Kinh tế toàn cầu: Một chút hy vọng vào Hội nghị mùa Xuân!

Cuộc họp Mùa Xuân 2024 của IMF và WB diễn ra từ ngày 15-20/4 tại Washington D.C, Mỹ. (Nguồn: Getty Images)

Trong bối cảnh bất ổn đang bao trùm nền kinh tế toàn cầu và một triển vọng kinh tế không chắc chắn, trong tuần này, các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương, giám đốc điều hành khu vực tư nhân, đại diện các tổ chức xã hội dân sự và giới học giả từ khắp nơi trên thế giới tụ họp ở Washington D.C (Mỹ) để tham dự các cuộc họp mùa Xuân 2024 của ỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB), thảo luận về các vấn đề được thế giới quan tâm.

Khi “mây đen” căng thẳng địa chính trị giăng khắp các châu lục và xung đột quân sự ở Trung Đông và Đông Âu chưa có hồi kết, hàng loạt vấn đề nổi cộm đang thách thức toàn cầu, từ tình trạng tăng trưởng chậm, lạm phát dai dẳng, lãi suất và mức nợ cao, hiệu quả viện trợ, xóa đói giảm nghèo… cho đến rủi ro địa chính trị làm rung chuyển các thị trường từ Kiev tới Tel Aviv.

Lối thoát hiểm ngoạn mục

Trước thềm sự kiện, bà Georgieva, người vừa được tái bổ nhiệm chức vụ Tổng giám đốc IMF cảnh báo, thập kỷ này có thể được ghi nhớ là “những năm hai mươi ảm đạm”. Nếu không có giải pháp tăng năng suất và giảm gánh nặng nợ nần, thế giới sẽ phải đối mặt với “một thập kỷ chậm chạp và đáng thất vọng”. Quan trọng hơn, các giải pháp đó phải được các nhà lãnh đạo ủng hộ và quyết liệt hành động.

Bloomberg Economics nhận định, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay ở mức 2,9%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 12/2023, con số nhỏ nhoi này nhưng là “lối thoát hiểm ngoạn mục”, dù vẫn “thấp hơn rất nhiều” so với tốc độ trước đại dịch Covid-19.

Trong khi đó, IMF nâng nhẹ dự báo tăng trưởng thêm 0,1 điểm phần trăm lên 3,2%, trong khi cảnh báo thế giới đang đối mặt với một thập kỷ yếu ớt, triển vọng trong trung hạn cũng thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Cùng với rủi ro lạm phát đang tồn tại, IMF cũng chỉ ra sự khác biệt về kinh tế giữa các quốc gia là một thách thức lớn, đồng thời kêu gọi chính phủ các nước đặt ưu tiên xây dựng lại bộ đệm tài chính.

Phân tích của IMF cho thấy sự suy giảm đáng kể và trên diện rộng về năng suất, cũng là nguyên nhân chiếm hơn một nửa suy giảm ở các nền kinh tế tiên tiến và mới nổi.

Một yếu tố khác là mức tăng trưởng GDP bình quân trên đầu người dự kiến giảm xuống còn 2,1% - từ mức 3,1% trước khủng hoảng tài chính toàn cầu - chắc chắn ảnh hưởng đến mức sống của người dân.

Sự tham gia của lực lượng lao động dự kiến giảm do dân số già đi và đầu tư suy yếu.

Thương mại toàn cầu cũng sụt giảm khi các khối thương mại mới xuất hiện sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, dẫn đến sự phân mảnh nhiều hơn, cùng với sự suy yếu trong liên kết thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ. Trong khi, ở các đầu tàu kinh tế thế giới đang có sự khác biệt đáng kể từ cơ cấu đến đường hướng phát triển.

Ngoài ra, khi cảnh báo về biến đổi khí hậu đã thành thường trực và nợ của các quốc gia có thu nhập thấp là vấn đề “khổ lắm nói mãi”, hàng loạt câu hỏi về tính bền vững của nợ công đang gia tăng ở các nền kinh tế tiên tiến đã được đặt ra... Bởi vậy, trọng tâm thảo luận của giới tinh hoa tài chính sẽ tập trung vào vấn đề nợ nần trầm trọng ở một số thị trường mới nổi - nơi đã lạm dụng vốn rẻ trong gần hai thập kỷ qua và việc các nước nghèo đang phải vật lộn với các chủ nợ để giành lại khả năng tiếp cận vốn.

