Khánh Hòa tập trung phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả có giá trị kinh tế

Mặc dù có nhiều điều kiện thuận lợi về mặt địa lý, thổ nhưỡng... nhưng để phát triển bền vững các địa phương này vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết.

Cuối tháng 7 vừa qua, các thành viên Hợp tác xã cây ăn trái xã Khánh Thành, huyện miền núi Khánh Vĩnh xuống thành phố Nha Trang tham gia “Phiên chợ nông sản” do Hội Nông dân tỉnh Khánh Hòa tổ chức.

Ông Đoàn Văn Hưởng, Giám đốc Hợp tác xã Khánh Thành cho biết, hợp tác xã có 50ha chuyên trồng bưởi, chiếm 1/4 diện tích bưởi của toàn xã. Mặc dù, chỉ cách thành phố Nha Trang khoảng 1 giờ chạy xe, nhưng mấy năm qua, nhất là từ khi bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, việc tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn. Trái bưởi địa phương ngon nhưng thương hiệu chưa mạnh, kết nối tiêu thụ chưa tốt.

Vườn cây ăn quả của người dân miền núi huyện Khánh Vĩnh.

“Chúng tôi mới bán ở gần, ngay như ở Nha Trang còn chưa biết đến bưởi Khánh Vĩnh bao nhiêu. Mặc dù chỉ cách nhau có 50km, chỉ ở hội chợ như hiện nay thì bán rất chạy nhưng khi hết hội chợ về rồi thì các nơi họ trà trộn vào nên rất khó. Trước khi dịch, giá bưởi Khánh Vĩnh cao lắm, cao điểm nhất là 25.000 đồng/kg bưởi đẹp, lúc thấp nhất chỉ 15.000 đồng/kg" - ông Đoàn Văn Hưởng chia sẻ.

10 năm trở lại đây, người dân 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh của tỉnh Khánh Hòa đã chuyển dần vườn tạp, vườn đồi không hiệu quả sang chuyên canh các loại cây ăn quả đặc sản đã được khảo nghiệm thành công tại địa phương như sầu riêng, mít nghệ, bưởi da xanh, chôm chôm, xoài… Tuy vậy, đến nay, trái cây của vùng đất này vẫn chỉ được bán thô để tiêu dùng trực tiếp, chưa được xử lý bảo quản sau thu hoạch hay chế biến sâu.

Bà Cao Thị Ngọc Thanh, Bí thư Đảng ủy xã Khánh Trung, huyện Khánh Vĩnh cho biết, tại xã có gần 300ha trồng cây ăn trái, trong đó khoảng 70% diện tích trồng bưởi. Vì thế, nếu như trái cây trong toàn tỉnh thu hoạch đồng loạt thì người nông dân thường xuyên gặp khó trong tiêu thụ.

“Hiện tại người dân chỉ bán bưởi trái, chưa có các sản phẩm khác từ buổi nên thời gian tới phải nghiên cứu thêm để đa dạng hơn, giúp xử lý rủi ro nếu đầu ra không ổn định. Sầu riêng cũng vậy, nếu có được những công nghệ để xử lý được như sấy khô, sẽ giúp phát huy hơn các loại mặt hàng nông sản của địa phương" - bà Cao Thị Ngọc Thanh nhấn mạnh.

Sầu riêng, bưởi của huyện Khánh Sơn được giới thiệu với du khách

Để đảm bảo chất lượng, giữ gìn thương hiệu nông sản, trước mắt, nông dân ở miền núi tỉnh Khánh Hòa đã lập nên các Hợp tác xã, nhóm liên kết để hỗ trợ nhau. Các thành viên có điều kiện giúp người khó khăn hơn bằng cách trợ giúp cây giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc từ khi trồng đến khi thu hoạch. Các hợp tác xã liên kết tìm đến các hội chợ, trung tâm thương mại để quảng bá thương hiệu, tìm đầu ra cho sản phẩm.

Ông Đào Quang Hiển, Tổ trưởng Tổ Hợp tác trái cây xã Sơn Trung, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa cho biết, đến nay, huyện Khánh Sơn có 2 hợp tác xã, 8 tổ hợp tác ở 8/8 xã, thị trấn được công nhận có sản phẩm đạt chuẩn VietGAP.

Theo ông Hiển: “Chúng ta phải đảm bảo được tiêu chí xanh, sạch, không dùng hóa chất thì mới bảo vệ được thương hiệu lâu dài. Đó là cái cốt lõi nhất trong việc trồng sầu riêng và quảng bá thương hiệu".

Vụ sầu riêng năm nay, huyện Khánh Sơn đạt khoảng 9.000 tấn, với mức giá tại vườn trên 50.000 đồng/kg, giúp người nông dân có thu nhập ổn định. Huyện Khánh Sơn vừa tổ chức Lễ hội trái cây lần thứ 2 nhằm kích cầu tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu cho nông sản địa phương.

Ông Nguyễn Văn Nhuận, Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết, là huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu sổ sinh sống, để đạt mục tiêu đến năm 2025 thoát khỏi huyện nghèo, địa phương thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng để phát triển nông nghiệp bền vững. Hiện, tại Khánh Sơn có 5.000 ha cây ăn quả. Thời gian tới, huyện sẽ tăng diện tích theo hướng chuyên canh, đặc sản.

Ông Nguyễn Văn Nhuận nêu rõ: "Huyện sẽ định kỳ tổ chức các Lễ hội trái cây, liên kết với các doanh nghiệp du lịch ở các địa phương lân cận để phát triển du lịch sinh thái kết hợp tiêu thụ nông sản.

Có những chính sách, cơ chế để giảm bớt đất rừng sản xuất xuống, chuyển đổi thành đất nông nghiệp, phát triển thêm diện tích trồng cây sầu riêng. Cho các doanh nghiệp mở tour tại Khánh Sơn, kết nối với các thị trường du lịch ở sát bên như Bãi Dài, Cam Ranh, Ninh Thuận lên với Khánh Sơn để phát triển du lịch, tiêu thụ nông sản"./.

Thái Bình /VOV-Miền Trung