Học cách dạy con trong sự tỉnh táo

Khi nuôi dạy con cái, ta thường xuyên phải đứng trước cuộc chiến giữa lý trí và con tim. Một hành động không phù hợp có thể làm tổn thương tâm hồn của trẻ, ngược lại, một lời khen ngợi đúng lúc có thể tạo cảm hứng để con thăng hoa.

Cuốn sách Làm cha mẹ tỉnh thức sử dụng những thuật ngữ đơn giản, gần gũi và vô cùng đời thường. Qua đó, tác giả Shefali Tsabary đề cập đến vai trò lớn lao của sự đồng cảm và phương pháp nuôi dưỡng nó thông qua mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái.

Được sự đồng ý của Thái Hà Books, Zing trích đăng một phần cuốn sách.

Bậc cha mẹ tỉnh thức tin tưởng rằng câu trả lời không nằm ở bên ngoài, mà ở ngay trong cơ chế quan hệ giữa hai bên. Vì thế, dạy con trong tỉnh thức được học thông qua tiếp xúc trực tiếp với con, chứ không phải bằng cách đọc những cuốn sách hứa hẹn “chữa cháy tình huống” hay tham gia các lớp học tập trung vào “kỹ thuật”.

Dạy con tỉnh thức bao hàm những giá trị chứa đựng trong chính mối quan hệ. Tất nhiên, phương pháp này cần sự tham gia đầy đủ và nhiệt tình của phụ huynh, vì chỉ có sự tiếp xúc tỉnh thức của cha mẹ thì sự thay đổi mới diễn ra ở con được.

Quan trọng là sự kết nối

Phương pháp này chấp nhận trạng thái thực tế của mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, rồi mới đưa vào yếu tố tỉnh thức. Nói cách khác, dạy con trong tỉnh thức sử dụng từng khoảnh khắc bình thường bên con để làm nền tảng thúc đẩy sự gắn kết thực sự.

Phương pháp này không thể dùng như toa thuốc vì kết hợp rất nhiều phương diện. Đúng hơn, như đã nói, đó là cả một triết lý sống, tức là mỗi bài học có liên quan mật thiết đến những bài học khác, không có gì tách rời, riêng biệt bên ngoài môi trường sinh hoạt gia đình.

Khi mỗi khoảnh khắc đều là một phòng thí nghiệm sống, mỗi lần tiếp xúc trở thành một cơ hội để học những bài học quý giá. Ý thức được sự có mặt trong hiện tại, những khoảnh khắc bình thường nhất cũng nhắc nhở ta nuôi dưỡng định nghĩa về bản thân, về lòng bao dung, sự cảm thông và gắn kết.

Chẳng cần sắp xếp, can thiệp nhiều. Ta lợi dụng hoàn cảnh có sẵn để đưa vào một góc nhìn khác cho cả ta và ở con. Bằng cách đó, những tình huống nhỏ nhặt nhất trở thành cánh cửa mở đường tới sự thay đổi. Bạn sẽ thấy cụ thể trong những trường hợp mà tôi dần dần giới thiệu trong cuốn sách này.

Trước khi áp đặt điều gì, hãy cố gắng để hiểu con mình muốn gì. Ảnh: Novalac.

Vì là cha mẹ, ta mong mỏi hành vi của con phải được “xử lý” ngay lập tức, bỏ qua giai đoạn khó khăn là thay đổi chính mình, nên cần phải nhấn mạnh rằng phương pháp dạy con tỉnh thức không thể thay đổi cả một gia đình trong một đêm. Cuốn sách này không cung cấp những “công thức” cố định bởi công thức cố định không lột tả được bản chất của phương pháp dạy con tỉnh thức là khoảnh khắc hiện tại.

Làm thế nào để hiểu con cái?

Điều tôi muốn làm rõ là “công thức” nằm sẵn trong mỗi tình huống ngay khi nó phát sinh, chứ không tập hợp lại như một cuốn cẩm nang. Cuốn sách này hướng dẫn cách sử dụng mối quan hệ với con để trở nên tỉnh thức, để ta biết con cái thực sự muốn gì ngay trong khoảnh khắc vấn đề phát sinh.

Thông qua nhiều khoảnh khắc như thế, một mô hình gia đình tỉnh thức dần hiện ra, làm thay đổi hoàn toàn sân chơi gia đình. Để đạt được cơ chế tỉnh thức này, cần phải có yếu tố kiên nhẫn. Mục tiêu thay đổi một hành vi cụ thể cũng tương tự như vậy.

Điều ta quan tâm không phải là “Làm sao để con đi ngủ” hay “Làm sao để con ăn”. Nhiệm vụ quan trọng nhất là xây dựng một nền móng tâm hồn cho con và cho chính ta. Điều này buộc ta phải xem xét lại cách tiếp xúc với con ở cấp độ cơ bản nhất, với mục tiêu là hành vi của con tự động trở nên chuẩn mực khi chúng có ý thức và trung thực với bản chất con người chúng.

Sự thay đổi hành vi là thành quả của sự thay đổi trong mối quan hệ. Một khi việc dạy con song hành với sự tỉnh thức, tiến trình cụ thể của từng tình huống không còn quá quan trọng. Trên một nền tảng tâm hồn vững vàng, đời sống sẽ trở nên có ý nghĩa.

Một lần nữa, vì điều này, tôi đưa đề tài kỷ luật vào chương cuối cùng - không phải là xem nhẹ tầm quan trọng của nó, mà để nhấn mạnh rằng, trong dài hạn, kỷ luật sẽ mất hiệu quả trừ phi được thực thi trong sân chơi tỉnh thức.

Để bước vào hành trình dạy con tỉnh thức, đừng cố đột ngột thay đổi 180 độ. Bậc phụ huynh tỉnh táo nhặt nhạnh mỗi nơi một chút với tâm niệm rằng một sự dịch chuyển nhỏ trong không khí gia đình có sức mạnh làm cả gia đình tỉnh thức hơn.

Vậy nên, bạn hãy nhớ rằng cách dạy con tỉnh thức mà tôi đang mô tả là thứ mà ta đang “nhích” dần đến. Tôi muốn nhắc lại một lần nữa: sự thay đổi có thể diễn ra ngay khoảnh khắc này, và ngay trong những tình huống đời thường nhất

Trích "Làm cha mẹ tỉnh thức