Làm cả năm thu hoạch 1 tháng, người trồng mai trắng hối hả mỗi vụ Tết

Video: Làm cả năm thu hoạch 1 tháng, người trồng mai trắng hối hả vào vụ ết.

Có mặt tại đồi gò thuộc thôn An Hòa, xã Tản Lĩnh (Ba Vì, Hà Nội) những ngày này, không khí chuẩn bị thu hoạch mai trắng cho Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 trở nên nhộn nhịp.

Nhiều năm qua, mai trắng khoe sắc, tô thắm cho dải đất dưới chân núi Tản, mang lại thu nhập cao cho người làng hoa.

Tất bật chăm sóc từng gốc mai trắng, bà Cao Thị Minh Xuân (57 tuổi, thôn An Hòa, xã Tản Lĩnh) có kinh nghiệm trong việc trồng "nhất chi mai" cho biết, đây là giống cây rất khó trồng, khó chăm sóc.

"Điểm đặc biệt của mai trắng chính là có hai vụ hoa để người có đam mê hoa chơi trong thời gian dài. Cụ thể, vụ hoa thứ nhất thường nở vào những ngày giáp Tết và kéo dài đến hết Tết Nguyên đán. Đến vụ hoa thứ 2, khi mai, đào bắt đầu tàn thì mai trắng lại đâm chồi, nảy nụ, bung nở hoa thêm một đợt nữa. Đợt hoa thứ hai này thường kéo dài cho tới khi chớm Hè mới tàn hết" - bà Cao Thị Minh Xuân cho biết.

Hiện tại, vườn mai trắng của gia đình bà Cao Thị Minh Xuân có khoảng hơn 1.000 gốc và mỗi năm cho doanh thu vài trăm triệu đồng. Theo như người dân xã Tản Lĩnh, trồng mai trắng chẳng khác như người dân trồng đào, quất... "làm cả năm, thu hoạch 1 tháng"

Cũng theo ông Phan Văn Hải (59 tuổi, có kinh nghiệm trong việc trồng mai tại xã Tản Lĩnh) cho biết, nguồn gốc của cây mai trắng được trồng tại thôn An Hòa xuất phát từ tỉnh Nam Định. Nhờ sự chăm chút tỉ mỉ, cùng thổ nhưỡng và khí hậu vùng núi Tản phù hợp giúp người dân nơi đây có nghề mới mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Theo những người dân có kinh nghiệm trồng mai trắng tại xã Tản Lĩnh, để có một gốc mai bán ra thị trường, ban đầu người dân phải có phôi cây và tạo dáng trước khi đi trồng.

"Để có được cây mai ưng ý, việc tạo dáng cho cây đóng vai trò quan trọng và tỉ mỉ. Nếu không có sự sáng tạo hay chăm chút, cây mai khi trưởng thành sẽ không cho dáng như mong muốn và mất giá" - ông Phan Văn Hải nhấn mạnh.

Việc chăm sóc cần nhiều thời gian, trong một năm sẽ có hai giai đoạn cắt tỉa là tháng 3 và tháng 7. Trong suốt thời gian trồng mai trắng, người dân phải chú ý kỹ lượng về sự phát triển.

Do thời tiết thất thường, ảnh hưởng đến chất lượng của mai trắng khiến người trồng phải thay đổi. Nhiều mái che được dựng lên, tránh ánh nắng mạnh cũng như mưa gió để cây mai phát triển và nở đúng dịp Tết.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Tản Lĩnh Nguyễn Quang Huy, trồng mai trắng cho thu nhập cao gấp nhiều lần so với mô hình trồng trọt, chăn nuôi khác. Bình quân mỗi hộ trồng mai thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm. Nhờ hoa mai, người dân phát triển kinh tế gia đình và có điều kiện đóng góp rất lớn trong xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Được biết, tại thôn An Hòa hiện nay có khoảng 250 hộ thì có quá 1 nửa trồng mai trắng, tạo nên làng nghề với qui mô lớn trên địa bàn. Cá biệt vài chục hộ ở thôn An Hòa có thu nhập lên đến 1 - 2 tỷ đồng/năm.

Mỗi cây mai có giá từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng; với cây mai thế, lâu năm, giá có thể lên đến 15-20 triệu đồng.

Những gốc mai trắng được lên gốc, sẵn sàng phục vụ người dân có nhu cầu chơi Tết. Mai trắng được bán tại Hà Nội và các tỉnh như Nam Định, Lạng Sơn, Thái Bình...

Đại diện UBND xã Tản Lĩnh cho biết, nhiều năm qua, xã đã đưa vào quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi cơ cấu từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây mai cảnh cho hiệu quả kinh tế cao thuộc địa bàn thôn An Hòa và đất xen kẹt ở các thôn khác.

Tản Lĩnh - ngôi làng quy tụ phần lớn đồng bào dân tộc Mường dưới chân núi Tản Viên trồng mai trắng.

Ngọc Tú