Hạt nhân khuấy động phong trào văn hóa cơ sở

“Vui cho mình, đẹp cho đời”

77 tuổi, 25 năm gắn bó với Câu lạc bộ Dân ca và Nhạc cổ truyền thuộc Trung tâm Văn hóa thành phố Hà Nội, Phó Chủ nhiệm Trần Mạnh Hùng không nhớ mình đã tham gia bao nhiêu chương trình văn hóa, văn nghệ, nhưng cảm xúc khi mang vốn âm nhạc dân tộc đến với mọi người vẫn cứ vẹn nguyên niềm hạnh phúc. Câu lạc bộ Dân ca và Nhạc cổ truyền hiện có hơn 30 thành viên, chủ yếu đã ngoài 50 tuổi, cùng đam mê làn điệu cổ như chèo, quan họ, dân ca, hát văn…

Ông Trần Mạnh Hùng chia sẻ: “Chúng tôi thường đi diễn ở các hội làng, góp mặt trong chương trình kỷ niệm của các phường, quận… Chúng tôi dựng các trích đoạn tích chèo cổ như Quan Âm Thị Kính, Lưu Bình - Dương Lễ, Hội làng Mai trong Tấm Cám… và truyền dạy cho lớp trẻ để vốn văn hóa cổ truyền không bị lai căng. Câu lạc bộ đã nhiều người lớn tuổi nhưng mỗi lần được biểu diễn ai nấy đều cảm thấy vui, khỏe khoắn, tươi trẻ hẳn ra. Mới nói làm vui cho mình, làm đẹp cho đời chính là như vậy”.

Các câu lạc bộ được ví như hạt nhân khuấy động phong trào văn hóa nghệ thuật của Thủ đô. Ảnh: Thái Minh

Tâm huyết làm đẹp cho đời từ vốn văn hóa truyền thống cũng là điều thôi thúc các thành viên Câu lạc bộ Ca múa nhạc dân tộc Hồng Hà duy trì sinh hoạt từ năm 2010 đến nay. Theo Chủ nhiệm Đỗ Lê Thanh: “Chúng tôi là những người không chuyên, cùng hội tụ vì niềm đam mê văn nghệ, với mục tiêu gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc và nâng cao chuyên môn khi thể hiện ca khúc mang âm hưởng dân gian đương đại. Chúng tôi tham gia các chương trình biểu diễn giao lưu văn hóa văn nghệ với các câu lạc bộ khác để phục vụ quần chúng Thủ đô, cũng là mang lại giá trị bổ ích cho cuộc sống thêm ý nghĩa”.

Không riêng Câu lạc bộ Dân ca và Nhạc cổ truyền hay Câu lạc bộ Ca múa nhạc dân tộc Hồng Hà, nhiều câu lạc bộ khác trên địa bàn thành phố Hà Nội đang hoạt động tích cực. Tính riêng hệ thống câu lạc bộ trực thuộc Trung tâm Văn hóa thành phố Hà Nội, hiện có 18 câu lạc bộ tại chỗ, gần 20 câu lạc bộ vệ tinh hoạt động trên khắp các quận, huyện… đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa nghệ thuật của Nhân dân. Một số câu lạc bộ đã ghi dấu tên tuổi trong lòng công chúng như Câu lạc bộ Ca trù Hà Thành, Câu lạc bộ Tiếng hát thương binh Thủ đô, Câu lạc bộ Hát văn và hát Chầu văn Hà Nội, Câu lạc bộ Dân ca và Nhạc cổ truyền… Các câu lạc bộ này thường xuyên biểu diễn, giao lưu phục vụ Nhân dân trên địa bàn Hà Nội vào dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện trọng đại của Thủ đô và đất nước.

Làm giàu văn hóa Thủ đô

Không chỉ tạo ra sân chơi cho những ai yêu mến các loại hình văn hóa, nghệ thuật và đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn nghệ của công chúng, trên thực tế, nhiều câu lạc bộ đã thực sự trở thành nòng cốt trong cuộc bảo tồn, lan tỏa tinh hoa nghệ thuật trên mảnh đất kinh kỳ. Nghệ nhân ưu tú Vân Mai cho biết với nghệ thuật ca trù, việc duy trì câu lạc bộ gặp rất nhiều khó khăn, tuy nhiên, Câu lạc bộ Ca trù Hà Thành chính là mảnh đất để nuôi dưỡng nghệ thuật tinh hoa của dân tộc không bị mai một, thất truyền.

Suốt những năm qua, Câu lạc bộ Ca trù Hà Thành đều đặn biểu diễn, giới thiệu ca trù vào tối thứ Bảy hàng tuần tại Đình Bích Câu và mở lớp dạy miễn phí các thể cách hát ca trù vào sáng Chủ nhật hàng tuần. “Từ đây, Nhân dân Thủ đô và du khách được tiếp xúc với bộ môn nghệ thuật cổ truyền, để thêm yêu, thêm hiểu về giá trị mà ông cha để lại. Cũng từ đây, lớp trẻ được làm quen với loại hình âm nhạc đặc sắc, có điều kiện để tập luyện, nâng cao kỹ năng thông qua nắm bắt các thể cách của ca trù. Tham gia câu lạc bộ, cùng biểu diễn, thực hành nghệ thuật… mang lại ý nghĩa đối với ca nương, nghệ sĩ của câu lạc bộ. Đó cũng là cách lan tỏa giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội, mang lại giá trị trên con đường bảo tồn, gìn giữ nghệ thuật ca trù”.

Thông qua hoạt động của các câu lạc bộ văn nghệ, quần chúng Nhân dân có điều kiện tiếp xúc với các loại hình văn hóa, nghệ thuật, thưởng thức các tác phẩm do chính người dân ở cộng đồng dân cư thể hiện. Từ đó, phong trào văn hóa nghệ thuật ở cơ sở có điều kiện phát triển, tạo khí thế phấn khởi trong Nhân dân. Nhận định như vậy, Giám đốc Trung tâm Văn hóa thành phố Hà Nội Lý Thị Thúy Hạnh cho rằng, sự tham gia, hưởng ứng nhiệt tình của các câu lạc bộ chính là điều kiện quan trọng để phong trào văn hóa nghệ thuật của Thủ đô khởi sắc.

“Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở thông qua phát triển phong trào nghệ thuật quần chúng là điều thành phố Hà Nội đặc biệt chú trọng. Trong đó, các câu lạc bộ được ví như hạt nhân lan tỏa phong trào đến từng địa bàn dân cư, từng đơn vị, tổ chức… để khơi dậy, khuấy động đời sống văn hóa cơ sở. Đây chính là món quà tinh thần đối với các tầng lớp Nhân dân, là sự bồi đắp tích cực, làm giàu nền văn hóa Hà Nội trong đời sống đương đại, giúp Hà Nội trở thành một trong những hình mẫu về xây dựng, phát triển đời sống văn hóa cơ sở”, bà Lý Thị Thúy Hạnh nói.

Thái Minh