Lãi suất giảm, người dân đầu tư vào kênh nào thì hợp lý?

Hiện các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm lãi suất huy động, để tạo điều kiện giảm mặt bằng lãi suất cho vay trong thời gian tới. Tại các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, lãi suất huy động đã được điều chỉnh giảm ở mức thấp kỷ lục.

Tiền gửi kỳ hạn 1 năm ở một số ngân hàng đã xuống dưới mốc 5%/năm. Các kỳ hạn ngắn từ 1 - 3 tháng, lãi suất tiền gửi chỉ từ 2,2 - 2,6%/năm, cá biệt có ngân hàng chỉ huy động tiền gửi ở kỳ hạn này với mức lãi suất dưới 2%/năm. Mặc dù lãi suất huy động giảm sâu, nhưng nhiều người vẫn lựa chọn gửi tiết kiệm.

Thống kê mới nhất từ ân hàng Nhà nước, lượng tiền gửi của cư dân và các tổ chức kinh tế vẫn đạt gần 12,7 triệu tỷ đồng, tăng gần 7,3% so với đầu năm và là mức tiền gửi cao nhất lịch sử ngành ngân hàng.

Hiện các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm lãi suất huy động, để tạo điều kiện giảm mặt bằng lãi suất cho vay trong thời gian tới. (Ảnh minh họa: KT)

Ông Trần Tuấn Anh, sống tại Quận Ba Đình, Hà Nội cho biết: "So với đầu năm hay năm ngoái thì lãi suất đã giảm một nửa, nhưng so với hình thức rủi ro hơn như trái phiếu hay chứng khoán thì tôi vẫn lựa chọn gửi tiết kiệm cho an toàn".

Lượng tiền gửi ngân hàng cao kỷ lục cũng cho thấy người dân và doanh nghiệp vẫn ưu tiên lựa chọn gửi tiền tiết kiệm ngân hàng dù lãi suất có thấp nhằm đảm bảo an toàn, sau hàng loạt các vi phạm về phát hành trái phiếu, thao túng chứng khoán khiến niềm tin vào thị trường vốn bị sụt giảm. Hơn nữa, trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh rất khó khăn, lựa chọn quay về gửi tiết kiệm ngân hàng của người dân và doanh nghiệp là dễ hiểu nhằm đảm bảo nguồn vốn, chờ đợi cơ hội kinh doanh khi nền kinh tế có dấu hiệu khởi sắc hơn trong tương lai.

Chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu phân tích: "Liệu chúng ta có cách nào để khuyên người dân đầu tư vào những kênh đầu tư hợp lý hay không? Hiện các kênh đầu tư đều có độ rủi ro lớn, biến động từ kênh chứng khoán, vàng, ngoại tệ, bất động sản, chỉ có ngân hàng an toàn nhất, mặc dù lãi suất giảm. Với lợi nhuận không rủi ro gì thì chúng ta vẫn gửi ngân hàng. Vì vậy chúng ta phải tạo niềm tin tại các kênh đầu tư khác, cải thiện thị trường chứng khoán, trái phiếu và những kênh đầu tư trực tiếp khác".

Mặc dù thanh khoản hệ thống có sự dư thừa trong thời gian gần đây nhưng theo nhiều chuyên gia, sự dư thừa này có được chỉ trong ngắn hạn, một phần nhờ sự hỗ trợ bơm tiền từ phía Ngân hàng Nhà nước. Áp lực thanh khoản là vấn đề dài hạn bởi tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế vẫn đang cao hơn so với huy động vốn. Hiện nay hệ thống ngân hàng chủ yếu huy động vốn ngắn hạn nhưng vẫn phải đáp ứng các nhu cầu cho vay trung dài hạn khi trên 52% dư nợ tín dụng đồng Việt Nam của hệ thống là trung dài hạn.

Bảo Ngọc/VOV1