Hoàn thiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài chính

Về cơ bản, trong ngành tài chính, các hành vi VPHC phát sinh chủ yếu trong các lĩnh vực hải quan, thuế, chứng khoán

Pháp luật chung xử lý vi phạm hành chính của Việt Nam

Căn cứ Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 trên tinh thần quán triệt quan điểm thực hiện “đơn giản hóa và công khai, minh bạch các thủ tục hành chính, đặc biệt là các thủ tục liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân và doanh nghiệp”, Luật Xử lý VPHC năm 2012 đã quy định về trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính, các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý VPHC, các quy định về trình tự, thủ tục lập hồ sơ, xem xét, quyết định áp dụng và thi hành các biện pháp xử lý hành chính...

Theo đó, các quy định nêu trên bước đầu đã bảo đảm tính công khai, minh bạch rất chặt chẽ, rõ ràng, hiệu quả, tạo thuận lợi, dễ dàng cho người dân nhận thức chấp hành pháp luật và lực lượng chức năng thực thi công vụ trong thực tiễn, tạo môi trường lành mạnh cho các doanh nghiệp phát triển.

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn những hạn chế, bất cập trong các quy định pháp luật về xử lý VPHC và áp dụng các biện pháp xử lý hành chính như thuật ngữ quy định còn mang tính định tính, chưa giải thích rõ ràng nên việc áp dụng chưa thống nhất; Vấn đề thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện VPHC bị giới hạn theo thẩm quyền phạt tiền, thẩm quyền xử phạt VPHC của một số chức danh; Hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện không có nơi cư trú ổn định…

Để khắc phục một số hạn chế, bất cập của Luật Xử lý VPHC năm 2012, Luật số 67/2020/QH14 ngày 13/11/2020 sửa đổi, bổ sung nội dung của 71/142 điều, sửa kỹ thuật 12/142 điều, bổ sung mới 02 điều, bãi bỏ nội dung liên quan đến 05 điều của Luật Xử lý VPHC, cụ thể: (i) Tăng mức phạt tiền tối đa của nhiều lĩnh vực; (ii) Bổ sung quy định mức phạt tiền tối đa của một số lĩnh vực (ví dụ: Tín ngưỡng; Đối ngoại: 30 triệu đồng; Cứu nạn, cứu hộ: 50 triệu đồng…); (iii) Bổ sung một số chức danh có thẩm quyền xử phạt (ví dụ, bổ sung thẩm quyền của Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, Trưởng Công an cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế…) ; (iv) Tăng thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính (07 ngày làm việc đối với vụ việc thông thường; 01 tháng đối với trường hợp phải giải trình); (v) Thay đổi thời hiệu xử phạt một số lĩnh vực (tăng thời hiệu 02 năm cho một số lĩnh vực); (vi) Bổ sung trường hợp phải tạm giữ người theo thủ tục hành chính...

Thực trạng pháp luật xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài chính

Những kết quả tích cực

Từ khi Luật Xử lý VPHC năm 2012 ban hành Nghị định số 81/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật được Chính phủ ban hành đến nay, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành tổng cộng 36 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có 21 Nghị định quy định xử phạt VPHC trong các lĩnh vực tài chính, ban hành 15 Thông tư hướng dẫn các nội dung liên quan xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực tài chính (bao gồm các văn bản sửa đổi, bổ sung và thay thế), cụ thể tại Bảng 2 dưới đây.

Việc khẩn trương trình Chính phủ ban hành các Nghị định và ban hành theo thẩm quyền các Thông tư của Bộ Tài chính đã giúp hoàn thiện hệ thống pháp luật xử phạt VPHC trong lĩnh vực tài chính, đáp ứng được các yêu cầu quản lý nhà nước, tạo hành lang pháp lý xử lý nghiêm các hành vi VPHC qua đó góp phần xây dựng, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về xử lý VPHC trong các lĩnh vực như: Kinh doanh bảo hiểm, xổ số; kế toán, kiểm toán độc lập; chứng khoán và thị trường chứng khoán; quản lý giá, lệ phí, hóa đơn; thuế, xuất nhập khẩu... Các văn bản quy phạm pháp luật về xử phạt VPHC trong lĩnh vực tài chính nêu trên đã thiết lập hành lang pháp lý tương đối đầy đủ, cho công tác xử lý VPHC trong lĩnh vực tài chính.

Căn cứ các quy định nêu trên, các đơn vị có thẩm quyền xử phạt VPHC trong ngành Tài chính đã nghiêm túc triển khai, thực hiện và đạt được một số kết quả nhất định. Cụ thể:

- Từ ngày 01/7/2013 đến ngày 31/3/2017, các cấp có thẩm quyền đã ban hành 574.981 quyết định xử phạt với tổng số tiền phạt khoảng 8.480.473.867.844 đồng;

- Năm 2018: các cấp có thẩm quyền đã ban hành 153.212 quyết định xử phạt với tổng số tiền phạt khoảng 2.661.588,5 triệu đồng.

