Hội thảo phiên thứ nhất: Đánh giá thực trạng thị trường sản phẩm quà lưu niệm, quà tặng du lịch của Ninh Bình

Quang cảnh Hội thảo phiên thứ nhất.

Các đồng chí: PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản; Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam; Trần Song Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch Bình đồng chủ trì phiên thảo luận.

Các đồng chí chủ trì phiên thảo luận.

Mở đầu phiên thảo luận, PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà nhấn mạnh tính chuyên đề và cấp thiết của việc tổ chức Hội thảo. Việc phát triển các sản phẩm cho thị trường quà lưu niệm, quà tặng du lịch mang tính chuyên nghiệp, độc đáo, bản sắc Ninh Bình là vấn đề cần được quan tâm đầu tư hơn nữa.

Đây không chỉ là yếu tố thu hút khách mà là còn yếu tố quan trọng trong giới thiệu quảng bá văn hóa, du lịch địa phương một cách thiết thực, mang lại giá trị kép trong việc bảo tồn và đưa điểm đến du lịch địa phương tới gần hơn thị trường trong nước và thế giới. Vì vậy, những đánh giá khách quan, toàn diện về thị trường quà tặng, quà lưu niệm tại Ninh Bình sẽ là căn cứ để đề xuất, xây dựng những giải pháp phát triển phù hợp.

Thị trường quà tặng, quà lưu niệm còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh

Tiến sỹ Vũ Hương Lan, Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đã chia sẻ kinh nghiệm phát triển quà lưu niệm ở một số quốc gia trên thế giới và Việt Nam. Theo đó, nhiều quốc gia trên thế giới như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, một số nước châu Âu và các tỉnh, thành phố trong nước như: Hà Nội, Đồng Tháp, Bến Tre đã chú trọng xây dựng và phát triển thành công thị trường quà tặng, quà lưu niệm mang bản sắc, giá trị và thương hiệu riêng.

Sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch của Ninh Bình tuy có sự gia tăng về số lượng, cải thiện về chất lượng, song số lượng quà tặng còn khá khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của một vùng đất "Địa linh nhân kiệt". Mặt khác, sản phẩm quà tặng du lịch mang nét đặc trưng của tỉnh còn đơn giản về mẫu mã, nghèo nàn về chủng loại và chưa tạo được dấn ấn, thương hiệu để hấp dẫn du khách. Chính vì vậy, số lượng du khách tới Ninh Bình rất nhiều nhưng mức chi tiêu của họ tại đây còn khá hạn chế. Tỉnh cần có những biện pháp khuyến khích phát triển ngành hàng quà tặng du lịch nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch, nâng cao thu nhập cho người dân, khẳng định bản sắc văn hóa quê hương.

Cần xây dựng câu chuyện văn hóa cho các sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm

Chia sẻ kinh nghiệm của Hà Nội trong việc phát triển sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm, bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho rằng: Với nhiều nét tương đồng giữa Hà Nội và Ninh Bình, đặc biệt là những khó khăn mà Hà Nội đã trải qua trong việc phát triển thị trường quà tặng, bà Đặng Hương Giang mong muốn những chia sẻ tại Hội thảo sẽ giúp Ninh Bình rút ngắn thời gian và sớm đưa thị trường quà tặng, quà lưu niệm phát triển chuyên nghiệp. Trong đó, Ninh Bình cần chú trọng những yếu tố then chốt để phát triển sản phẩm quà tặng. Cần xây dựng câu chuyện văn hóa cho các sản phẩm quà tặng du lịch, đưa giá trị văn hóa, lịch sử của vùng đất Cố đô lên các sản phẩm lưu niệm. Đây chính là yếu tố giúp tăng giá trị, tạo sự khác biệt cho sản phẩm lưu niệm của tỉnh.

