Không phải Nga, châu Âu tức giận khi thị trường năng lượng EU bị tổn hại bởi Na Uy

Các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu đang đánh mất niềm tin còn sót lại vào nhau trong bối cảnh xuất hiện sự phân chia trên thị trường năng lượng EU, khi nguồn khí đốt, dầu mỏ và điện ngày càng đắt đỏ do tình trạng khan hiếm.

Tìm kiếm lợi ích của riêng mình, các quốc gia châu Âu giàu có đang cố gắng lấy nhiên liệu từ những nước láng giềng hoặc mạng lưới năng lượng của EU. Tại Brussels, các chính trị gia phàn nàn rất nhiều nhưng họ không thể làm gì được, tờ Financial Times (FT) cho biết.

Mới đây đã có diễn biến đáng quan tâm khi Na Uy quyết định hạn chế đóng góp cho mục tiêu chung, điều này không chỉ làm giảm dần nguồn cung cấp khí đốt cho EU, mà còn gây suy giảm sản lượng điện tới hệ thống duy nhất của khu vực đồng Euro.

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên được giải thích là bởi vì chính vương quốc này đang phải đối mặt với sự thiếu hụt các nguồn tài nguyên. Động thái như vậy của Oslo bị Brussels coi là đề cao "chủ nghĩa dân tộc".

Tuy nhiên Oslo có lý do thực sự để thi hành chính sách của mình. Tình trạng hạn hán bất thường xảy ra tại Na Uy đã dẫn đến việc giảm mực nước vào hồ chứa, gây suy giảm sản lượng điện từ các nhà máy thủy điện của nước này.

"Việc cắt giảm xuất khẩu các nguồn năng lượng của Na Uy là bước đi chưa từng có, nguy hiểm và mang tính dân tộc chủ nghĩa ở mức cao. Oslo có thể là người đầu tiên ở châu Âu quyết định tiến hành bước đi như vậy".

"Một động thái ích kỷ sẽ dẫn đến sự hủy diệt đối với thị trường điện châu Âu, kết quả là tất cả mọi người sẽ cùng phải gánh chịu hậu quả", ông Jukka Ruusunen - giám đốc điều hành công ty lưới điện Phần Lan Fingrid nói với tờ Financial Times.

Tờ FT chỉ ra rằng quyết định đang được chính quyền Na Uy xem xét có thể trở thành vấn đề nghiêm trọng đối với nhiều quốc gia châu Âu khác, đặc biệt là Đức, Hà Lan và Anh - những quốc gia đã nhập khẩu lượng điện đáng kể từ Na Uy trong suốt vài thập kỷ.

Tuy nhiên cần nhấn mạnh, Oslo đang làm mọi thứ có thể để cứu châu Âu, họ cung cấp khí đốt trong khi dòng chảy từ Nga giảm xuống, đồng thời cũng đồng ý khai thác nhiều nhiên liệu hóa thạch hơn, gây tổn hại đến môi trường và sự an toàn của chính nước này.

Nhưng biện pháp "cưỡng bức dòng điện" bị châu Âu xem là cực đoan và ích kỷ. Mặc dù các nhà chức trách Na Uy tuyên bố không từ bỏ các hợp đồng, họ chỉ muốn đợi sự phục hồi của mực nước sông và hồ chứa, nhằm đưa tỷ lệ phát điện trở lại mức trước đó.

Brussels tức giận không phải vì những hạn chế xuất khẩu của Na Uy, mà bởi thực tế là sự thống nhất đang bị phá hủy bởi một quốc gia láng giềng chứ không phải Nga, như bộ máy tuyên truyền của phương Tây thường tuyên bố.

Cuộc khủng hoảng khí đốt nói riêng và thiếu hụt năng lượng trên quy mô toàn cầu diễn ra sau đó cho thấy một đặc điểm "khó nói" của hợp tác châu Âu và xuyên Đại Tây Dương: các đối tác chỉ là bạn trong những ngày ổn định yên bình.

Trong những thời điểm khó khăn, khi sự giúp đỡ trở nên đặc biệt cần thiết, không có gì còn lại của sự đoàn kết, và mọi người đều phải cố gắng sống sót trong chừng mực với nguồn lực tích lũy hoặc sẵn có cho phép.

Hiện tại các quan chức châu Âu và Na Uy đang ngồi lại với nhau nhằm cố gắng giải quyết vướng mắc, nhưng một thỏa thuận khó có thể được đưa ra trong tương lai gần.

Việt Dũng