Hãy xứng đáng với danh hiệu được tôn vinh

Nhà nước phong tặng danh hiệu NSND và NSƯT từ năm 1984 đến 2019, qua 9 đợt, đến nay đã có 451 NSND và 1.675 NSƯT. Danh hiệu NSND, NSƯT đều là những danh hiệu cao quý đối với những cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Tiêu chuẩn để xét duyệt 2 danh hiệu này có sự khác biệt đáng kể nhưng chung tiêu chuẩn là: 1. Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; điều lệ, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, địa phương; 2. Có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong cuộc sống, tận tụy với nghề; có tài năng nghệ thuật xuất sắc, tiêu biểu cho ngành, nghề nghệ thuật; có uy tín nghề nghiệp; được đồng nghiệp và Nhân dân mến mộ.

Ảnh mang tính minh họa (Ảnh internet)

Thật đáng trách khi một bộ phận "người của công chúng" đã thể hiện bản thân vì lợi ích cá nhân mà trở nên xấu xí trong mắt khán giả khi liên tục hành xử và phát ngôn kém văn minh, như: Nói tục trên mạng xã hội; bới móc, nói xấu đồng nghiệp; lợi dụng sự mến mộ của công chúng để nhận những quảng cáo sai sự thật, có khi gây hại cho người sử dụng vật phẩm mà họ quảng cáo; lợi dụng danh xưng là "người của công chúng" vận động Nhân dân làm từ thiện, đóng góp tiền của để cứu trợ đồng bào bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh nhưng lại sử dụng vào việc khác hoặc trì hoãn chậm chuyển đến cho đồng bào bị nạn. Nguy hại ở chỗ, thái độ của họ có thể ảnh hưởng đến nhận thức của số đông, nhất là giới trẻ.

Hình ảnh của người nghệ sĩ không chỉ nằm ở sản phẩm hay những yếu tố mang tính chuyên môn mà còn cần nhiều hơn thế, cả những yêu thương, bao dung, chia sẻ, nhân văn với cuộc đời, cộng đồng và xã hội. Nghệ sĩ biểu diễn thường là những người có ảnh hưởng xã hội, uy tín cá nhân. Nhiều người đã dùng lợi thế đó để lan tỏa những điều tốt đẹp trong cộng đồng, như: Lan tỏa lối sống đẹp, tinh thần trách nhiệm với cộng đồng cũng như những phần việc thiết thực, hiệu quả khác…

Là người của công chúng, nghệ sĩ phải tỉnh táo để giữ vững chính mình. Sự cương trực, không thỏa hiệp để không làm vấy bẩn hình ảnh của mình hoặc tạo ra những scandal, chiêu trò... một cách vô bổ. Những giá trị đích thực luôn được đón nhận đúng đắn. Do vậy, với việc gìn giữ hình ảnh được đúng mực nhất, người nghệ sĩ cần đặt ra những giới hạn cho chính mình để đừng bước qua. Bác Hồ đã từng nói: "… Mỗi con người ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân".

Lời của Bác thực sự là một chân lý phản ảnh đúng thực tiễn và đã được thực tiễn kiểm nghiệm không phải chỉ ở nước ta mà còn ở nhiều nơi trên thế giới. Nó mãi mãi là lời cảnh tỉnh có ý nghĩa sâu xa đối với mỗi người được gọi là người của công chúng. Và để xứng đáng với danh hiệu là nghệ sĩ của Nhân dân, họ cần rèn luyện để có những sáng tạo trong chuyên môn và vững vàng về chính trị, trong sáng về đạo đức, có lối sống lành mạnh để xứng đáng với danh hiệu đã được Nhà nước tôn vinh, trao tặng. Công chúng mong mỏi ở nghệ sĩ không chỉ tài năng mà còn là sự tôn trọng các giá trị văn hóa, đạo đức và một phong cách chuẩn mực nghệ thuật vị nhân sinh.

Trần Công Huyền