'Hoa Lang Biang' của nhà thiết kế K'Jona 'bay' trên đường phố Đà Lạt

Sự kiện do Ủy ban nhân dân phường 1 và phường 2, thành phố Đà Lạt phối hợp Stop And Go Art Space tổ chức.

Theo Ban tổ chức, đây là lần đầu Street Fashion Show được tổ chức trên “Cung đường nghệ thuật Đà Lạt”, dự án chính thức khai trương tháng 11/2023, chào mừng kỷ niệm 130 năm Đà Lạt hình thành và phát triển (1893-2023).

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng Trần Thanh Hoài (bìa trái) tặng sách về văn hóa Tây Nguyên cho đại diện Stop And Go Art Space và nhà thiết kế K'Jona.

Dalat Street Fashion Show giới thiệu đến công chúng bộ sưu tập mang tên Bơkau Lang Labiang (Hoa Lang Biang), với gần 50 mẫu thiết kế của nhà thiết kế K’Jona.

Đồng hành cùng Dalat Street Fashion Show có sự tham gia của Makeup Artist Quang Louis, Makeup Artist Quỳnh Nguyễn, các người mẫu tại Học viện Văn hóa nghệ thuật Sunflower, cùng những người mẫu không chuyên là người Đà Lạt, đồng bào dân tộc thiểu số Nam Tây Nguyên.

Chia sẻ tại buổi trình diễn, K’Jona cho biết, Jona Fashion House hân hạnh giới thiệu đến công chúng bộ sưu tập thời trang đường phố độc đáo, kết hợp chất liệu vải thổ cẩm và hoa văn truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số bản địa Nam Tây Nguyên. Qua đó, mong muốn quảng bá sản phẩm thổ cẩm truyền thống, giúp mọi người hiểu hơn về vùng đất, con người và văn hóa truyền thống trên cao nguyên Lang Biang huyền thoại.

Qua bộ sưu tập Bơkau Lang Labiang, nhà sáng tạo thời trang gửi gắm thông điệp truyền tải nét đẹp mộc mạc của những chàng trai, cô gái miền sơn cước; với những sản phẩm thời trang công sở, dạo phố, dạ hội và thời trang trẻ em.

Thời trang vẫn là thời trang, thổ cẩm vẫn là thổ cẩm, như cách tư duy thông thường. Nhưng qua sáng tạo của K'Jona, những bộ trang phục công sở, dạ hội, dạo phố… có thêm “ngôn ngữ” thổ cẩm trở nên đặc biệt, bắt nhịp xu hướng thời trang hiện đại, đồng thời ẩn chứa tinh thần văn hóa dân tộc.

Qua sự sáng tạo của K’Jona, thổ cẩm truyền thống của các dân tộc thiểu số Nam Tây Nguyên đã trở nên mềm mại, thu hút sự chú ý của giới mộ điệu thời trang.

Nhiều người dự khán cho rằng, Bơkau Lang Labiang mang dáng vẻ hiện đại, trẻ trung, nhưng vẫn hàm chứa nét văn hóa đặc trưng của miền đất Nam Tây Nguyên.

Để có được những tác phẩm thời trang trong bộ sưu tập Bơkau Lang Labiang, nhà thiết kế K’Jona đã khéo léo kết hợp hài hòa, tinh tế giữa thời trang hiện đại và hoa văn phong phú của thổ cẩm truyền thống người: Cơ Ho, Mạ, Chu Ru, Mnông…

Sự kết hợp giữa bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số Nam Tây Nguyên và thời trang hiện đại đã làm cho Bơkau Lang Labiang gần hơn với thực tiễn, mang tính ứng dụng cao, phù hợp thị hiếu thời trang đương đại.

Dalat Street Fashion Show thu hút đông đảo người xem, gồm người dân địa phương, du khách trong nước và nước ngoài.

Sự trẻ trung, năng động được thể hiện qua những bộ thời trang cách tân hiện đại, những đường cắt tinh tế giữ được vẻ thuần khiết và tạo phong cách riêng cho người sử dụng.

Với trang phục trẻ em, K’Jona khéo léo kết hợp chất liệu voan ren lưới và những họa tiết hoa văn thổ cẩm nhẹ nhàng.

Với tông đỏ chủ đạo, đã làm không gian phố núi tươi vui hơn, nhất là khi Tết Nguyên đán 2024 đang đến gần.

“Cung đường nghệ thuật Đà Lạt” với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, có tính sáng tạo cao và trở thành điểm đến hấp dẫn, không gian giao lưu độc đáo cho người dân địa phương và du khách.

Bộ sưu tập Bơkau Lang Labiang còn mang đến người xem những bộ trang phục khỏe khoắn, năng động, phóng khoáng cho giới mày râu.

Lấy cảm hứng và ý tưởng sáng tạo từ văn hóa bản địa, K’Jona đã chắp cánh vẻ đẹp đặc sắc của thổ cẩm Tây Nguyên qua sản phẩm thời trang mang tính ứng dụng.

Những chiếc áo cưới qua sáng tạo của nhà thiết kế đã “bật” lên sức sống mới, thu hút những đôi uyên ương trong những buôn làng và những người yêu thời trang thổ cẩm.

Trong khuôn khổ Dalat Street Fashion Show, diễn ra chương trình biểu diễn của các ban nhạc đường phố, cùng những tiết mục độc tấu saxophone, violin của các nghệ sĩ trong nước và nước ngoài.

Thổ cẩm, tinh hoa nghề dệt thủ công truyền thống xưa nay chỉ gắn bó theo suốt vòng đời của cư dân bản địa. Bây giờ, nhờ những nhà thiết kế thời trang, giá trị văn hóa và vật chất của thổ cẩm đã được nâng tầm.

Từ Bơkau Lang Labiang, K’Jona đặt niềm tin, thời trang thổ cẩm sẽ “đánh thức” những làng dệt thổ cẩm truyền thống, sản phẩm thổ cẩm sẽ “bay” cùng thời trang hiện đại.

K'Jona và những mẫu thiết kế của anh tại cửa hiệu Jona Bridal.