Nhận định về xu hướng mới trong nền kinh tế, IMF cho biết, trí tuệ nhân tạo (AI) có thể thúc đẩy đầu tư trong một số trường hợp trong thời gian ngắn và trong trung hạn, AI có thể nâng cao năng suất và thu nhập của người lao động cũng như thúc đẩy tăng trưởng. Nhưng AI cũng có thể gây ra sự dịch chuyển việc làm và bất bình đẳng.

Cụ thể, các nền kinh tế tiên tiến sẽ được hưởng lợi từ AI sớm hơn các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển. Ở các nền kinh tế tiên tiến, AI có thể ảnh hưởng đến khoảng 60% người lao động, với khoảng một nửa trong số này sẽ đạt được năng suất và thu nhập cao hơn. Nửa còn lại có thể thấy nhu cầu tuyển dụng của họ thấp hơn và mức lương thấp hơn. Trong khi đó, AI có thể ảnh hưởng đến khoảng 40% việc làm ở các nền kinh tế thị trường mới nổi.

Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva phát biểu tại phiên họp mùa Xuân, ở Washington D.C ngày 18/4. (Nguồn: EPA)

Phải cố gắng nhiều hơn nữa!

Kỳ họp mùa Xuân năm nay được đánh giá là gọn gàng và tập trung hơn so với các cuộc họp trước đây. Các diễn giả hàng đầu sẽ có các bài phát biểu tập trung nêu lên rõ quan điểm của các “lực lượng” có tầm ảnh hưởng tới thế giới, như Chủ tịch Fed Jerome Powell, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, Bộ trưởng Tài chính Vương quốc Anh Jeremy Hunt và người đứng đầu Ngân hàng Trung ương châu Âu, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản và Ngân hàng Trung ương Anh...

Nhưng “điểm nóng” kinh tế vẫn là những lo ngại về xung đột địa chính trị, đang gián tiếp và trực tiếp gây nguy hiểm cho tiến trình giảm lạm phát và hàng loạt rủi ro khó khắc phục khác.

Xung đột Nga-Ukraine đã bước sang năm thứ ba, trong khi xung đột Israel và Hamas tại Dải Gaza có nguy cơ đẩy Trung Đông vào một cuộc xung đột rộng lớn hơn. Điều đáng lo ngại là cả hai cuộc xung đột quân sự đều xoay quanh một số nguồn cung năng lượng lớn nhất thế giới, góp phần đẩy giá năng lượng tăng cao hơn.

Xung đột địa chính trị cũng tác động mạnh tới các tuyến vận chuyển toàn cầu và tạo ra những lo lắng mới về chuỗi cung ứng, càng làm phức tạp thêm nỗ lực chống lạm phát.

Các cuộc bầu cử lớn sẽ diễn ra trong năm nay, trong đó đáng chú ý là cuộc bầu cử tổng thống Mỹ được cho là có thể làm tăng thêm sự biến động của thị trường tài chính. Các câu hỏi về ổn định tài chính hiện diện khắp mọi nơi, do căng thẳng về bất động sản thương mại và mối liên kết không rõ ràng giữa các tổ chức phi tài chính và ngân hàng…

IMF đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự phân mảnh do yếu tố địa chính trị của nền kinh tế toàn cầu. Sự chia rẽ rộng hơn giữa một bên là Mỹ và EU và một bên là Trung Quốc và Nga. Tình hình hiện nay gây trở ngại lớn cho G20 trong các cuộc họp gần đây và nhóm này có thể sẽ vẫn không giải quyết được những rủi ro khiến các thành viên chia rẽ.

Khi được hỏi về biến động địa chính trị, Tổng giám đốc IMF cho rằng, “chúng ta phải cố gắng nhiều hơn nữa vì đó là sự đa dạng của thế giới với đầy đủ sự khác biệt, không chỉ về vận may kinh tế mà còn về các mục tiêu”.

Tuy nhiên, như thường lệ, giới quan sát cho rằng, đừng kỳ vọng quá nhiều vào các cuộc họp mùa Xuân - ngoài việc phải đối mặt với những triển vọng lẫn lộn, thì nhìn chung vẫn ảm đạm và vô số rủi ro.

Minh Anh