Hà Nội: Siết chặt kiểm soát đối với cá tầm nhập khẩu dùng làm thực phẩm

Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố về việc kiểm soát nhập khẩu cá tầm thương phẩm dùng làm thực phẩm; mặt khác nhằm kiểm soát chặt chẽ đối với cá tầm nhập khẩu dùng làm thực phẩm, đồng thời, ngăn chặn kịp thời có hiệu quả đối với hành vi gian lận thương mại trong việc nhập khẩu thực phẩm cá tầm dừng làm thực phẩm, Sở Công Thương đã đề nghị các cơ sở nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm lĩnh vực công thương trên địa bàn thành phố chấp hành đúng, đầy đủ quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) theo quy định.

Hà Nội siết chặt kiểm soát đối với cá tầm nhập khẩu dùng làm thực phẩm

Các cơ sở nhập khẩu thực phẩm phải thường xuyên nắm bắt thông tin, yêu cầu nhà cung cấp sản phẩm cá tầm bảo đảm đầy đủ hồ sơ pháp lý về ATTP theo quy định; lưu trữ đầy đủ hồ sơ năng lực của nhà cung cấp, hồ sơ nguồn gốc xuất xứ sản phẩm cá tầm nhập khẩu; thực hiện đầy đủ các thủ tục kiểm tra nhà nước đối với thực phẩm nhập khẩu theo quy định; thực hiện tự công bố sản phẩm theo đúng các quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm đối với thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn.

Bên cạnh đó, các cơ sở kinh doanh thực phẩm nhập khẩu chỉ kinh doanh sản phẩm cá tầm nhập khẩu dùng làm thực phẩm của các cơ sở có đầy đủ hồ sơ pháp lý về ATTP theo quy định (đăng ký kinh doanh, giấy xác nhận kiến thức, giấy xác nhận tập huấn kiến thức về ATTP, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, bản cam kết bảo đảm ATTP, giấy chứng nhận HACCP, ISO 22000...; có đầy đủ hồ sơ nguồn gốc xuất xứ sản phẩm (hợp đồng mua bán, hóa đơn, bản tự công bố sản phẩm...); sản phẩm thực phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định.

Sở Công Thương cũng đề nghị UBND các quận huyện thị xã thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở nhập khẩu, cơ sở kinh doanh sản phẩm cá tầm nhập khẩu dùng làm thực phẩm trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật về ATTP theo quy định.

Thu Hà