Kinh tế thế giới nổi bật tuần qua (4-10/6): Tổng thống Mỹ nói không để Trung Quốc viết ra quy tắc thương mại toàn cầu và EU vay hơn 900 tỷ USD

Kinh tế thế giới

Kinh tế thế giới tuần qua.

2,4 tỷ USD cam kết tài trợ cho Chương trình COVAX

Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến GAVI COVAX diễn ra ngày từ 2-5/6 do Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide và Chủ tịch Hội đồng Quản trị Liên minh toàn cầu về Vaccine và Tiêm chủng (GAVI) José Manuel Barroso chủ trì.

Hội nghị đã huy động được 2,4 tỷ USD từ gần 40 chính phủ, khu vực tư nhân và các quỹ, vượt mục tiêu tài trợ và nâng tổng số cam kết cho Chương trình COVAX lên 9,6 tỷ USD. Khoản tài trợ này sẽ cho phép COVAX bảo đảm 1,8 tỷ liều thuốc phân phối đến các quốc gia và nền kinh tế có thu nhập thấp hơn vào năm 2021 và đầu năm 2022.

Theo đó, Nhật Bản cam kết tài trợ thêm 800 triệu USD và khoảng 30 triệu liều vaccine được sản xuất trong nước thông qua COVAX; Australia trao thêm 50 triệu AUD (39 triệu USD) cho COVAX trong khi Canada, Thụy Điển, Pháp và Thụy Sỹ nằm trong số các quốc gia khác công bố các khoản tài trợ mới. (Reuters)

G7 đạt thỏa thuận lịch sử

Ngày 5/6, trong một động thái có thể huy động hàng trăm tỷ USD để ứng phó với dịch Covid-19, Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) đạt được thỏa thuận lịch sử khi đồng ý mức thuế tối thiểu 15% thu nhập đối với các tập đoàn công nghệ hàng đầu nhằm buộc các tập đoàn này phải trả nhiều thuế hơn tại các thị trường mà họ bán hàng hóa và dịch vụ.

Thỏa thuận không nói rõ chính xác những doanh nghiệp nào sẽ bị điều chỉnh, chỉ đề cập “các doanh nghiệp đa quốc gia lớn nhất và có lợi nhuận cao nhất". Kế hoạch này sẽ cần đạt được thỏa thuận rộng rãi hơn tại cuộc họp của G20 diễn ra vào tháng tới ở Venice.

Trong một diễn biến khác, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới đã thúc giục các nước G7 giải phóng lượng vaccine ngừa Covid-19 dôi dư cho các quốc gia đang phát triển trong thời gian sớm nhất đồng thời kêu gọi các nhà sản xuất tăng công suất sản xuất. (Reuters)

Giá dầu thô đạt đỉnh mới trong 2 năm

Giá dầu thô đạt mức cao nhất trong 2 năm qua khi OPEC+ đồng ý duy trì việc cắt giảm sản lượng khai thác trong khi dự báo nhu cầu tiêu thụ tiếp tục được cải thiện. Tính đến 2/6, giá dầu thô Mỹ WTI giao dịch ở ngưỡng 67,85 USD/thùng - tăng 0,19%, trong khi giá dầu Brent dừng lại ở mức 70,25 USD/thùng - tăng 1,34%. (TG&VN)

Kinh tế Mỹ

Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Lael Brainard ngày 1/6 cho biết nước này đang tiến gần hơn đến mục tiêu “thị trường lao động toàn dụng” và mức lạm phát 2%, song các vấn đề còn tồn tại sẽ buộc Fed tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ hiện nay cho đến khi có tiến triển mới.

Bà Brainard lưu ý một số yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hiện nay, như mức chi tiêu tài chính và lợi thế chi tiêu nhanh chóng của việc mở cửa nền kinh tế rộng rãi hơn, dường như đang suy giảm. (Reuters)

Chính quyền Tổng thống Joe Biden ngày 3/6 công bố Chiến lược chia sẻ vaccine phòng Covid-19 toàn cầu. Theo đó, ít nhất 80 triệu liều vaccine dự kiến sẽ được phân phối cho các nước vào cuối tháng 6.

