Kiếm bạc tỷ nhờ sản xuất máy chiếu bình dân

Beecube hiện là thương hiệu bán chạy thứ nhì Việt Nam, doanh thu cả chục tỷ đồng mỗi năm.

"Máy chiếu quốc dân"

Năm 2020, giữa tâm bão Covid-19, dòng máy chiếu mini giá rẻ từ 3-5 triệu đồng được tung ra thị trường, nhanh chóng thu hút người dùng với mục đích tương tác trực tuyến, xem bóng đá, xem phim… thay cho tivi trong gia đình.

Thế nhưng thời điểm đó, phần lớn máy chiếu giá rẻ đều là thương hiệu Trung Quốc.

Anh Phan Anh Vũ giới thiệu máy chiếu cho khách hàng.

Vào tháng 4/2021, Beecube (trực thuộc Công Ty TNHH Thương mại và Công nghệ SAVU) - thương hiệu Việt đầu tiên phát triển thương mại các sản phẩm máy chiếu mini thông minh đã ra đời.

Nếu như máy chiếu truyền thống với vẻ ngoài thô kệch, cồng kềnh khi phải kết nối rất nhiều thiết bị thì với Beecube, các sản phẩm luôn gây ấn tượng với kích thước nhỏ gọn, tiện lợi, được tích hợp hệ điều hành android TV nên dễ dàng sử đụng khi không phụ thuộc vào các nguồn phát thứ 3.

Tính năng sử dụng không dây thông minh khi kết nối với Internet và ra lệnh bằng giọng nói tiếng Việt là ưu thế vượt trội để Beecube khẳng định vị thế của mình trên thị trường. Đặc biệt, giá của mỗi sản phẩm máy chiếu mini này chỉ bằng 1/5 so với các máy chiếu truyền thống.

Trải nghiệm của PV tại cửa hàng số 92 ngõ 192 Lê Trọng Tấn (Thanh Xuân, Hà Nội) cho thấy các sản phẩm của Beecube khá đa dạng, phù hợp với nhu cầu khách hàng trẻ và trung niên với mức giá giao động từ 2-16 triệu đồng tùy thuộc vào cấu hình.

Đại diện cửa hàng cho biết, sản phẩm bán chạy nhất, cũng là sản phẩm hình thành nên thương hiệu chính là Beecube X2 Max Gen 3, hiện đang có giá hơn 3,9 triệu đồng.

Trong khi phải mất tới 6 triệu đồng, khách hàng chỉ mua được chiếc tivi từ 45-50 inch nhưng với máy chiếu Beecube có thể chiếu lên tới 100-120 inch.

Dẫn theo một người bạn tới mua máy chiếu, anh Duy Luân, khách hàng đang sử dụng sản phẩm Beecube cho hay: "Nhà tôi đang dùng Beecube XTREME II, rất ấn tượng vì nó tự lấy nét, tự canh góc nghiêng và tự nâng cao góc máy khi hoạt động.

Hơn nữa độ sáng cao giúp chất lượng hình ảnh và độ tương phản cũng rất tốt. Với mức giá gần 6 triệu đồng thì rất hiếm có chiếc máy chiếu nào có đầy đủ tính năng như Beecube XTREME II…".

Tương tự, anh Nguyễn Cường, nhiếp ảnh gia tại Hà Nội cũng đã chọn Beecube XTREME II để trải nghiệm: "Máy chiếu này rất tiện, được tích hợp 3 trong 1: tivi box, loa, màn hình nên rất dễ sử dụng. Không phải lắp đặt rắc rối, với phần mềm được cài sẵn chỉ cần cắm điện là có thể sử dụng".

Với phương châm "Kinh doanh bằng sự chân thành, tử tế", chỉ sau 2 năm phát triển, Beecube đã thu hút một cộng đồng hơn 22.000 thành viên.

Thông qua chuỗi 6 showroom bán lẻ trực thuộc tại Hà Nội, Nghệ An, Đà Nẵng và TP.HCM, đây cũng là thương hiệu máy chiếu mini duy nhất trên thị trường Việt có hệ thống phân phối lớn nhất cả nước.

Hiện thực hóa giấc mơ

Chia sẻ với Báo Giao thông, anh Phan Anh Vũ – CEO Beecube cho hay, từ nền tảng công nghệ sẵn có ban đầu trên thị trường, SAVU lên ý tưởng, thiết kế, xây dựng những sản phẩm với các đặc tính riêng về kích thước, bộ điều khiển, phần mềm... dựa trên tính toán của doanh nghiệp và nhu cầu thị trường SAVU hướng tới.

Thiết kế riêng đó được Beecube đăng ký bản quyền tại Việt Nam. Sau đó đặt doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc sản xuất phần cứng theo các tiêu chuẩn, công nghệ SAVU đã đăng ký.

Sản phẩm máy chiếu Beecube.

Sản phẩm được phân phối tại các chuỗi công nghệ lớn như: CellphoneS, Hoanghamobile, Thinkpro, Hacom...

Thông qua các chuỗi phân phối lớn có sẵn thương hiệu và sẵn tệp khách hàng, thương hiệu mới như Beecube đã nhanh chóng tự động tiếp cận tới người tiêu dùng có nhu cầu.