- Năm 2019: Tổng số đối tượng bị xử phạt là 269.455 đối tượng; tổng số tiền phạt thu được: 3.348.091 triệu đồng.

- Năm 2020: Tổng số đối tượng bị xử phạt là 271.694; tổng số tiền phạt thu được 3.866.928 triệu đồng...

Một số hạn chế về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài chính

Thứ nhất, các quy định của Luật Xử lý VPHC:

Trong quá trình triển khai Luật Xử lý VPHC, Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý VPHC (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 97/2017/NĐ-CP), có một số vướng mắc như:

Về quy định xử phạt VPHC không lập biên bản: Điều 56 và Điều 58 Luật Xử lý VPHC có quy định xử phạt VPHC không lập biên bản và trường hợp lập biên bản VPHC. Theo pháp luật xử lý VPHC trong lĩnh vực thuế thì hành vi VPHC về chậm nộp hồ sơ khai thuế, hồ sơ đăng ký thuế, chậm thông báo thay đổi thông tin trong hồ sơ đăng ký thuế... thuộc trường hợp phải xử phạt VPHC theo thủ tục lập biên bản VPHC, cơ quan thuế phải lập biên bản VPHC, gửi đơn vị ký biên bản để ra quyết định xử phạt VPHC. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các đơn vị thực hiện gửi tờ khai thuế, báo cáo cho cơ quan thuế qua mạng. Khi các đơn vị gửi tờ khai thuế, các loại báo cáo nêu trên chậm so với quy định thì hành vi vi phạm, thời điểm chậm nộp để tính số ngày chậm nộp so với quy định đã rõ ràng, trường hợp đơn vị không ký biên bản VPHC gửi lại cơ quan thuế thì cơ quan Thuế vẫn ban hành Quyết định xử phạt VPHC theo quy định. Do vậy, để giảm bớt thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho cơ quan thuế trong quá trình xử phạt VPHC, cần thiết xử phạt VPHC không lập biên bản đối với các hành vi vi phạm nêu trên.

Về quyền xử phạt của Giám đốc KBNN cấp huyện: Luật Xử lý VPHC không quy định thẩm quyền xử phạt cho Giám đốc KBNN cấp huyện. Để xử lý kịp thời, tiết kiệm được thời gian, chi phí nhằm góp phần thực hiện công tác cải cách hành chính tốt hơn, cần thiết bổ sung thẩm quyền xử phạt cho Giám đốc KBNN cấp huyện.

Về giải trình đối với các hành vi vi phạm của tổ chức: Việc giải trình chỉ được thực hiện với các hành vi vi phạm của tổ chức là mức 30 triệu đồng (theo quy định tại Khoản 1 Điều 61 Luật Xử lý VPHC) thì đơn vị mới được giải trình là quá cao, chưa hợp lý và khó có căn cứ để xác định được các tình tiết tăng nặng, giảm nhé. Vì vậy, đề nghị cần giảm mức được giải trình đối với các hành vi vi phạm của tổ chức.

Thứ hai, trong thực tiễn thi hành:

- Hiện nay, nhiều doanh nghiệp liên tục gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp xây dựng chưa được nhà nước thanh toán nguồn vốn xây dựng cơ bản; một số doanh nghiệp sau khi có Quyết định xử phạt VPHC đã giải thể, người nộp thuế không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký thuế. Vì vậy, điều này ảnh hưởng đến việc thi hành các Quyết định xử phạt VPHC.

- Việc phối hợp giữa các cấp, các ngành chưa được chặt chẽ và thường xuyên trong việc trao đổi thông tin, hỗ trợ nghiệp vụ...nhất là trong hoạt động thanh kiểm tra thuế, chống các hành vi gian lận trốn thuế dẫn đến ảnh hưởng hiệu quả thanh tra, kiểm tra xử lý VPHC.

- Cần có hướng dẫn về việc cưỡng chế thi hành, kiểm tra việc thực hiện, chấp hành Quyết định xử phạt VPHC của tổ chức, cá nhân bị xử phạt VPHC trong lĩnh vực bảo hiểm.

Đặc thù của pháp luật xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài chính

Thứ nhất, các văn bản quy phạm pháp luật xử lý VPHC trong lĩnh vực tài chính ngoài việc quy định chi tiết Luật Xử lý VPHC phải hướng dẫn các quy định liên quan đến pháp luật chuyên môn (thuế, hải quan, chứng khoán, bảo hiểm, giá, kiểm toán, kế toán...). Các hành vi VPHC được xây dựng trên cơ sở các quy định cấm của pháp luật chuyên ngành (như: Luật Quản lý thuế, Luật Hải quan, Luật Chứng khoán...) nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thứ hai, về cơ bản, trong ngành tài chính, các hành vi VPHC phát sinh chủ yếu trong các lĩnh vực hải quan, thuế, chứng khoán. Các lĩnh vực khác như kho bạc nhà nước, giá, kế toán, kiểm toán, bảo hiểm có phát sinh các hành vi VPHC như vi phạm kiểm soát chi, triển khai sản phẩm bảo hiểm sức khỏe không theo quy định của pháp luật... nhưng không nhiều.

