Khóa học trực tuyến miễn phí cho cộng đồng

Chỉ cần chiếc máy tính hoặc điện thoại kết nối mạng, người dân có thể tham gia các khóa học miễn phí của VMOOCs mọi lúc, mọi nơi.

Massive Open Online Courses (MOOCs) là các khóa học trực tuyến mở đại chúng được hình thành và phát triển đầu tiên tại Mỹ cách đây hơn mười năm với sự tham gia của các trường đại học (ÐH) hàng đầu. Tại Việt Nam, Trường ÐH Mở TP Hồ Chí Minh là cơ sở giáo dục ÐH công lập tiên phong triển khai mô hình này từ đầu năm 2021, cung cấp những khóa học trực tuyến miễn phí cho cộng đồng.

Ngày càng có nhiều tổ chức trên thế giới tham gia phong trào xây dựng mô hình giáo dục trực tuyến mở đại trà và nhiều tổ chức giáo dục bắt đầu cung cấp các khóa học MOOCs. Nhờ các khóa học qua in-tơ-nét như thế này mà việc ghi danh và hoàn thành chứng chỉ tại nhiều trường ÐH danh tiếng như Standford, MIT, Harvard, Yale… giờ đã trở nên đơn giản hơn. Tính đến năm 2020, edX - hệ thống MOOCs do Học viện MIT và ÐH Harvard phối hợp thành lập đã có hơn 3.000 khóa học trực tuyến với hơn 33 triệu người học đến từ 196 quốc gia. Trong khi đó, Coursera - nền tảng MOOCs do ÐH Standford xây dựng đã có hơn 130 nghìn học viên tham gia khoảng 6.400 khóa học do hơn 200 trường ÐH và tổ chức trên toàn thế giới cung cấp. Các khóa học trực tuyến này cũng được đầu tư phát triển tại khu vực châu Á vài năm trở lại đây.

Thay vì phải đến điểm danh, học tập trung tại các cơ sở theo quy định, giờ đây, chỉ cần máy tính hay điện thoại có kết nối in-tơ-nét, ai cũng có thể tham gia các khóa học trực tuyến mở từ hệ thống VMOOCs, hệ thống chuyên cung cấp khóa học trực tuyến miễn phí cho cộng đồng của Trường ÐH Mở TP Hồ Chí Minh. Ðiều này không chỉ giúp giảm chi phí đi lại mà còn tiết kiệm thời gian cho người học và không gian cho các cơ sở giáo dục. Việc chú trọng kết hợp giữa công nghệ và phương pháp giảng dạy hiệu quả giúp người học dễ dàng tiếp cận thư viện tri thức đa lĩnh vực mà không phải đến nhiều trường hay trung tâm cùng một lúc. Ðiều đặc biệt, các khóa học được bảo đảm theo tiêu chuẩn chất lượng của Tổ chức Quality Matters (Mỹ). Các khóa học kéo dài từ bốn đến sáu tuần và hoàn toàn miễn phí. Theo đó, người học chỉ cần đăng ký tài khoản, tham gia học theo lịch trình, không bỏ bất kỳ nội dung quan trọng nào sẽ được cấp giấy chứng nhận hoàn thành khóa học.

Hệ thống VMOOCs khởi đầu với 40 khóa học “0 đồng”. Ðây là hệ thống giáo dục chia sẻ đầu tiên tại Việt Nam cung cấp các khóa đào tạo trực tuyến có cấp giấy chứng nhận. Trường ÐH Mở TP Hồ Chí Minh, đơn vị nghiên cứu và xây dựng VMOOCs cho biết: Mô hình này ra đời nhằm mục tiêu cung cấp các khóa học miễn phí, góp phần nâng cao dân trí và thúc đẩy việc học tập suốt đời của người dân trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Với hơn 50 đối tác đã cam kết tham gia cùng hơn 100 triệu học viên tiềm năng trong và ngoài nước, VMOOCs được đánh giá sẽ mở ra những thay đổi khả quan cho quá trình đẩy mạnh giáo dục trực tuyến của Việt Nam. “Hệ thống VMOOCs còn là một nền tảng số, hưởng ứng mục tiêu của Ðề án “Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa”. Ðề án này được Chính phủ triển khai từ năm 2018 nhằm xây dựng nền tảng dữ liệu và phổ biến tri thức trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ, tạo điều kiện để cộng đồng tham gia đóng góp, chia sẻ khai thác. Ðào tạo trực tuyến đang dần khẳng định tầm quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu học tập mọi lúc mọi nơi, học tập suốt đời của người dân”, PGS, TS Nguyễn Minh Hà, Hiệu trưởng Trường ÐH Mở TP Hồ Chí Minh cho hay.