Đồng thời, Ninh Bình cần nghiên cứu thị trường khách, kết nối các giá trị di sản văn hóa trong thiết kế sản phẩm lưu niệm phục vụ phát triển du lịch. Tập trung khảo sát, đánh giá, lựa chọn các làng nghề phát triển kết hợp du lịch, chú trọng xây dựng thương hiệu cho từng làng nghề, nghệ nhân.Kết nối về câu chuyện văn hóa lịch sử, kết nối về sản phẩm liên vùng, kết nối doanh nghiệp, lữ hành, cơ sở sản xuất, điểm đến. Để làng nghề phát triển tỉnh cần có chính sách hỗ trợ đầu tư, xúc tiến sản phẩm, xử lý môi trường, quy hoạch làng nghề dài hạn, dịch vụ hỗ trợ tại các khu, điểm du lịch…

Không ngừng nâng cao chất lượng và đa dạng thị trường sản phẩm

Là 1 doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu, với hệ thống đối tác trải rộng đến gần 50 quốc gia trên thế giới, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao cho rằng thành công của Công ty đến từ việc không ngừng nâng cao chất lượng, mẫu mã, chủng loại sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường khó tính nhất trên thế giới.

Từ những thành công này, các doanh nghiệp, HTX, đơn vị sản xuất cần chú trọng hơn đến yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, mở rộng thị trường và đa dạng sản phẩm.

Đối với Công ty, ngoài các sản phẩm từ rau quả đông lạnh, nước ép hoa quả tươi,Công ty còn phát triển một số mặt hàng quà tặng du lịch, mở rộng ngành hàng sản xuất, chế biến bánh kẹo, trong đó trọng tâm là khai thác tiềm năng, câu chuyện từ quả dứa của địa phương. Những sản phẩm này không chỉ nhằm mục đích tăng doanh thu cho doanh nghiệp mà còn góp phần tạo dấu ấn riêng, lan tỏa hơn hình ảnh về đất và người Ninh Bình đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước.

"Gỡ" khó cho các HTX trong phát triển, xây dựng sản phẩm

Ông Vũ Trung Đức, Giám đốc HTX Sinh Dược (Gia Viễn) đã chia sẻ thực trạng phát triển sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm du lịch gắn với đặc trưng văn hóa, lịch sử địa phương từ mô hình của HTX Sinh Dược. Từ đó đề xuất một số cơ chế, giải pháp, chính sách đểphát triển thị trường quà tặng, quà lưu niệm cho tỉnh.

Theo đó, khó khăn khiến các HTX, làng nghề, đơn vị, cơ sở sản xuất chưa thể phát triển, đó là khâu thiết kế sản phẩm tốn kém và đòi hỏi đầu tư lớn. Các HTX chưa tiếp cận được đầy đủ cơ sở dữ liệu về văn hóa địa phương để khai thác và gắn kết vào quá trình sản xuất, truyền thông sản phẩm. Ngoài ra, sự cạnh tranh với các sản phẩm cùng công năng nhưng được sản xuất công nghiệp, hạn chế công tác xúc tiến, bán hàng… khiến các HTX gặp khó trong việc xây dựng và phát triển sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm một cách bài bản, bền vững.

Để khắc phục những khó khăn này, tỉnh cần tổ chức các cuộc thi về sản phẩm và dịch vụ phục vụ du lịch; hỗ trợ địa điểm bày bán sản phẩm chuyên nghiệp tại các điểm du lịch trong tỉnh; tăng cường các dịch vụ phục vụ du lịch; truyền thông qua các kênh mạng xã hội; đầu tư vào nghiên cứu và phát triển các sản phẩm phục vụ du lịch; hỗ trợ tài chính và chính sách thuế ưu đãi...

