'Ðiểm tựa' cho phụ nữ tự tin khởi nghiệp

Gian hàng khởi nghiệp của hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Điện Biên Phủ.

Ðược hỗ trợ vốn, kinh nghiệm, kỹ năng và được tham gia các lớp tập huấn truyền thông về chủ trương, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, nhiều hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Ðiện Biên mạnh dạn xây dựng kế hoạch kinh doanh, khởi nghiệp thành công.

Ðiều đó, góp phần cổ vũ các hội viên thêm tự tin, quyết tâm vươn lên.

Với người Ðiện Biên, khi đề cập tấm gương phụ nữ tiêu biểu trong khởi nghiệp không ai không nhớ chị Hoàng Thị Hiên ở xã Thanh An, huyện Ðiện Biên. Là Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Safe Green (trụ sở tại xã Thanh An). Năm 2018, chị Hoàng Thị Hiên vinh dự là một trong 20 phụ nữ tiêu biểu trong toàn quốc được Trung ương Hội LHPN Việt Nam tôn vinh trong Ngày hội khởi nghiệp.

Với mong muốn đưa gạo Tám thơm trên cánh đồng Mường Thanh (Ðiện Biên) bay xa, được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước biết tới, năm 2015, chị Hiên bắt đầu thực hiện ý tưởng ấp ủ bấy lâu. Tuy đã có kinh nghiệm trong việc sản xuất và kinh doanh các mặt hàng nông sản, song khi triển khai dự án "Sản xuất và chế biến gạo Tám Ðiện Biên theo chuỗi liên kết", chị Hiên vẫn không khỏi lo lắng. Chị tâm sự: "Gạo Ðiện Biên vốn đã có tiếng dẻo thơm, cho nên sẽ khó để người tiêu dùng nhận biết, đánh giá chất lượng, giá trị gạo được sản xuất theo quy trình liên kết. Ðấy là điều tôi lo lắng khi triển khai dự án.

Ðược sự hỗ trợ tận tình, tạo điều kiện mọi mặt của cán bộ Hội LHPN tỉnh, tôi như được "tiếp lửa" thêm quyết tâm và tự tin thực hiện dự án". Thật mừng, khi sản phẩm gạo Tám sản xuất liên kết theo chuỗi của Công ty TNHH Thực phẩm Safe Green hoàn thành đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo người tiêu dùng. Ðến vụ đông xuân 2017 - 2018, công ty mở rộng diện tích liên kết thêm hàng chục héc-ta, đồng thời ký hợp đồng với Viện Khoa học nông - lâm nghiệp miền núi phía bắc bao tiêu toàn bộ sản phẩm của người dân tham gia dự án tại cánh đồng Mường Thanh.

Chị Quàng Thị Hào, hội viên Hội Phụ nữ bản Na Phát, xã Na Son (huyện Ðiện Biên Ðông) mạnh dạn tham gia thành lập Hợp tác xã (HTX) Quang Vinh P&T với trọng trách Phó Giám đốc HTX. Nhận thấy khí hậu, thổ nhưỡng ở Ðiện Biên Ðông phù hợp để trồng cây hương nhu, chị Hào và các thành viên thống nhất triển khai dự án "Trồng cây hương nhu phát triển kinh tế cho bà con dân tộc vùng cao". Chị Quàng Thị Hào cho biết: Dự kiến năm đầu, HTX thu khoảng 1.500 lít tinh dầu, với giá thành hiện nay là một triệu đồng/lít thì doanh thu ước 1,5 tỷ đồng. Từ triển khai dự án, HTX đã góp phần tạo việc làm tại chỗ cho hàng chục lao động địa phương đồng thời cải tạo môi trường sống, phủ xanh đất trống đồi núi trọc, chống xói mòn, biến đổi khí hậu.

