Khi gia đình là bệ đỡ cho người đồng tính được sống với chính mình

Một hoạt động tôn vinh sự đa dạng và chống kỳ thị người đồng tính. (Ảnh: VietPride)

Trót sinh ra với hình hài là con trai nhưng lại mang tâm hồn con gái hoặc ngược lại là sự trớ trêu của tạo hóa, không phải là lỗi của những người chuyển giới.

Xã hội và pháp luật Việt Nam đã có nhiều thay đổi tích cực trong việc thảo luận và bảo vệ quyền của người đồng tính, song tính, chuyển giới (LGBT), song vẫn còn những định kiến nhất định với cộng đồng này.

Bước ra “ánh sáng”

Từ nhỏ, ca sỹ Lynk Lee (Tô Ngọc Bảo Linh) đã cảm thấy mình không giống những bạn bè cùng trang lứa. Từ khi bắt đầu có nhận thức, Linh đã thích mặc váy, thích chơi đồ hàng. Trong diện mạo một cậu con trai thì những hành vi đó bị xem là quái gở. Lớn lên, chàng trai bé nhỏ, gày gò thường bị bạn bè xung quanh trêu chọc là “pê đê.” Trong nhận thức của cậu bé ấy, “pê đê” là điều gì đó xấu xa, tệ hại lắm.

Chỉ khi có một mình, Linh mới được tự do mặc quần áo con gái, tập dáng đi catwalk trên một đường thẳng. Suốt quãng thời gian dài của tuổi niên thiếu, tuổi trẻ, Linh chỉ biết bầu bạn với âm nhạc.

Gồng mình suốt 30 năm, đến một ngày Linh đã tự đi tìm hiểu thông tin về phẫu thuật chuyển giới để thực hiện ước mơ của mình. Cô may mắn khi nhận được sự ủng hộ từ mẹ và những người thân.

Ca sỹ Lynk Lee là một trong những người sống thật với giới tính của mình. (Ảnh: NVCC)

Niềm khao khát trở thành một cô gái đã khiến Linh vượt qua hết nỗi đau, cô tâm sự: “Khi quyết định phẫu thuật chuyển giới, mình chẳng quan tâm đến việc mình sẽ khỏe hơn hay yếu đi mà chỉ biết rằng mình cần làm một cô gái.”

Điều đầu tiên mà Linh làm ngay sau khi hồi phục sức khỏe đó chính là chụp ảnh điệu đà như những cô gái bình thường. Cô khoác lên mình những bộ đồ nữ tính và tự tin thể hiện cá tính trước ống kính máy quay.

Ngay sau khi công khai với truyền thông, ca sỹ Lynk Lee nhận được rất nhiều lời bình luận chê bai. Trước sự chỉ trích từ mọi người, cô buồn và khóc rất nhiều.

Thay vì lảng tránh những bình luận ác ý, cô ép mình đọc hết để đối diện với dư luận, những cơn mưa “gạch đá” từ cộng đồng mạng để tự tin sống với chính mình.

Thời gian rồi cũng xoa dịu những nỗi đau. Hiện tại, cô đang chuẩn bị cho việc phẫu thuật giọng nói để hoàn thiện mình.

Gia đình là bệ đỡ

Giống như Linh, V.H.P (22 tuổi, Hà Nội) cảm nhận được sự khác biệt của mình với các bạn nam khác vào tuổi dậy thì. Mang thân hình của một cậu con trai nhưng P lại khao khát tìm một chàng hoàng tử cho mình. P không dám thẳng thắn bày tỏ chuyện mình là người đồng tính, bởi biết rằng mình chẳng thể nào thay đổi được suy nghĩ và định kiến của người thân.

Ở trường hợp của P, dù rất muốn “come out” (thuật ngữ chỉ sự thừa nhận rằng mình đồng tính) nhưng áp lực từ phía người thân là quá lớn, P sẽ phải cố gắng rất nhiều để tìm được tiếng nói chung với cha mẹ mình.

Theo các chuyên gia, gia đình rất quan trọng quan trọng trong hành trình “come out” của những người LGBT.

Bà Nguyễn Lang Mộng là một thành viên vô cùng tích cực của Hội phụ huynh và người thân của cộng đồng LGBT Việt Nam (PFLAG Việt Nam). (Ảnh: NVCC)

Kể với phóng viên VietnamPlus, bà Nguyễn Lang Mộng (Thành phố Hồ Chí Minh) cho hay do công việc, bà không có thời gian quan tâm đến con trai của mình. Đến một ngày, người thân trong gia đình rỉ tai: “Phải chú ý hơn đến con, nó điệu quá, con trai gì mà suốt ngày son son, phấn phấn. Nó pê đê…,” bà như chết nửa người.

