Giấy xanh cho cuộc sống

Nhóm SV Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM với dự án “Phế phẩm nông nghiệp - tài nguyên giấy bao bì”. Ảnh: NVCC

Làm giấy từ thân cây chuối

Dự án do nhóm sinh viên Trịnh Ngọc Vân Anh, Lê Thị Bích Phượng, Phạm Thái Bình, Trần Út Thương và Lê Thụy Tường Vân đến từ ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường và ngành Quản lý công nghiệp của HCMUTE thực hiện. Dự án được hình thành từ ý tưởng sử dụng thân cây chuối bị chặt bỏ đi sau thu hoạch, chế biến thành nguyên liệu tạo ra giấy.

Dự án đã giành giải Nhất khối sinh viên tại cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” năm 2020 (SV-STARTUP-2020) do Bộ GD&ĐT tổ chức. Ngoài bằng khen, dự án nhận phần thưởng 60 triệu đồng, gói hỗ trợ đào tạo, hỗ trợ triển khai trị giá 115 triệu đồng và cơ hội tham gia đàm phán để nhận đầu tư số tiền 40.000 USD.

Trịnh Ngọc Vân Anh (trưởng nhóm) cho biết: Chuối là một trong những loài cây phổ biến nhiều ở Việt Nam với 100.000 ha và thu hoạch đạt 1,4 triệu tấn chuối mỗi năm. Tuy nhiên, sau khi thu hoạch, thân chuối trở thành phế phẩm nông nghiệp, thường được dùng làm thức ăn cho gia súc.

Theo TS Hoàng Thị Tuyết Nhung (Phó Trưởng bộ môn Môi trường, Khoa Công nghệ hóa học, HCMUTE) - giảng viên hướng dẫn trực tiếp cho nhóm, xã hội ngày càng phát triển, mọi người quen dùng giấy đẹp mà quên đi giấy thô ngày xưa. Do đó, nhóm muốn tạo ra giấy từ các loại phế phẩm như lá dứa, vỏ bắp, thân cây chuối... Khi chế tạo thành công và quyết định theo đuổi dự án, nhóm muốn tập trung vào một nguyên liệu phổ biến và dồi dào nhất cho dự án nên chọn loại thân cây chuối.

Một điểm đáng chú ý, trong quá trình triển khai, nhóm không sử dụng hóa chất vì muốn giữ lại những vân chuối trên giấy hay màu sắc theo giống chuối để tạo sự độc lạ, tự nhiên cho sản phẩm, đồng thời thân thiện với môi trường.

Sản phẩm bao bì được làm từ thân cây chuối Ảnh: NVCC

Chắp cánh vào cuộc sống

Bên cạnh việc đoạt giải Nhất cấp Bộ, ý tưởng “Giấy xanh cho cuộc sống” của nhóm sinh viên HCMUTE cũng là một trong các dự án đoạt giải Nhất tại cuộc thi “Sáng kiến giảm rác thải nhựa” do Quỹ quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) tổ chức tại Kiên Giang. Sau khi đoạt giải thưởng của WWF, dự án nhận được tài trợ 100 triệu đồng và chi phí hỗ trợ về đào tạo, đưa sản phẩm ra thị trường cũng như hỗ trợ tiếp cận nguồn nguyên liệu ở địa phương để dự án hoàn thiện trong một năm (2021) cho vựa chuối tại Kiên Giang.

Nói về cuộc thi, bà Nguyễn Thị Diệu Thúy (Giám đốc Chương trình Giảm rác nhựa của WWF-Việt Nam) cho rằng: Không chỉ tạo ra cơ hội để các mô hình hay ý tưởng có thể triển khai trong thực tế tại các địa bàn dự án, cuộc thi còn mang đến sân chơi để các đội thi được cọ xát, trao đổi, học hỏi, nhận được sự hỗ trợ, giải đáp từ chuyên gia để từng bước hoàn thiện dự án. Bên cạnh đó, cuộc thi là một trong những nỗ lực của WWF nhằm khuyến khích cộng đồng tham gia thực hành khoa học và chung tay giảm thiểu rác thải nhựa bằng những giải pháp thiết thực và hiệu quả...

Đồng thời, đại diện WWF cũng cho rằng: Bên cạnh tổng giá trị giải thưởng nhận được, mỗi đội thắng cuộc còn được cố vấn chuyên môn trong vòng một năm tiếp theo để triển khai và nhân rộng ý tưởng tại địa bàn nơi đề xuất thực hiện dự án cùng với sự hỗ trợ kỹ thuật và giám sát tài chính của WWF.

Ngoài ra, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cũng tài trợ thêm 100 triệu đồng để nhóm thực hiện dự án và hỗ trợ sử dụng thiết bị, máy móc, văn phòng thực hiện... Cộng với giải Nhất tại cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” năm 2020, dự án đã huy động được hơn 300 triệu đồng để tiếp tục đầu tư.

Dự án “Phế phẩm nông nghiệp - tài nguyên giấy bao bì” còn cho thấy hướng tiếp cận với các xu thế mới khi áp dụng công nghệ nhằm tăng cường khả năng mở rộng sản xuất trên toàn quốc trong tương lai. Đặc biệt, các giá trị mà dự án hướng đến là mang lại lợi ích cho cộng đồng, mong muốn lan tỏa lối sống xanh, thay đổi thói quen sử dụng nhựa của người tiêu dùng và góp phần cho sự phát triển bền vững. TS Hoàng Thị Tuyết Nhung thông tin: Sau khi dự án đoạt giải, một số nhà đầu tư đến tìm hiểu, thương thảo để đưa dự án vào sản xuất.

Theo Trịnh Ngọc Vân Anh, để triển khai dự án, một số thành viên của nhóm phải tự chở cây chuối từ nhà (Tây Ninh và Củ Chi) lên TPHCM để làm giấy. Đồng thời, nhóm đã thử nghiệm nhiều phương pháp khác nhau, thay đổi thành phần các chất để tạo ra giấy có độ bền chắc. Ban đầu do làm thủ công, giấy làm ra dễ bị nhăn. Sau thời gian nghiên cứu khá dài, đổ khuôn quen tay hơn, giấy ra đều hơn, cộng thêm có phương pháp hút nước trong khuôn đổ để giấy mau khô nên chất lượng giấy tốt hơn.