Thứ ba, các VPHC trong lĩnh vực tài chính có nhiều hành vi về vi phạm về thủ tục như chậm, muộn kê khai (thuế), không công bố thông tin theo quy định của pháp luật (chứng khoán)...Việc xử phạt các hành vi về thủ tục nêu trên cần sự rà soát bằng nhiều phương tiện (hồ sơ giấy, hồ sơ điện tử) của công chức quản lý nhà nước, theo đó, kịp thời lập biên bản VPHC để ban hành quyết định xử phạt VPHC đúng thời hạn.

Giải pháp hoàn thiện pháp luật xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài chính

Quá trình tổng kết, kiểm tra công tác xử phạt VPHC trong một số lĩnh vực thuộc ngành Tài chính cũng như xét đến những đặc thù riêng của Ngành cho thấy, cần thiết phải đẩy mạnh các giải pháp: (i) Điện tử hóa, công nghệ thông tin hóa công tác xử phạt, (ii) Rút gọn thủ tục trong xử phạt VPHC thuế và (iii) Quy phạm hóa các hành vi VPHC mới phát sinh để tạo hành lang pháp lý cho xử phạt VPHC trong lĩnh vực tài chính, cụ thể:

Thứ nhất, điện tử hóa, công nghệ thông tin hóa công tác xử phạt.

Thực tiễn cho thấy, cần phải có quy định thủ tục xử phạt hành chính phù hợp với việc xây dựng Chính phủ điện tử và xu hướng tiến bộ của Cách mạng công nghiệp 4.0 theo hướng các giao dịch dưới hình thức điện tử và chứng từ điện tử được quy định như chứng từ gốc để đảm bảo hiệu quả và pháp lý trong xử phạt VPHC qua hình thức điện tử (Ví dụ: khai, nộp thuế điện tử; kiểm soát chi qua KBNN...).

Thứ hai, rút gọn thủ tục trong xử phạt VPHC thuế.

Từ thực tiễn cho thấy, phần lớn các cuộc kiểm tra và thanh tra thuế đều phát hiện người nộp thuế có hành vi vi phạm về thuế. Trong những trường hợp này, công chức thuế vừa phải lập biên bản kiểm tra thuế và ban hành quyết định xử lý vi phạm về thuế qua kiểm tra việc chấp hành pháp luật về thuế theo Luật Quản lý thuế, vừa phải lập biên bản VPHC và ban hành quyết định xử phạt VPHC về thuế theo Luật Xử lý VPHC.

Theo đó, để cải cách thủ tục hành chính cho người nộp thuế (có VPHC) thì giải pháp đề xuất là lồng ghép các mẫu biểu trùng với nhau như: gộp biên bản kiểm tra thuế với biên bản xử lý VPHC, gộp biên bản thanh tra thuế với biên bản xử lý VPHC, gộp quyết định xử lý sau kiểm tra thuế với quyết định xử phạt VPHC, quyết định xử lý sau thanh tra thuế với quyết định xử phạt VPHC. Các biên bản và quyết định này vẫn bao gồm đầy đủ các nội dung chính theo quy định của Luật Quản lý thuế, Luật Xử lý VPHC.

Thứ ba, quy phạm hóa các hành vi VPHC mới phát sinh để tạo hành lang pháp lý cho xử phạt VPHC trong lĩnh vực tài chính.

Cần sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về xử phạt VPHC trong lĩnh vực tài chính nhằm đảm bảo phù hợp các nội dung mới được sửa đổi, bổ sung tại Luật số 67/2020/QH14. Đồng thời, nghiên cứu các vướng mắc, bất cập trong triển khai thực hiện các quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực tài chính để quy định đảm bảo thống nhất trong pháp luật xử phạt VPHC nói chung và các văn bản quy phạm pháp luật xử phạt VPHC trong lĩnh vực tài chính nói riêng...

Tài liệu tham khảo:

1. Báo cáo tổng kết Luật Xử lý vi phạm hành chính của Bộ Tài chính kèm theo Công văn số 9764/BTC-PC ngày 24/7/2017;

2. Bùi Tiến Đạt (2008), Pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính: Lý luận và thực tiễn, Luận văn thạc sỹ, Đại học Quốc gia Hà Nội;

3. Nguyễn Cảnh Hợp (chủ biên) (2017), Bình luận khoa học Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, NXB Hồng Đức;

4. Nguyễn Thanh Bình (1994), Vi phạm hành chính và một số quy định hiện hành về hành vi vi phạm hành chính, NXB Công an nhân dân

(*) Bài viết thể hiện quan điểm, chính kiến riêng của tác giả.

ThS. Phạm Quang Huy, Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính)

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 4/2021