Không dừng lại ở việc miễn phí, MOOCs thu hút được nhiều người trên toàn cầu tham gia là vì tính thực tiễn, hữu ích của các khóa học. Do đó, VMOOCs cũng đặt ra cam kết giúp người học đủ khả năng vận dụng ngay kiến thức các khóa học vào công việc thực tế qua phương pháp tích hợp lý thuyết với thực hành. Các bài học luôn được yêu cầu phải thiết kế ngắn gọn với phần lý thuyết phong phú và dẫn chứng, minh họa thực tế, bảo đảm tính ứng dụng cao, tăng khả năng tương tác. Từ các khóa học phục vụ người dân các tỉnh, thành phố trong tương lai gần, Trường ÐH Mở TP Hồ Chí Minh sẽ đẩy mạnh các phiên bản quốc tế để tạo mạng lưới kết nối người học toàn cầu. Theo PGS, TS Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Giáo dục và Ðào tạo, sự phát triển của MOOCs trên thế giới là tiền đề, động lực để Việt Nam hướng tới mô hình mang tính cộng đồng này. Phát triển giáo dục của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay và sau này không thể tách rời việc ứng dụng công nghệ vào quá trình xây dựng và triển khai. Bên cạnh các chương trình cấp bằng truyền thống, Bộ Giáo dục và Ðào tạo hoan nghênh các mô hình đào tạo trực tuyến mở đại chúng như VMOOCs ngày càng phát triển. Hy vọng rằng, VMOOCs sẽ là cầu nối để các trường ÐH và doanh nghiệp hợp tác xây dựng, chia sẻ và lan tỏa các khóa học cung cấp kỹ năng, kiến thức, đáp ứng nhu cầu học tập phong phú của người dân Việt Nam.

Việt Nam được đánh giá có nhiều ưu thế để đẩy mạnh mô hình VMOOCs trong giai đoạn tới, khi mà tỷ lệ dân số trẻ từ 15 đến 35 tuổi chiếm khá cao (hơn 38%). Ngoài ra, tỷ lệ người dân sử dụng in-tơ-nét tại nước ta cũng chiếm phần lớn, rất thuận lợi trong quá trình tiếp cận, hoàn thành các khóa học trực tuyến mở đại chúng. Khi mà các khóa học trên thế giới của MOOCs chưa có phiên bản tiếng Việt thì sự ra đời của VMOOCs đã mở ra cánh cửa tiếp cận nguồn tri thức mới cho người dân trong nước. Vấn đề quan trọng cần hướng đến là tạo được tính kỷ luật tốt cho những khóa học trực tuyến miễn phí như thế này nhằm tránh lãng phí nguồn tài nguyên. Muốn vậy, các giờ học phải hấp dẫn, thiết thực, giảng viên cần trình bày lôi cuốn và sử dụng thành thạo các công cụ hỗ trợ sao cho kiến thức truyền đi theo cách sống động nhất. Người học cũng cần được tạo điều kiện để tương tác, thảo luận, thậm chí góp ý để giúp các khóa học hoàn thiện hơn, sát với nhu cầu thực tế hơn. Việc đa dạng ngôn ngữ cũng cần được hướng đến, trong đó tập trung phát triển các lớp học sử dụng hoàn toàn tiếng Anh.

Bài và ảnh: GIA MỸ