Xuất hiện tại tập 6 Shark Tank Việt Nam, Phan Anh Vũ là -er đầu tiên nhận được Golden ticket từ Shark Minh Beta, với số vốn là 8 tỷ đồng cho 22,5% cổ phần.

Cũng từ cảm hứng của Beecube, Shark Minh Beta đã có một câu nói rất ấn tượng: "Máy chiếu cũng giống như 1 startup.

Từ một chấm nhỏ có thể phóng chiếu ra một giấc mơ rất đẹp, từ một ý tưởng sẽ trở thành giấc mơ cuộc đời."

Quả thật, với Phan Anh Vũ, ý tưởng thành lập nên Beecube nhen nhóm từ khi được tham gia buổi học có sử dụng máy chiếu thời trung học.

Những năm 2011, khi phấn trắng bảng đen vẫn quen thuộc, máy chiếu là một thuật ngữ mới, lạ lẫm với học sinh lúc bấy giờ.

Với niềm yêu thích và sự đam mê công nghệ, cậu học trò năm ấy đã không ngừng nuôi giấc mơ "mang máy chiếu về tới từng nhà".

Trước khi đạt được thành công với doanh thu cả chục tỷ đồng như hôm nay, Phan Anh Vũ đã nếm trải những bài học đắt giá cho riêng mình.

Đó là việc đầu tư học phí với số tiền "không nhớ nổi" cho việc tìm hiểu các thuật ngữ và linh kiện cấu thành sản phẩm.

Năm 2019, "độ phân giải thực" và "độ phân giải tối đa" là hai thuật ngữ dễ gây hiểu lầm. Trong khi đó, các đối tác nước ngoài quảng cáo hoàn toàn sử dụng ngôn ngữ độ phân giải tối đa, máy nào cũng chiếu được Full HD 1080p hoặc 4K, nhưng thực tế chỉ đạt 480p và 540p. Điều này ảnh hưởng đến trải nghiệm khách hàng khi chất lượng hình ảnh chiếu lên rất mờ.

Để khắc phục điều này, đến giữa năm 2020, khi tìm được nhà máy đầu tiên làm đối tác, CEO Beecube đã nghĩ ra cách làm được sản phẩm tấm nền LCD có độ phân giải thực 1080p và lắp được thành sản phẩm.

Tuy nhiên, với nguyên mẫu nhà máy sản xuất thì không thể sử dụng tại Việt Nam khi ứng dụng không tương thích, không có tiếng Việt, wifi không sử dụng được… Vậy nên tất cả lại "về mo".

Đứng lên từ thất bại, anh Vũ phải tìm thêm 3 kĩ thuật viên làm phần mềm lại từ đầu, "Việt hóa" từng con chữ mới có thể phân phối sản phẩm ra toàn hệ thống.

"Đơn hàng đầu tiên chính là một vị khách hàng trẻ click vào mua. Đó là ngày cuối năm 2020, bất chấp giữa đêm đông lạnh giá, tôi đích thân đi giao hàng và hướng dẫn khách sử dụng. Đơn hàng ấy được lãi hơn 1 triệu đồng", vị CEO chia sẻ.

Không chỉ dừng ở phần mềm hệ thống được thiết kế lại, Beecube còn xây dựng được một chợ ứng dụng miễn phí cho các lập trình viên mày mò, đăng tải cho cộng đồng người dùng hưởng lợi.

Thời gian đầu, các sản phẩm máy chiếu chưa được phổ biến, Beecube chỉ dám bán đúng một sản phẩm được OEM (nhà sản xuất thiết bị gốc và tinh chỉnh từ nguyên mẫu nhà máy sản xuất).

Do đó, khi số lượng bán ra quá lớn, khoảng 3.000-4.000/tháng dẫn tới việc khó kiểm soát.

"Khó khăn nhất là lúc bán được hàng thì nhà máy lại không đủ công suất lắp ráp sản phẩm, chậm hàng làm mất khách.

Khi khách hàng đông, số lượng sản phẩm bán ra quá nhiều, sản xuất không theo kịp nên Beecube cũng đang gặp khó khăn trong việc sản xuất đủ hàng để cung cấp…", anh Vũ cho biết.

Đó cũng là bài học nền tảng để Beecube hoàn thiện, phát triển và đầu tư dây chuyền sản xuất. Sau này, nhận thấy thời của thương mại điện tử đã tới, Beecube đã cho nghiên cứu, chạy quảng cáo trên sàn thương mại điện tử lớn như Shopee, Lazada…

Thực tế đã chứng minh hướng đi của Beecube rất đúng khi tỷ trọng doanh thu toàn hệ thống đang là 70% online và 30% tại cửa hàng. Các kênh online luôn đứng hàng top, nhận được nhiều phản hồi tích cực của khách hàng với đánh giá 4.9/5.0 sao.

Báo cáo nghiên cứu thị trường máy chiếu trên sàn Thương mại điện tử Shopee, Lazada, Tiki dành cho nhà bán hàng từ tháng 1/2023 đến tháng 12/2023, được thực hiện bởi Metric.vn - nền tảng phân tích số liệu thị trường cho thấy, với phân khúc từ 2-5 triệu đồng, Beecube là thương hiệu máy chiếu được phân phối và bán chạy thứ hai tại Việt Nam, chỉ xếp sau thương hiệu Đức là Kaw.

Nam ViệtKhương Dũng -