Bà Vừ Ðào My, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Ðiện Biên cho biết: Số lượng đông, hội viên chủ yếu là phụ nữ đồng bào các dân tộc thiểu số cho nên rất nhiều chị em có cuộc sống khó khăn. Nhiều người là trụ cột gia đình trong khi tài sản không có gì ngoài sự chăm chỉ và ước mơ thoát nghèo. Bởi vậy mà, tấm gương các chị Hiên, Hào… khởi nghiệp thành công được ví như những "ngọn lửa" thổi bùng nhiệt huyết, khát vọng vươn lên với hội viên phụ nữ trong toàn tỉnh.

Hiểu được tâm ý và mong muốn của chị em, đồng hành cùng chị em trên hành trình khởi nghiệp, Hội LHPN tỉnh chủ động tham mưu UBND tỉnh Ðiện Biên ban hành kế hoạch thực hiện Quyết định số 939 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Ðề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025 trên địa bàn, với tổng kinh phí gần 6,4 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2017 - 2025, thông qua việc thực hiện đề án, Hội LHPN tỉnh phấn đấu có ít nhất 90% cán bộ Hội chuyên trách các cấp và cán bộ các sở, ngành tỉnh được nâng cao nhận thức, phương pháp hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh doanh; 70% hội viên phụ nữ được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về việc làm, khởi nghiệp. Ðề án cũng sẽ hỗ trợ khoảng 200 phụ nữ thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại hoặc tham gia mô hình tổ, nhóm liên kết sản xuất.

Từng bước thực hiện Ðề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, từ năm 2017 đến nay, Hội LHPN tỉnh chủ động phối hợp với các cơ quan, các huyện, thị xã, thành phố tập trung thực hiện khâu đột phá trong đề án là "Huy động nguồn lực hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp"; đề xuất tổ chức CARE hỗ trợ thực hiện dự án "Thúc đẩy tài chính toàn diện vì phụ nữ dân tộc thiểu số" triển khai tại các huyện Mường Ảng, Tuần Giáo với tổng nguồn vốn tài trợ 18.519 USD để thành lập 50 nhóm cổ phần tài chính tự quản. Cùng với đó Hội LHPN các cấp trong tỉnh đã chủ động kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ Quỹ Phụ nữ khởi nghiệp được hơn 300 triệu đồng.

Nhờ nguồn hỗ trợ của UBND tỉnh, các tổ chức, xã hội ủng hộ Quỹ Phụ nữ khởi nghiệp, trong ba năm (2017-2020), Hội LHPN tỉnh Ðiện Biên đã tổ chức tư vấn khởi nghiệp cho 80 hội viên; vận động, hỗ trợ 3.881 phụ nữ tham gia học nghề; thành lập câu lạc bộ nữ doanh nhân với 40 thành viên tham gia. Từ nguồn kinh phí của Quỹ Phụ nữ khởi nghiệp, Hội LHPN tỉnh tiếp tục duy trì, hỗ trợ các tổ, nhóm liên kết trồng rau an toàn tại các huyện: Mường Ảng, TP Ðiện Biên Phủ, nhóm liên kết sản xuất bánh khẩu xén xã Lay Nưa. Triển khai các mô hình nuôi lợn, gà, dê, bò… cho phụ nữ nghèo, phụ nữ khuyết tật tại ba xã biên giới thuộc huyện Nậm Pồ, Tuần Giáo với tổng trị giá 150 triệu đồng.

Vừa qua, Hội LHPN tỉnh Ðiện Biên tổ chức chương trình "Ngày phụ nữ khởi nghiệp năm 2020", để tạo thêm sân chơi "sáng tạo" khuyến khích cán bộ, hội viên phụ nữ các cấp trong tỉnh tự tin khởi nghiệp. Ðồng thời qua việc triển khai ý tưởng, đề tài sẽ góp phần tăng cường liên kết sản xuất, kết nối tiêu thụ trên thị trường trong và ngoài nước, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, đặc biệt hỗ trợ các doanh nghiệp nữ, các mô hình phát triển kinh tế do phụ nữ làm chủ tháo gỡ khó khăn trong xúc tiến thương mại, phát triển kinh doanh và hội nhập, thực hiện có hiệu quả chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã, đang được cả nước quan tâm.

Bài và ảnh: Lê Lan