Hiện thực hóa Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh - Kỳ 1

KỲ 1: GỠ “NÚT THẮT” VỀ HẠ TẦNG GIAO THÔNG

Tuyến tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh được xác định là trục động lực để Cao Bằng đột phá phát triển KT - XH và bảo đảm quốc phòng - an ninh trên tuyến biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Vì vậy, hơn bao giờ hết, tỉnh rất cần có đường cao tốc để gỡ “nút thắt”, tạo thuận lợi cho thông thương, kết nối, đánh thức tiềm năng, lợi thế về kinh tế biên mậu, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao...

Thực trạng giao thông của tỉnh

Với hơn 333 km đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc, Bằng có vị trí chiến lược quan trọng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, tỉnh có rất nhiều lợi thế để phát triển KT - XH như du lịch, kinh tế biên mậu, nông nghiệp công nghệ cao… Song, nhiều năm nay, Cao Bằng vẫn là tỉnh “3 không” về giao thông (không sân bay, không đường sắt, không cảng biển), đường bộ vẫn là loại hình giao thông duy nhất.

Về quy mô, chất lượng các tuyến đường, nhìn tổng thể hạ tầng giao thông, toàn tỉnh hiện có 6 tuyến quốc lộ (QL) với tổng chiều dài 714 km đi qua (QL3, QL34, QL34B, QL4A, QL4C, đường Hồ Chí Minh); các tuyến QL cơ bản mới đạt quy mô cấp IV, V miền núi, mặt đường rộng 5,5 m được thiết kế với trọng tải và lưu lượng xe hạn chế… Các tuyến đường tỉnh, đường huyện cơ bản được nâng cấp, sửa chữa, đạt tiêu chuẩn cấp IV; đường ra cặp chợ biên giới được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đường đến trung tâm xã; đường xã, đường liên thôn, liên xóm được bê tông hóa, nhiều nơi tối thiểu đạt loại B giao thông nông thôn. Vì vậy, hiện nay, Cao Bằng là điểm trũng của cả nước về giao thông. Việc hạ tầng giao thông xuống cấp, thiếu đồng bộ ảnh hưởng đến phát triển KT - XH của địa phương, tiêu thụ nông sản qua địa bàn.

Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh cho biết: Mặc dù tỉnh có rất nhiều điều kiện thuận lợi trong phát triển kinh tế với hơn 333 km đường biên giới tiếp giáp Trung Quốc cùng nhiều cặp cửa khẩu song phương, cửa khẩu quốc tế, lối mở; tài nguyên thiên nhiên phong phú, điều kiện tự nhiên thích hợp phát triển kinh tế nông nghiệp và nhiều địa danh du lịch nổi tiếng. Nhưng do địa hình chia cắt mạnh, hạ tầng giao thông xuống cấp, thiếu đồng bộ, kết nối vùng, miền, chưa có tuyến cao tốc đi qua. Trong khi nguồn ngân sách eo hẹp, mọi hoạt động chủ yếu của tỉnh dựa vào hỗ trợ của Trung ương nên rất hạn chế trong việc đầu tư thực hiện các dự án giao thông và chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ so với nhu cầu. Những nguyên nhân trên làm hạn chế hoạt động thông thương kinh tế, thu hút đầu tư từ bên ngoài vào tỉnh. Việc kết nối giao thương hàng hóa giữa các vùng, miền, địa phương trong tỉnh gặp nhiều khó khăn.

Đơn cử, tuyến QL3 - một trong những tuyến đường huyết mạch của quốc gia chạy qua địa bàn tỉnh chỉ là đường cấp 4 miền núi nhỏ hẹp, quanh co, đèo dốc. Các tuyến QL4A, QL34, đường tỉnh chỉ là đường cấp IV, V miền núi, thường xuyên xảy ra sạt lở, xuống cấp. Để đi từ trung tâm tỉnh đến huyện khó khăn như Bảo Lâm 180 km mất khoảng hơn 6 giờ. Từ Cao Bằng muốn tiếp cận các trung tâm chính trị, KT - XH lớn của đất nước không có lựa chọn nào khác ngoài hệ thống giao thông đường bộ với 2 tuyến QL3 (Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng) và QL 4A (Hà Nội - Lạng Sơn - Cao Bằng), thời gian di chuyển từ 7 - 8 giờ, qua những khu vực địa hình quanh co, hiểm trở. Vì vậy, hơn bao giờ hết, tỉnh rất cần có đường cao tốc để thông thương, đánh thức tiềm năng phát triển KT - XH.

