Khởi nghiệp và góc nhìn của tỷ Phú Nguyễn Đăng Quang

Ông Nguyễn Đăng Quang sinh năm 1963 tại Quảng Trị, là một trong những doanh nhân nổi danh từ các nước Đông Âu. Bản thân ông là một người theo lĩnh vực toán học và vật lý với học vị tiến sĩ Vật lý hạt nhân - Đại học Vật lý Ứng dụng - Viện Hàn lâm Khoa học - Belarus.
Theo Forbes, ông Quang từng kinh doanh hàng tiêu dùng tại Đông Âu (FMCG), bắt đầu sự nghiệp thông qua việc bán mỳ gói cho người Việt sinh sống tại đây và trở về nước thành lập Tập đoàn Masan, sau đó đầu tư vào Techcombank. Ông Quang là tỷ phú tự thân, có 3 người con. Năm 2018, ông Nguyễn Đăng Quang đã được Bloomberg ghi nhận là 1 trong 2 tỷ phú USD mới của khu vực Đông Nam Á với tài sản khoảng 1,2 tỷ USD.

Ông Quang tin vào sựu thịnh vượng sẽ đến với Việt Nam.

Trong câu chuyện phát triển, ông Quang tin vào sự thịnh vượng sẽ đến của Việt Nam. Nhưng điều đó sẽ không tự nhiên xảy ra, cần có bối cảnh, có ví dụ thành công, có những lãnh đạo xuất sắc. “Cuối cùng vẫn là thiên thời, địa lợi, nhân hòa và quan trọng là nếu mục tiêu được thực hiện với sự khát khao của cả dân tộc thì chắc chắn sẽ đến một thời điểm sẽ xảy ra một cái gì đấy”, ông Quang nói và cho rằng, để tạo ra một Việt Nam mới thì tất cả phải đóng góp, trong đó có đội ngũ doanh nhân. “Tôi thấy họ (các doanh nhân) đang rất tự tin và đĩnh đạc”.

Để nói bây giờ Việt Nam có sản phẩm gì thế giới biết tới như khi đề cập tới Nhật Bản thì ai cũng biết tới Toyota, Mitsubishi... hay Đức là Mercedes, Volkswagen, Siemens… theo ông Quang, hiện tại là khó. Nhưng người Việt Nam và đội ngũ doanh nhân đi ra thế giới có tri thức và công nghệ nên sẽ thành công. Tri thức thì dễ hiểu, người Việt tự tin, có trí tuệ và có năng lực học tập rất mạnh, còn công nghệ ở đây không phải nghĩa là các phát minh sáng chế, mà là khả năng biến điều không thể thành có thể.

“Khái niệm khởi nghiệp hiện hơi bị đẩy lên quá, do gần đây chúng ta nói nhiều tới điều này, thực ra, nó là tinh thần kinh doanh, ở Masan chúng tôi hay nói tới khởi nghiệp theo cách bạn tạo ra giá trị bằng việc kiến tạo ra các sản phẩm đột phá, và biết cách thành công. Trong quá trình đấy, bạn phải phải chấp nhận trong khả năng của mình về việc kiểm soát rủi ro”.

“Trong câu chuyện này, người Việt Nam chả kém ai”, ông Quang khẳng định.

Cách mà ông Quang tiếp cận khi chia sẻ về quá trình “khởi nghiệp” không nghỉ của mình vì liên tục mở rộng thị trường mới, ngành nghề mới, sản phẩm mới. Mỗi lĩnh vực vực kinh doanh đều là sự bắt đầu mới, và ông Quang cho rằng, “khởi nghiệp” là quá trình học tập, không chỉ của doanh nhân, mà cả của tổ chức. Mọi người cần phải tránh cách nghĩ “cứ làm đi rồi tính”, vì điều này sẽ dẫn đến tình trạng “mỗi buổi sáng mình khởi nghiệp một lần và cuối giờ mình đóng sổ, xong hôm sau lại khởi nghiệp”.

Câu chuyện tái cấu trúc VinComerce sau khi mua lại cuối năm 2019 được giới đầu tư quan tâm, từ một doanh nghiệp phân phối với hệ thống lớn nhất Việt Nam, nhưng đang thua lỗ 100 triệu USD trở thành doanh nghiệp có lãi trong 1 năm. Theo ông Quang, bí quyết để làm được điều này đơn giản, đó là cách Masan hình dung câu chuyện đang là gì, sau đó mới làm một cách quyết liệt. Phải quay về lõi, nếu mình làm kinh doanh thì phải nhìn tới đích và đích đó cần được định nghĩa và mô tả thế nào, và sau đó ta thiết lập các ưu tiên theo kế hoạch từng bước. Giống như leo núi, thì đầu tiên phải giải quyết gánh nặng trên vai, bạn phải biến các hành trang mang theo mình không phải là gánh nặng, mà là phương tiện. Đó là một phần của chiến lược, ưu tiên đầu tiên là chống lỗ, bạn nhìn thấy và phải quyết liệt làm.

Masan quyết liệt đóng cửa hơn 700 siêu thị mini VinMart+, tinh gọn danh mục hàng hóa, tái cấu trúc chuỗi cung ứng để cải thiện hiệu quả quy trình hậu cần và luân chuyển hàng hóa, đặt trọng tâm vào người dùng thay vì thúc đẩy doanh số.

Massan tạo ra một hình thức kinh doanh mới.

Dẫn con số ở Mỹ có hơn 300 triệu người, nhưng chưa có tới 100.000 tiệm tạp hóa, ông Quang cho rằng, việc nâng cao khả năng phục vụ của từng cửa hàng là hướng ra. Nhưng để làm điều đó không thể chờ quá trình chọn lọc tự nhiên, mà phải tạo một phương thức kinh doanh mới, mà theo cách Masan đã trình bày với cổ đông đó là “Point of Life”, sử dụng công nghệ để tạo mô hình mới, khi đó mới giải quyết được câu chuyện giảm giá vốn hàng bán, giải quyết khâu logistic để đảm bảo cung ứng hòa hóa đủ, xây dựng được các thương hiệu riêng…

Một số sản phẩm của Masan Consumer

Kế hoạch tiếp theo là trong 5 năm tới, Masan xây dựng mạng lưới 10.000 cửa hàng bán lẻ tự vận hành và 20.000 cửa hàng nhượng quyền với kỳ vọng phục vụ 30-50 triệu người dùng. Công ty cũng phát triển thêm danh mục nhãn hàng riêng để đáp ứng nhu cầu người dùng, đặc biệt ở khu vực nông thôn.

Trên thế giới Apple là một ví dụ về việc tạo nhu cầu, sản phẩm Iphone và các sản phẩm xoay quanh chiếc điện thoại được tạo ra không nhờ quá trình khảo sát nhu cầu người tiêu dùng, mà tạo bởi sự sáng tạo ra nhu cầu. Mỗi sản phẩm ra mắt, người tiêu dùng ngay lập tức hiểu, đây mới là chiếc điện thoại tôi cần.

Nhu cầu xã hội là lớn và người kinh doanh thành công là người không chỉ thỏa mãn mà phải làm nhu cầu đó lớn hơn. Thừa nhận làm được điều này không dễ, đầu tiên cần phải hiểu được nhu cầu, những sản phẩm của Masan có mặt ở mọi bếp ăn các gia đình Việt Nam là nhờ hiểu được nhu cầu đó. Không phải tất cả các sản phẩm ra mắt đều thành công, nhưng bài học thất bại sẽ giúp doanh nhân thành công trong tương lai./.