Lãi suất ngân hàng nào cao nhất tháng 4/2021?

Lãi suất ngân hàng liên tục điều chỉnh thời gian qua. (Nguồn: Người đưa tin)

Lãi suất ngân hàng nào cao nhất?

Từ đầu tháng 3, một số ngân hàng đã bắt đầu điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi như ngân hàng Sacombank, Techcombank, VPBank…với mức điều chỉnh tăng giao động từ 0,1% đến 0,5% tùy từng kỳ hạn.

Theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước, trần lãi suất đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 4,25%/năm xuống 4%/năm; lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.

Tiền gửi không kỳ hạn (KKH) và kỳ hạn dưới 1 tháng, lãi suất dành cho giao dịch gửi tại quầy ở mức 0,1%4%, còn lãi suất gửi trực tuyến dao động quanh mức 0,2%-4%.

Mức lãi suất huy động cho KH 3 tháng gửi tại quầy là từ 3%-4%. Còn nếu khách hàng gửi trực tuyến, lãi suất huy động cho kỳ hạn này là 3,15%-4,5%.

Ở kỳ hạn từ 6 tháng, mức lãi suất khi gửi tiền tiết kiệm trực tuyến là từ 4%-6,45%. Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) niêm yết lãi suất cao nhất cho khách hàng trực tuyến ở kỳ hạn này. Còn lãi suất cho kỳ hạn 6 tháng gửi tại quầy dao động quanh mức 3,8%-6,25%. Lãi suất tốt nhất cho khách hàng gửi tại quầy ở kỳ hạn này thuộc về Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (CBBank).

Với kỳ hạn 9 tháng, lãi suất gửi online dao động quanh mức 4%-6,7%, vị trí cao nhất thuộc về Nam Á Bank. Còn nếu gửi tại quầy ở kỳ hạn này, khách hàng sẽ được hưởng mức lãi suất 3,8-6,35%. Ngân hàng có mức lãi suất cao nhất ở kỳ hạn này vẫn thuộc về ngân hàng CBBank.

Ở kỳ hạn 12 tháng, khách hàng gửi trực tuyến sẽ được áp dụng mức lãi suất từ 4,6%-6,9%, với lãi suất cao nhất thuộc về Ngân hàng Kienlongbank và Nam Á Bank. Khách hàng gửi tiền tại quầy, mức lãi suất huy động cho kỳ hạn này là 4,7-6,8%, đứng đầu là SCB.

Ở kỳ hạn 13 tháng, lãi suất gửi trực tuyến dao động quanh mức 4,6%-7,1%, lãi suất cao nhất thuộc về Ngân hàng Kienlongbank. Còn nếu chọn gửi tại quầy ở kỳ hạn này, khách hàng sẽ được hưởng mức lãi suất 5,0-6,9%. Ngân hàng có mức lãi suất cao nhất ở kỳ hạn này là Kienlongbank.

Ở các kỳ hạn dài hơn từ 18-36 tháng, các ngân hàng niêm yết mức lãi suất 5,5%-7,3% cho khách hàng gửi trực tuyến.

Kienlongbank niêm yết mức lãi suất cao nhất cho khách gửi tiết kiệm trực tuyến ở các kỳ hạn này. Giao dịch tại quầy, lãi suất từ 5%-7,1% ở các kỳ hạn từ 18-36 tháng. Ngân hàng Kiên Long có mức lãi suất tiết kiệm cao nhất ở kỳ hạn này.

Tiền chảy vào ngân hàng chỉ tăng 0,54%

Tổng cục Thống kê vừa công bố báo về tình hình kinh tế xã hội quý 1/2021.

Theo Tổng cục Thống kê, dịch Covid-19 được khoanh vùng và kiểm soát, hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại trạng thái bình thường làm nhu cầu tín dụng của nền kinh tế tăng; thị trường bảo hiểm duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định; thị trường chứng khoán tăng trưởng khá với tổng mức huy động vốn cho nền kinh tế quý I/2021 tăng 42% so với cùng kỳ năm trước.

Tính đến thời điểm 19/3/2021, tổng phương tiện thanh toán tăng 1,49% so với cuối năm 2020 (cùng thời điểm năm trước tăng 1,55%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 0,54% (cùng thời điểm năm 2020 tăng 0,51%); tín dụng của nền kinh tế tăng 1,47% (cùng thời điểm năm 2020 tăng 0,68%).

Hoạt động kinh doanh bảo hiểm quý I/2021 ước tính tăng 9% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ tăng 6% và doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ tăng 11%.

Tính từ đầu năm đến nay, tổng mức huy động vốn trên thị trường chứng khoán ước tính đạt 55.562 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm trước; giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu đạt 18.907 tỷ đồng/phiên, tăng 155% so với bình quân năm trước; giá trị giao dịch bình quân trên thị trường trái phiếu đạt 12.433 tỷ đồng/phiên, tăng 19,6%; khối lượng giao dịch bình quân trên thị trường chứng khoán phái sinh đạt 174.324 hợp đồng/phiên, tăng 11%.

Theo giới chuyên gia, mặt bằng lãi suất thấp kỷ lục thời gian qua khiến dòng vốn từ ngân hàng có dấu hiệu dịch chuyển qua các kênh đầu cơ như bất động sản, chứng khoán, tiền ảo.

(tổng hợp)