Tuyến cao tốc sẽ mở cánh cửa giao thương

Nằm ở vị trí cửa ngõ giao thương hàng hóa từ Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây và các tỉnh Tây, Tây Nam (Trung Quốc) ra biển và đến các nước ASEAN, Cao Bằng có tiềm năng về phát triển kinh tế cửa khẩu, nhất là thương mại và dịch vụ. Hiện nay, Cao Bằng có cặp cửa khẩu quốc tế Trà Lĩnh - Long Bang; 3 cặp cửa khẩu chính (song phương): Cửa khẩu Quốc tế Tà Lùng (Quảng Hòa), Cửa khẩu Sóc Giang (Hà Quảng), Cửa khẩu Lý Vạn (Hạ Lang) cùng hàng chục cửa khẩu lớn nhỏ và lối mở thông quan hàng hóa trên toàn tuyến biên giới giữa hai nước, tạo ra nhiều tiềm năng, lợi thế để trao đổi sản phẩm, hàng hóa, nhất là hàng nông sản… Theo quy hoạch cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh sẽ có thêm 2 cửa khẩu quốc tế: Lý Vạn (Việt Nam) - Thạc Long (Trung Quốc), Tà Lùng (Việt Nam) - Thủy Khẩu (Trung Quốc).

Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội đến Cao Bằng.

Trước triển vọng trên, Dự án đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh được kỳ vọng sẽ mở cánh cửa giao thương tiếp giáp với Trung Quốc, sớm đưa Cao Bằng trở thành cửa ngõ kết nối các tỉnh phía Tây Nam (Trung Quốc) với các tỉnh lân cận Cao Bằng - Lạng Sơn - Hà Nội đi Hải Phòng; các tỉnh phía Nam Việt Nam kết nối với các tỉnh Bắc Kạn - Thái Nguyên - Hà Nội, kết nối với tỉnh Hà Giang - Tuyên Quang và các tỉnh phía Tây Bắc Việt Nam. Xa hơn, là hình thành tuyến vận tải hướng Nam kết nối ASEAN đi Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trùng Khánh, Tứ Xuyên, Quý Châu (Trung Quốc) sang Trung Á và châu Âu. Đồng thời, đảm bảo giao thương thuận lợi, nâng cao hiệu quả đầu tư kết cấu hạ tầng nói chung và hạ tầng kết nối khu vực nói riêng.

Bí thư Tỉnh ủy Trần Hồng Minh nhấn mạnh: Tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh là khát vọng bao đời nay của nhân dân các dân tộc Cao Bằng. Dự án hoàn thành sẽ giải quyết các vấn đề trọng tâm lớn cho tỉnh, nhất là vấn đề chính trị, bởi Cao Bằng có đến 95% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó hộ nghèo chiếm 24,71%; công tác giảm nghèo còn chậm, thiếu bền vững, tỷ lệ hộ cận nghèo tăng… Cao tốc hoàn thành sẽ là yếu tố then chốt để tỉnh thúc đẩy liên kết vùng, mở rộng không gian phát triển KT - XH, tạo cơ hội đột phá đưa Cao Bằng phát triển nhanh và bền vững, đáp ứng kỳ vọng, mong mỏi, khát vọng, niềm mơ ước của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc. Tạo động lực quan trọng để các địa phương trong khu vực đẩy mạnh giao thương, phát triển kinh tế cửa khẩu, du lịch, liên tỉnh, liên vùng và liên quốc gia.

Sau nhiều năm nỗ lực kiên trì theo đuổi, chuẩn bị các điều kiện cần và đủ cho dự án, ngày 1/1/2024, tại huyện Thạch An, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát động Lễ khởi công Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh. Thủ tướng yêu cầu các chủ thể liên quan tiếp tục tinh thần “vượt nắng thắng mưa”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, làm việc xuyên tết, xuyên ngày nghỉ, “3 ca, 4 kíp”, chỉ bàn tiến, không bàn lùi và đề nghị xây dựng tuyến đường với tinh thần chiến thắng Đông Khê, phấn đấu cuối năm 2025, đầu năm 2026 thông xe toàn tuyến giai đoạn 1, hơn 93/121 km toàn tuyến.

Hiện nay, tỉnh đang phối hợp với nhà đầu tư chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ đền bù giải phóng mặt bằng. Tại địa phận huyện Thạch An, đến ngày 10/4/2024, nhiều hạng mục nền đường, mặt bằng cao tốc thuộc địa phận xã Đức Xuân, Thụy Hùng và thị trấn Đông Khê được các đơn vị thi công triển khai rầm rộ. Từ đó lan tỏa, nhân rộng ra các đoạn tuyến khác, góp phần đáp ứng tiến độ chung toàn dự án, tạo động lực quan trọng trong phát triển KT - XH của địa phương, của tỉnh.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) là công trình thuộc nhóm A được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tháng 8/2020 theo hình thức đối tác công tư PPP. Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Quyết định số 20/QĐ-TTg ngày 16/1/2023 với chiều dài toàn tuyến khoảng 121 km, tổng vốn đầu tư hơn 23.000 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 có chiều dài 93,35 km, điểm đầu tại tại nút giao Cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng (Lạng Sơn) và điểm cuối tại nút giao với QL3 thuộc xã Chí Thảo, huyện Quảng Hòa (Cao Bằng). Tuyến được thiết kế theo tiêu chuẩn TCVN 5729-2012, vận tốc thiết kế 80 km/giờ gồm 4 làn đường xe cơ giới; bề rộng mặt cắt ngang nền đường 17 m đối với các đoạn thông thường và 13,5 m đối với các đoạn phức tạp. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 14.300 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2026.

Kỳ 2: Gỡ khó cơ chế vốn cho dự án

Thái Hà