Giáo viên Địa lý sao phải dạy Lịch sử?

Từ 8h30 sáng thứ bảy, 20/3, học sinh lớp 6C1, lớp 6C2 trường THCS Chu Văn An, Tây Hồ, Hà Nội đã có mặt đông đủ tại bảo tàng lịch sử Việt Nam. Các em đến bảo tàng không phải để tham quan mà là trải nghiệm một chuyên đề lịch sử trong chương trình lớp 6: Bước ngoặt lịch sử đầu thế kỉ XX.

Phạm Gia Bình, lớp 6C2 hồ hởi cho biết em đã được bố đưa đến bảo tàng tham quan hai, ba lần. Nhưng lần này, Bình đã thu nhận được nhiều kiến thức trong chiều dài lịch sử Việt Nam từ thời tiền sử đến trận chiến Bạch Đằng của Ngô Quyền.

Nghe cô hướng dẫn viên giới thiệu qua những hiện vật, qua những bức tranh, Bình và các bạn đều tròn mắt lắng nghe, xem xét, ghi chép. Bình kể tối hôm trước, em chưa kịp lên mạng để tìm hiểu thêm thông tin nhưng khi đến bảo tàng, được nhìn, được nghe trực tiếp, những trận chiến oanh liệt của cha ông như hiện rõ trước mắt em.

Phạm Gia Bình cùng các bạn còn được tham gia hoạt động đóng cọc gỗ trên nền cát mà không có bất cứ sự hỗ trợ nào ngoài dùng trí và lực của tay để hiểu thêm về sự tài trí của cha ông ta trong lịch sử.

Rồi được xếp tranh xác định vị trí thuyền của quân ta, thuyền của địch để hiểu hơn kế sách lấy ít thằng nhiều, lấy yếu thắng mạnh của Ngô Quyền.

“Con hay tìm hiểu kiến thức các môn học và thích nhất lịch sử. Con thích học lịch ở bảo tàng vì có nhiều hiện vật, hình ảnh, còn trong sách chỉ có kiến thức nên không dễ để hình dung. Qua hiện vật, qua tranh vẽ cũng như qua những trải nghiệm, con đã hiểu lý do các cuộc khởi nghĩa của cha ông và nhất là vai trò quan trọng trận đánh trên Bạch Đằng giang của Ngô Quyền”, Bình chia sẻ.

Tích hợp không có nghĩa giáo viên Lịch sử dạy Địa lý

Cùng tham gia trải nghiệm với học sinh còn có cô Vũ Hạnh Nguyên, Phó hiệu trưởng trường THCS Chu Văn An. Cô Nguyên cho hay đây là hoạt động trải nghiệm lý thuyết trên hình thức mới. Mục tiêu để giáo viên tiếp cận chương trình giáo dục phổ thông 2018, mỗi môn học đều có hoạt động dạy học gắn với kiến thức thực tiễn trong đời sống.

Để hoạt động này thành công, giáo viên sẽ phải thay đổi, tiếp cận linh hoạt với chuyên môn của mình. Theo cô Nguyên, cụ thể qua trò chơi tái hiện trận chiến của Ngô Quyền, học sinh có thể ghi nhớ kiến thức lâu hơn. Từ đó học sinh có thể thấy được Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm cho các cuộc đấu tranh ở thời kì sau, và các em cũng có thế rút ra được một số bài học cho bản thân: bài học về sự đoàn kết, về sự kiên quyết.

Như vậy, tích hợp các nội dung thành chủ đề kiến thức tại bảo tàng, di tích lịch sử, để học sinh có cơ hội học tập kiến thức qua những câu chuyện vừa được trải nghiệm vận dụng kiến thức đó trong thực tiễn.

Cô Nguyên cũng cho hay, việc tích hợp Địa lý và Lịch sử có thể thực hiện được trong một chủ đề nào đó thể hiện kiến thức chung để rèn được phẩm chất, năng lực nào của học sinh. Như vậy, những tiết học này không nặng về kiến thức Địa lý hay Lịch sử. Mà thông qua hoạt động để rèn được kiến thức gì cho học sinh, vận dụng được kiến thức vào thực tiễn.

Có nhiều cách để giáo viên vận dụng, thực hiện. Khi xây dựng chương trình, có thể người biên soạn chưa thấy được hiệu quả, nhưng khi đưa học sinh đi thực tế mới thấy hết được giá trị của sự tích hợp. Ví dụ như qua hoạt động trải nghiệm này, cô Nguyên cho rằng kiến thức của môn Địa lý ở trong giờ học Lịch sử chính là vị trí địa lý của sông Bạch Đằng thế nào, tác động của thủy triều ra sao. Muốn thế, giáo viên hai môn cần trao đổi nội dung nào liên quan đến địa lý, nội dung nào liên quan đến lịch sử để kiến thức được trọn vẹn trong một giờ dạy. Thậm chí ở tiết học này còn có kiến thức sinh học, công dân cũng được tích hợp như xã hội nguyên thủy con người và quan trọng nhất là trải nghiệm kiến thức về thiên nhiên.

Năm học tới, các môn học tích hợp lần đầu tiên được đưa vào chương trình lớp 6. Theo cô Nguyên, băn khoăn chung của giáo viên là chưa hiểu tại sao giáo viên lịch sử lại dạy địa lý. Nhưng thực chất việc dạy tích hợp không phải như vậy. Vấn đề là làm thế nào để đưa được kiến thức lịch sử vào bài địa lý và ngược lại, không phải một giáo viên địa lý đi dạy lịch sử hay giáo viên lịch sử đi dạy địa lý.

Cô Nguyên cho rằng trước mắt, giáo viên chưa được bồi dưỡng về dạy tích hợp, các nhà trường vẫn phân công riêng từng môn nhưng giáo viên phải nắm được yêu cầu là có sự giao thoa giữa các môn để dạy chứ không phải là các môn riêng biệt như hiện nay.

“Giáo viên hiểu rõ được như thế sẽ có giải pháp để hỗ trợ lẫn nhau thì việc tích hợp giữa các môn không khó. Sau này được đào tạo bồi dưỡng thì sẽ khác còn hiện tại, giáo viên Địa lý chỉ cần làm tốt vai trò của mình, hỗ trợ giáo viên Lịch sử và ngược lại”, cô Nguyên nói. Với các môn khoa học tự nhiên, cô Nguyên cho rằng cũng tích hợp tương tự như hai môn Địa lý – Lịch sử.

Nghiêm Huê