Cụ thể, Mỹ sẽ chia sẻ 75% số vaccine này thông qua Cơ chế COVAX và 25% còn lại cho những nước nhu cầu cấp thiết và cần sự trợ giúp nhất trên thế giới. (whitehouse.gov)

Tổng thống Biden ngày 3/6 đã ký một sắc lệnh hành pháp trong đó cấm các thực thể Mỹ đầu tư vào một loạt công ty Trung Quốc với cáo buộc có liên quan đến các lĩnh vực quốc phòng hoặc công nghệ do thám. Động thái này mở rộng danh sách các công ty Trung Quốc bị trừng phạt lên con số 59, so với 31 công ty trước đó trong danh sách trừng phạt của chính quyền Tổng thống Trump. (Reuters)

Ngày 5/6, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, trong cuộc họp sắp tới với Chủ tịch Ủy ban châu Âu và Chủ tịch Hội đồng châu Âu nhằm thảo luận hợp tác Mỹ-EU trước những thách thức toàn cầu, ông sẽ nhấn mạnh việc các nền dân chủ hàng đầu thế giới phải là những người viết ra các quy tắc thương mại toàn cầu của thế kỷ XXI chứ không phải là Trung Quốc. (Sputnik)

Kinh tế Trung Quốc

Thứ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc Vương Giang Bình cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2021, tổng doanh thu của các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tăng 32,3% so với cùng kỳ 2020 và tăng bình quân 8,8% trong hai năm 2020 và 2021.

Hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ Trung Quốc 4 tháng đầu năm 2021 được đánh giá về cơ bản đã phục hồi và tăng trưởng, tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng phải đối mặt với nhiều thách thức. (Mạng Kinh tế Trung Quốc)

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực sản xuất tháng 5 do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố vừa qua ghi nhận đã chậm lại một chút ở mức 51 điểm, cho thấy hoạt động vẫn đang trong trạng thái mở rộng.

Chỉ số phụ của các doanh nghiệp nhỏ đã giảm xuống 48,8 từ mức 50,8 trong tháng 4, phản ánh doanh nghiệp sản xuất nhỏ vẫn thiếu động lực tăng trưởng bền vững.

Chỉ số giá đầu vào của các nhà sản xuất đã tăng lên 72,8 trong tháng 5, cao nhất kể từ năm 2010, cho thấy áp lực lạm phát cao hơn.

Chỉ số phụ về đơn đặt hàng xuất khẩu mới của các nhà máy đã giảm xuống 48,3 trong tháng 5, từ mức 50,4 của tháng trước.

Ngành dịch vụ của Trung Quốc đã phục hồi trong năm nay nhờ các hạn chế đi lại tiếp tục được nới lỏng, giúp giải phóng nhu cầu bị dồn nén. Tuy nhiên, tăng trưởng của tiêu dùng nội địa vẫn kém hơn so với tăng trưởng của lĩnh vực công nghiệp. (Bloomberg)

Kinh tế châu Âu

Nhằm phục hồi kinh tế, lần đầu tiên 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đồng thuận cùng đi vay một gói nợ chung quy mô lớn, hơn 900 tỷ USD. Sau khi được hai cơ quan lập pháp cuối cùng trong EU là quốc hội Áo và Ba Lan phê chuẩn cuối tuần trước, kế hoạch “Next Generation EU” với mục tiêu huy động 750 tỷ Euro (917 tỷ USD) để tài trợ cho phục hồi kinh tế sau đại dịch chính thức được triển khai.

Ủy ban châu Âu cho biết có thể đi vay vào tháng 7 hoặc có thể sớm nhất là ngay trong tháng 6. Số tiền giải ngân tiếp sau đó sẽ phụ thuộc vào việc các quốc gia có thực hiện các cải cách cần thiết hay không.

Ban điều hành của EU dự định kết thúc đánh giá vào giữa tháng 6 và các nước thành viên sau đó sẽ có một tháng để đưa ra ý kiến về kế hoạch của nhau. Nền kinh tế EU giảm 6,1% năm 2020 và dự kiến sẽ phục hồi 4,2% vào năm 2021, theo dữ liệu từ Ủy ban châu Âu. (CNBC)

Hệ thống Chứng chỉ du lịch Covid-19 hay “hộ chiếu vaccine Covid-19” của EU đã bắt đầu hoạt động ở 7 quốc gia EU gồm Hy Lạp, Bulgaria, Croatia, Czech, Đan Mạch, Đức, và Ba Lan từ ngày 1/6.

Chứng chỉ Covid-19 kỹ thuật số là xác nhận điện tử cho biết một người đã được tiêm chủng ngừa Covid-19, đã có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72h hoặc đã bình phục sau khi bị nhiễm virus SARS-CoV-2.

Chứng chỉ này có mã QR, có thể được lưu trữ trên điện thoại di động hoặc in ra giấy. Theo thông cáo của EC về sự kiện quan trọng này, sẽ có thêm nhiều quốc gia tham gia hệ thống trong những ngày và tuần tới. (VnEconomy)

Trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế quốc tế St. Petersburg ngày 3/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố nền kinh tế Nga đã thoát khỏi cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra.

