang ngày làm việc trong tuần nhưng dịch Covid-19 đã khiến mọi thứ chậm dừng hẳn lại. Thành phố mấy triệu dân vốn ồn ào tấp nập thậm chí tắc nghẽn giao thông những giờ cao điểm nhưng giờ đây nếu có sắc xuân hẳn ai cũng nghĩ đang là sáng mồng một Tết.

Những cánh cửa khép chặt trừ những ngôi nhà được phép làm việc như văn phòng, công sở hành chính và những cửa hàng, cửa hiệu thiết yếu. Nhưng đằng sau những cánh cửa khép ấy vẫn là dòng chảy cuộc sống. Bao nhiêu con người vẫn đang làm công việc của mình một cách cần mẫn thậm chí cần mẫn hơn cả ngày thường.

Bỏ qua những nhà máy, công xưởng, khu công nghiệp đang “3 tại chỗ” lo sản xuất, hãy chỉ điểm những gì nép trong sự vắng lặng không hề yên ả kia. Công sở hành chính thì vẫn là những công chức cần mẫn chức nghiệp. Các văn phòng khác như luật sư, công chứng, các dịch vụ không thiết yếu phải đóng cửa. Công chứng vẫn có văn phòng mở cửa nhưng giãn cách thì đào đâu ra khách hàng trừ những trường hợp quá cần thiết về giấy tờ.

Phố Hà Nội vắng vẻ những ngày giãn cách

Có lẽ phải kể nhiều nhất đến những người cung ứng thực phẩm. Gần nhà tôi có khu lò mổ. Tầm gần sáng những lò mổ này đã rục rịch xuất hàng cho các chợ và các mối quen thuộc. Hàng ăn đã phải ngừng bán nên chủ yếu thịt thà cung ứng cho bán lẻ phục vụ bữa ăn gia đình. Rau, quả các loại những ngày giãn cách luôn đủ đầy cho dù giá cả có đắt lên. Có được điều này chính là nhờ ở những người nông dân dù có dịch vẫn một nắng hai sương. Rồi đội ngũ trung chuyển những bó rau tươi ngon, những củ quả còn ứ nhựa đến tận tay người tiêu dùng.

Những hộ gia đình, công ty nhỏ chế biến thực phẩm đương nhiên những ngày này giữ nhịp sản xuất thậm chí tăng lượng hàng hóa bởi sức tiêu thụ của các gia đình tăng hơn những ngày không dịch. Tóm lại với những mặt hàng về lương thực, thực phẩm thiết yếu cho bữa ăn gia đình vẫn ở guồng quay hoạt động tối đa công suất.

Hôm qua tôi cần cuốn “Kinh Thánh” để tra cứu bèn gọi điện cho người phụ trách nhà sách, bèn nhận được câu trả lời, nhà sách đóng cửa. Tôi vốn là khách quen nên anh này ngần ngừ rồi bảo nhà sách không có nhưng em sẽ kiếm cho anh ngay. Em gửi đến đâu cho anh được. Ra thế, nhà sách đóng cửa nhưng nhân viên vẫn vận hành sách theo nhu cầu khách hàng online. Tôi không rõ lắm quy định nhưng chắc chắn sách không thể bị liệt vào hàng không thiết yếu. Những ngày này nhu cầu đọc tăng hơn bất cứ thời gian nào vì sự rảnh rỗi thời gian không bị chi phối vào những công việc khác khi không có dịch. Cửa hàng có thể đóng cửa để an toàn chống dịch nhưng sách vẫn phải vận hành trong cuộc sống.

Đang nghỉ hè nhưng tôi biết thầy trò các cấp vẫn online ôn luyện kiến thức văn hóa chuẩn bị cho năm học mới. Nhu cầu ngoại ngữ không bao giờ vơi thiếu nên các lớp học vẫn duy trì. Rồi những môn thể dục thể thao như khí công, yoga thậm chí luyện võ của các lò các trung tâm đào tạo vẫn vận hành bằng phương thức hữu hiệu và duy nhất là qua trực tuyến.