Tạo sự khác biệt trong mỗi sản phẩm quà tặng

Trải qua hành trình dài đầy khó khăn, đến nay, anh Phạm Văn Vang, Giám đốc Công ty TNHH Bảo tồn và Phát triển gốm Bồ Bát (Yên Mô) đã khôi phục và phát triển thành công nghề gốm cổ địa phương. Các sản phẩm của Công ty không ngừng được cải tiến mẫu mã, kiểu dáng, nâng cao chất lượng. Đặc biệt, các nghệ nhân nơi đây đã tạo sự khác biệt trong mỗi sản phẩm bằng cách giới thiệu những tích truyện, những câu chuyện văn hóa, lịch sử, thiên nhiên của vùng đất Cố đô. Qua đó góp phần lan tỏa vẻ đẹp của đất và người Ninh Bình, trở thành món quà lưu niệm, quà tặng mang tính khác biệt, độc đáo, riêng có của gốm Bồ Bát với những sản phẩm gốm khác.

Tuy nhiên, hiện nay do thiếu vốn, thiếu không gian trải nghiệm cho du khách, khó khăn trong việc vận chuyển, quảng bá giới thiệu tại các gian hàng, khu điểm tập trung nên các sản phẩm của làng nghề chưa đến được với nhiều du khách, chưa phát triển đúng với tiềm năng, thế mạnh, lịch sử văn hóa của làng nghề.

Hỗ trợ nhiều hơn cho các làng nghề, nghệ nhân trên địa bàn tỉnh

Cho rằng, thị trường sản phẩm quà lưu niệm, quà tặng du lịch của tỉnh Ninh Bình khá đa dạng, tuy nhiên theo đánh giá của Tiến sỹ Nguyễn Huy Chinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam,sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm của tỉnh Ninh Bình còn chiếm tỉ lệ nhỏ so với tổng số mặt hàng được bày bán, giới thiệu; mẫu mã còn đơn điệu, chưa đa dạng; sản phẩm quà lưu niệm gắn với biểu trưng, văn hóa của tỉnh còn ít.

Vì vậy, theo Tiến sỹ Nguyễn Huy Chinh, cần quan tâm đến việc hỗ trợ và phát triển làng nghề, từ việc quy hoạch phát triển, quy hoạch vùng nguyên liệu đến việc hỗ trợ quảng bá, xúc tiến sản phẩm làng nghề trên các kênh thương mại điện tử. Đặc biệt, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các nghệ nhân làng nghề truyền thống. Qua đó, tạo động lực để thị trường quà tặng Ninh Bình phát triển bền vững, đa dạng, mang đậm bản sắc văn hóa hơn.

Phát biểu tại phiên thảo luận thứ nhất, PGS.TS. Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình bày tỏ mong muốn nhận được sự quan tâm của các đại biểu, các nhà nghiên cứu, chuyên gia để Ninh Bình phát triển thị trường sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm nhiều hơn nữa, tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương

Khẳng định giá trị văn hóa, lịch sử, cảnh quan thiên nhiên đặc sắc, riêng có với Di sản Cố đô độc đáo, vì vậy trên cơ sở đó, đồng chí mong muốn các chủ thể, nghệ nhân, người thiết kế nghiên cứu những sản phẩm có tính sáng tạo, hấp dẫn, đậm đà bản sắc văn hóa, lịch sử. Các doanh nghiệp, địa phương cần phát huy vai trò trong việc kết nối, tiêu thụ, quảng bá sản phẩm để hỗ trợ truyền thông, khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo, tập trung các giải pháp để bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề, hỗ trợ nghệ nhân và các sản phẩm mang tính thương hiệu. Đây là những gợi mở quan trọng để các đại biểu tập trung thảo luận các vấn đề tại phiên thứ hai "Giải pháp nghiên cứu, thiết kế mẫu sản xuất, phát triển sản phẩm quà tặng du lịch Ninh Bình và cơ chế, chính sách thúc đẩy".

Nguyễn Thơm - Minh Hải - Anh Tuấn

Hội thảo phiên thứ hai: "Giải pháp nghiên cứu, thiết kế mẫu sản xuất, phát triển các sản phẩm quà tặng du lịch Ninh Bình và cơ chế, chính sách thúc đẩy"