Gỡ điểm nghẽn tạo động lực tăng trưởng mới cho kinh tế 2024

Đây là sự kiện do Tạp chí Kinh tế Việt Nam (Vietnam Economic Times) phối hợp với ộ Ngoại giao tổ chức ngày 11/1, với chủ đề “Thúc đẩy cơ chế chính sách, thực thi mạnh mẽ các động lực tăng trưởng".

Kinh tế tư nhân còn gặp khó

Tại Diễn đàn, những nhận định, phân tích và đánh giá đa chiều về các yếu tố thuận lợi - khó khăn, cơ hội, thách thức đối với nền kinh tế và khu vực doanh nghiệp đã được các diễn giả chỉ ra; cũng như hiến kế và khuyến nghị hoạch định chính sách nhằm phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam...

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng cho rằng, trong bối cảnh 2024 là năm “tăng tốc” để hoàn thành cao nhất các mục tiêu có ý nghĩa rất quan trọng. "Cục diện đối ngoại rộng mở, thuận lợi chưa từng có hiện nay đã góp phần thu hút hiệu quả các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển. Theo đánh giá, thu hút FDI năm 2023 đạt 36,6 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ" - bà Nguyễn Minh Hằng nói.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng.

Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển.

Tìm động lực tăng trưởng mới, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cho biết, GDP Việt Nam năm 2023 tăng 5,05%, lạm phát 3,25% - thấp hơn mục tiêu đề ra. Song, tăng trưởng GDP thời gian qua có sự đóng góp chính, rất quan trọng của đầu tư công, trong khi đó đầu tư tư nhân còn rất thấp...

Qua việc triển khai báo cáo các bộ ngành, ông Nguyễn Đức Hiển thấy rằng các cơ chế chính sách đặc biệt cho khu vực kinh tế tư nhân còn rất nhiều rào cản, chính sách chưa đưa vào thực tiễn. Việc thúc đẩy các cơ chế chính sách nhằm tạo ra các động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế là vô cùng quan trọng.

“Từ câu chuyện này, thời gian tới cần động lực thúc đẩy đầu tư tư nhân thông qua hoạt động kích cầu đầu tư là vô cùng quan trọng” – vị này chỉ ra. Một vấn đề giải quyết trong dài hạn, năm 2023 kinh tế số, chuyển đối số đã đóng góp quan trọng vào nền kinh tế, quốc tế đánh giá tốc độ tăng của Việt Nam đạt 19% - cao nhất khu vực. Đóng góp của kinh tế số vào GDP cũng tăng, 16,5%...

Chuyên gia Kinh tế cấp cao của ân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Dorsati Madani nhìn nhận, trong nội tại, chúng tôi nhận thấy đầu tư tư nhân đang ở mức rất thấp. Cùng với đó là xu hướng chững lại trong chi tiêu của người tiêu dùng. Do đó, cần có nhiều chính sách để phục hồi kinh tế tư nhân, bên cạnh giao thương quốc tế, thương mại nội địa cũng phải được thúc đẩy.

Nhiều giải pháp đề ra

Bước sang năm 2024, theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, với phương châm “lấy người dân, địa phương, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”, phương hướng đối ngoại và ngoại giao kinh tế của Bộ sẽ tập trung vào các trọng tâm.

Các diễn gia tham gia tại sự kiện.

Một là, tranh thủ tối đa cục diện đối ngoại thuận lợi, đẩy mạnh đa phương hóa, đa dạng hóa, phát huy hiệu quả các khuổn khổ quan hệ vừa được nâng tầm trong năm 2023, nhất là triển khai tốt các thỏa thuận hợp tác đã đạt được, nhằm mở rộng không gian phát triển mới cho đất nước.

Hai là, ngoại giao kinh tế tiếp tục tận dụng tốt mạng lưới các Hiệp định thương mại tự do và các khuôn khổ hợp tác theo các ngành, lĩnh vực; thu hút ODA thế hệ mới, FDI chất lượng cao, góp phần hiện thực hóa 3 khâu đột phá chiến lược huy động nguồn lực quốc tế cho các quá trình tái cơ cấu, chuyển đổi nền kinh tế.

Ba là, phát huy mạnh mẽ vị thế mới của đất nước, chủ động đề xuất các sáng kiến trong các vấn đề toàn cầu và khu vực; lan tỏa “sức mạnh mềm” của Việt Nam qua ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại. Tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu, theo dõi sát tình hình, điều chỉnh chính sách của các nước, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn thông tin thiết thực, kịp thời.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu nêu bật 4 điểm nhấn chính sách cho thấy, quyết tâm hành động của Chính phủ và Quốc hội nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm nay.

Ngành công nghiệp hỗ trợ cũng rất cần cơ chế chính sách để phát triển.

Thứ nhất, về phương hướng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ đều nhấn mạnh ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô. Ở đây có các nhóm giải pháp như thúc đẩy kinh tế xanh, bền vững.

"Điểm mới là các động lực cho phát triển xanh và bền vững, yêu cầu vốn tín dụng tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi xanh và phát triển bền vững" - ông Phan Đức Hiếu chỉ ra. Bên cạnh đó, liên quan tới việc hoàn thiện thể chế, các Nghị quyết nhấn mạnh vấn đề an ninh năng lượng và thúc đẩy chuyển đổi năng lượng.

Thứ hai, các Nghị quyết của Chính phủ và Quốc hội đều nêu bật các giải pháp nhằm tận dụng những thành tựu lớn về ngoại giao kinh tế của năm qua. Trong đó, 2 nhóm giải pháp điểm nhấn là tiếp tục thúc đẩy công nghiệp chế biến chế tạo và đào tạo nguồn nhân lực.

Thứ ba, chú trọng ưu tiên thu hút FDI. Đáng chú ý, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế tối thiểu toàn cầu, song song với đó giao Chính phủ sớm thành lập quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thuế thu nhập bổ sung này. Đây là một điểm rất mới.

Cuối cùng và cũng quan trọng nhất để thực thi tất cả các nhiệm vụ, giải pháp này là chính sách hướng tới cộng đồng doanh nghiệp. Theo ông, trong Nghị quyết của Quốc hội nhấn mạnh rất nhiều đến Nghị quyết số 41 của Bộ Chính trị, theo đó thúc đẩy động lực của cộng đồng doanh nghiệp – đối tượng thực sự thực thi các giải pháp. Nghị quyết cũng yêu cầu phải thực thi một cách đầy đủ, quyết liệt và nhanh chóng để thúc đẩy động lực và mang lại cho cộng động doanh nghiệp một môi trường đầu tư an toàn, bền vững.

Việt Nam không chỉ thu hút các nhà đầu tư vào, mà cần đồng hành. cải cách mạnh về thể chế, tạo ra môi trường pháp lý, tạo cơ hội chứ không phải tháo gỡ. Song, ngoài sự hành động của Chính phủ trong thực thi chính sách, không thể thiếu vai trò từ chính những doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Tuy nhiên, việc đầu tiên cần làm là tạo niềm tin, nhìn thấy cơ hội vào thị trường Việt Nam.

GS.TS. Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội

Khắc Kiên