Ông Putin cũng tuyên bố việc đặt ống nhánh đầu tiên của đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 đã hoàn tất đồng thời sẵn sàng tiếp tục triển khai các dự án tương tự với các quốc gia khác. (Reuters, TASS)

Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc

Thủ tướng Suga Yoshihide tại một hội nghị trực tuyến ngày 2/6 thông báo Nhật Bản sẽ cung cấp 30 triệu liều vaccine phòng Covid-19 cho các nước. Bên cạnh đó, Nhật cũng có kế hoạch giúp các nước đang phát triển xây dựng dây chuyền bảo quản lạnh, cho phép vận chuyển và bảo quản vaccine ở nhiệt độ thấp. (TG&VN)

Theo thông tin từ chính phủ Nhật Bản ngày 8/6, GDP quý I/2021 chỉ giảm 3,9% so với quý IV/2020, thấp hơn nhiều so mới mức dự đoán tăng trưởng âm 5,1% của chính phủ và âm 5% của các chuyên gia kinh tế trước đó.

GDP danh nghĩa giảm 1,3%, tiêu dùng tư nhân giảm 1,5%. Đầu tư kinh doanh giảm 1,2%, khớp với dự báo từ các nhà phân tích. Các chỉ số này giúp giảm nỗi lo về việc kinh tế Nhật Bản chìm sâu vào suy thoái. (Japan Times)

Chủ tịch đảng Dân chủ cầm quyền của Hàn Quốc Song Young-gil ngày 5/6 cho biết mong muốn thúc đẩy khôi phục hoạt động khu công nghiệp liên Triều ở thành phố biên giới Kaesong của Triều Tiên. (TTXVN)

Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) ngày 8/6 cho biết thặng dư tài khoản vãng lai của Hàn Quốc đạt 1,91 tỷ USD trong tháng 4/2021, giảm mạnh so với mức 7,82 tỷ USD của tháng trước đó, nguyên nhân là do giá dầu tăng khiến nhập khẩu hàng hóa tăng. (TTXVN)

Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi

Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Harsh Vardhan tại Hội nghị các Bộ trưởng Y tế G7 ngày 4/6 đã phản đối việc sử dụng hộ chiếu vaccine Covid-19, cho rằng việc áp dụng hộ chiếu vaccine là hành động phân biệt đối xử nghiêm trọng và bất lợi cho các nước đang phát triển. Ông cho rằng việc cấp bách hiện nay là tăng cường năng lực sản xuất và đảm bảo sự bình đẳng trong việc cung cấp vaccine. (THX New Delhi)

Chính phủ Lào cấm mọi tổ chức tư nhân mua vaccine ngừa Covid-19 phục vụ mục đích thương mại, song cho phép mua vaccine để tiêm chủng cho cán bộ và nhân viên của cơ quan đó. Lệnh cấm nhằm tránh việc công chúng phàn nàn về khả năng tiếp cận vaccine không bình đẳng giữa người nghèo và người giàu. (TTXVN)

Triển vọng thương mại và xuất khẩu của Thái Lan được dự báo tích cực. Thương mại xuyên biên giới tăng 26,7% trong 4 tháng đầu năm, làm tăng niềm tin của chính phủ về triển vọng tăng 3-6% của thương mại trong năm nay sau khi giảm 1,7% trong năm 2020.

Trong khi đó, xuất khẩu trong tháng 4 tăng trưởng 13,1%, Hội đồng Chủ hàng Quốc gia Thái Lan (TNSC) lạc quan xuất khẩu trong năm 2020 tăng 10-15% nếu chính phủ giải quyết được vấn đề thiếu container và giá vận tải tăng cao. (Bangkok Post)

Ngày 3/6, chính phủ Indonesia phát hành thành công 3 tỷ USD trái phiếu Hồi giáo toàn cầu (Sukuk) nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế quốc gia hậu đại dịch Covid-19 với lợi suất thấp kỷ lục.

Theo truyền thông sở tại, chính phủ đã phát hành 1,25 tỷ USD trái phiếu có kỳ hạn 5 năm với lợi suất 1,5%/năm, 1 tỷ USD trái phiếu kỳ hạn 10 năm với lợi suất 2,55%/năm và 750 triệu USD trái phiếu kỳ hạn 30 năm với lợi suất 3,55%/năm.

Trong đợt phát hành này, tổng số đơn đặt mua Sukuk đạt hơn 10,3 tỷ USD, chủ yếu do nhu cầu lớn từ các ngân hàng trung ương, các quỹ đầu tư quốc gia và các công ty bảo hiểm. (TTXVN, Nasdaq).