Khi đã tìm hiểu rõ, bà Mộng không dám nhìn mặt ai, né tránh mọi sự dò xét của hàng xóm. Bao ức chế, khó chịu bà trút cả vào đứa con trai. Hơn 1 năm trời, hai mẹ con né tránh nhau dù vẫn sống chung nhà.

Bà nghĩ rằng sự cấm đoán, dọa nạt của mình sẽ khiến con sợ mà trở lại bình thường, nhưng đến một ngày, bà lên phòng ngủ và phát hiện con mình có ý định tự tử.

Bà Mộng sực tỉnh và hiểu ra rằng con mình đã phải chịu khổ sở dày vò như thế nào. Sau cùng, tình mẫu tử đã vượt lên trên tất cả.

“Con cái là máu thịt của mình, phụ huynh nào cũng mong con được hạnh phúc, có cuộc sống hôn nhân trọn vẹn. Thế nhưng, việc con là người đồng tính khiến những kỳ vọng bấy lâu sụp đổ. Chính các bậc cha mẹ cũng sợ hãi, xấu hổ và không muốn thừa nhận điều đó,” bà Mộng phân tích.

Từ đó, bà Mộng đọc nhiều sách báo, tham gia những diễn đàn của cộng đồng LGBT, gặp gỡ những ông bố, bà mẹ khác. Họ nhận ra rằng ngoài việc đồng tính ra thì con mình đều giỏi giang và hiếu thảo. Vậy là bà Mộng trở thành một thành viên tích cực của Hội phụ huynh và người thân của người đồng tính, song tính và chuyển giới Việt Nam (PFLAG).

Khác với bà Mộng, mẹ của ca sỹ Lynk Lee đã nhận ra những biểu hiện khác lạ của con từ khi con còn nhỏ. Bà lặng lẽ quan sát sự trưởng thành của con. Do đó, khi Lynk Lee thổ lộ với mẹ rằng cô muốn chuyển giới thì mẹ không hề sốc mà ủng hộ.

Từ đó, người mẹ luôn đứng về phía Lynk Lee, giải thích với họ hàng và những người xung quanh để mọi người hiểu và tôn trọng quyết định của con.

“Từ khi công khai đến giờ, tôi thấy con thoải mái, vui vẻ. Vậy là tôi cũng hạnh phúc. Cuộc sống của con, con tự quyết định,” bà chia sẻ.

Ca sỹ Phương Thanh là một trong những nghệ sỹ chống kỳ thị người đồng tính. (Ảnh: VietPride)

Còn với Lynk Lee, cha mẹ cho mình ngoại hình, tuy nhiên việc làm cho cơ thể hòa hợp với tâm hồn lại là quyết định của mỗi cá nhân. “Nếu mình sống mãi trong vỏ bọc thì tức là mình đang ngược đãi chính bản thân. Sống hạnh phúc chính là trân trọng cơ thể của mình. Bất cứ cha mẹ nào cũng đều mong muốn con mình hạnh phúc, khi mình hạnh phúc thì cha mẹ mình cũng sẽ cảm thấy như vậy, nên các bạn hãy cứ sống hết mình,” cô chia sẻ.

Tiến sỹ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội (ISDS) cho hay từ những năm 1970, Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ đã đưa đồng tính ra khỏi danh sách các bệnh tâm thần. Kiến thức về giới cần được phổ biến nhiều hơn nữa trong cộng đồng.

Bà cho rằng gia đình đóng vai trò cực kỳ quan trọng để giúp cộng đồng LGBT có thể hòa nhập với xã hội.

“Cha mẹ cần lưu ý, quan tâm đến những biểu hiện khác lạ của con, điều này xuất hiện từ rất sớm, trước khi dậy thì. Cha mẹ không nên ép con phải sống đúng với giới mà con không muốn, mà hãy là người đồng hành để con cái không bị tổn thương, tránh gây ảnh hướng đến tâm sinh lý và cuộc sống, hỗ trợ con để con đối phó với sự kỳ thị bên ngoài,” tiến sỹ Khuất Thu Hồng đưa ra lời khuyên.

Bà Hồng cũng khuyến nghị những bậc phụ huynh có con phát triển giới tính bình thường, cha mẹ cũng cần giáo dục con rằng cần tôn trọng những người thuộc giới tính khác, không kỳ thị, không chỉ trỏ và bình phẩm. Gia đình cần dạy cho con cái biết cách ứng xử văn minh lịch sự, tôn trọng người khác.../.

Hoài Thơm (Vietnam+)