Ở lĩnh vực nghệ thuật có lẽ thiệt thòi nhất là các nghệ sĩ biểu diễn. Không còn sàn diễn hiển nhiên là họ thất nghiệp nhưng nói thế những ngày này không thể tốt hơn cho những nghệ sĩ luyện tập, ôn lại kỹ
năng, kiến thức.

Còn các nghệ sĩ sáng tác thì nói một cách thẳng tưng, dịch dã phải giãn cách lại là cơ hội vàng cho họ làm việc đẻ ra tác phẩm tốt hơn bất cứ thời kỳ nào. Chứ không à, họa sĩ, nhạc sĩ, nhà văn, biên kịch, kịch tác gia, nhà điêu khắc…có quá nhiều thời gian cho công việc. Ngày không dịch họ còn phải chêm vào bao nhiêu sự vụ mà lấy bản thân tôi ra thôi chứ không cần ai khác, riêng việc tụ tập bạn bè, đàn ca sáo nhị,
nhậu nhẹt đã tốn mỗi ngày vô khối thời gian.

Các trung tâm sản xuất phim, các hãng phim dịp này án binh bất động hiện trường nhưng thử hỏi có thời cơ nào tốt hơn để chuẩn bị kịch bản chuẩn bị nội dung cho những dự án mới. Mới mấy hôm trước một lãnh đạo hãng phim Nhà nước còn gọi ời ời cho tôi, anh ơi chuẩn bị, chuẩn bị hết dịch cái là đến hãng lo cho em cái kịch bản về phố nhé. Phố, tất nhiên rồi sở trường của anh mà. Vị này nhấm nhẳng thôi đi anh, lười chết đi được còn nợ chồng chất lời hứa kia kìa. Đấy dịch dã căng thẳng nhưng cũng có thiếu gì niềm vui công việc đâu.

Các bác sĩ bệnh viện Bạch Mai thực hiện một ca phẫu thuật

Những ngày này có một ngành là y tế tôi không đề cập đầu tiên bởi họ đang là trung tâm của mọi hoạt động chống dịch là tiêu điểm của cuộc sống. Ngành y tế hơn bao giờ là những người tiên phong chịu nhiều vất vả nhất. Dịch dã căng thẳng, lây lan và nguy hiểm bao nhiêu thì ngành y tế là người đứng mũi chịu sào gánh chịu nhiều nhất. Cả nước đang hướng mọi sự quan tâm vào họ. Chỉ biết nói lời cảm ơn những chiến sĩ áo trắng trên tuyến đầu chống dịch.

Còn một nghề đặc thù không thể không nhắc đó là các nhà báo. Họ cũng hoạt động hết công suất để phản ánh tin bài về mọi mặt cuộc sống trong đó có chống dịch. Không kể hết những sự nỗ lực của các nhà báo chân chính và cũng phải chia sẻ cái sự buồn không đáng có là trong những ngày cả nước đồng lòng chống dịch này lại vẫn có những nhà báo táng tận lương tâm làm điều ô nhục mất phẩm chất ngòi bút. Thôi chả cần nhắc rõ những con sâu này.

Còn biết bao nhiêu công việc, ngành nghề nữa, để kết thúc cũng nên nói đôi chút về những ngòi bút nghỉ chế độ hưu trí như tôi và nhiều bạn bè khác vẫn đang còn yêu nghề. Họ đang dành thời gian cho những tác phẩm muộn mằn của đời người nhưng vẫn góp sức bằng những bài bình luận báo chí để góp phần nhỏ bé vào việc chống dịch, bảo vệ sự bình yên cuộc sống. Một sự làm việc không đến nỗi nào và ăm ắp niềm vui cầm bút.

Nhà văn Phạm Ngọc Tiến