Giao dịch chứng khoán phiên chiều 31/8: Con sóng nhỏ trước kỳ nghỉ lễ

Sau phiên đột biến đầu tuần, thanh khoản thị trường đã sụt giảm mạnh trở lại trong 2 phiên tiếp theo do sự thận trọng của nhà đầu tư trước kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9.

Trong phiên sáng nay, phiên cuối cùng của tháng 8 và cũng là phiên trước khi thị trường bước vào kỳ nghỉ lễ, dường như nhiều nhà đầu tư đã đóng tài khoản đi nghỉ nên giao dịch thị trường diễn ra chậm, VN-Index chỉ giằng co nhẹ quanh tham chiếu.

Giao dịch chỉ đáng chú ý ở một vài mã có tính thị trường, vốn tăng nóng trong thời gian qua như PTL và KPF. Trong đó, áp lực chốt lời khiến PTL mất sắc tím, thanh khoản ở mức tốt nhất hơn 4 tháng, nhưng vẫn duy trì được đà tăng tốt hơn 5%, trong khi KPF quay đầu giảm mạnh 5,8%, có lúc đã chạm mức sàn.

Bước vào phiên giao dịch chiều, thị trường cũng không có gì chuyển biến khi nhiều nhà đầu tư đã nghỉ lễ. VN-Index theo đó vẫn giằng co nhẹ quanh tham chiếu, các mã cũng chỉ biến động trong biên độ hẹp.

Đột biến bắt đầu xảy ra từ 14h, khi có lực cầu nhằm vào một vài mã lớn, kéo VN-Index lên ngưỡng 1.285 điểm. Tưởng chừng lực kéo này sẽ kích thích nhà đầu tư vào hàng, giúp thị trường giao dịch bùng nổ trong nửa cuối phiên chiều để có phiên giao dịch “đẹp” trước kỳ nghỉ lễ.

Mục đích này dường như đã trở thành hiện thực khi sắc xanh được lan tỏa rộng ra bảng điện tử, nhưng “bên đối kháng” không muốn điều đó xảy ra khi VCB bị ép bán mạnh đẩy “anh cả” của sàn HOSE về mức thấp nhất ngày. Cùng với đó, VIC cũng bị hãm đà tăng đáng kể và cũng đóng cửa ở mức thấp nhất ngày. Điều này khiến VN-Index bị đẩy trở lại nhanh như lúc được kéo lên và chỉ có may mắn mới giữ được sắc xanh khi chốt phiên với mức điểm đóng cửa trên ngưỡng 1.280 điểm. Tuy nhiên, thanh khoản tiếp tục sụt giảm xuống mức thấp nhất hơn 1 tháng.

Chốt phiên, VN-Index tăng nhẹ 1,12 điểm (+0,09%), lên 1.280,51 điểm với 267 mã tăng và 162 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 499,3 triệu đơn vị, giá trị 12.702 tỷ đồng, giảm 5% về khối lượng và 8% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 36,9 triệu đơn vị, giá trị 1.019 tỷ đồng.

Dù vậy, tính trong tháng 8, VN-Index có tháng tăng thứ 2 liên tiếp với mức tăng tốt hơn nhiều trong tháng 7. Cụ thể, tháng 8, VN-Index tăng 74,18 điểm (+6,15%), thanh khoản cũng cao nhất 5 tháng.

VCB bị ép mạnh nên quay đầu giảm hơn 2,3%, xuống 84.000 đồng, trong khi các mã giảm khác trong nhóm là SSB, CTG, EIB chỉ giảm nhẹ dưới 1%. Ở mặt ngược lại, HDB, VPB, SHB là 3 mã tăng mạnh nhất với mức tăng hơn 1%, trong đó HDB tăng mạnh nhất 1,5% lên mức cao nhất ngày 26.700 đồng, thanh khoản 2,39 triệu đơn vị, trong đó nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục ưu ái khi mua ròng gần 1,3 triệu đơn vị. SHB tăng 1,3% lên 15.600 đồng, mức cao nhất ngày, thanh khoản 9,7 triệu đơn vị, nhà đầu tư nước ngoài cũng mua ròng mạnh hơn 3 triệu đơn vị.

Nhóm chứng khoán đảo chiều đồng loạt, chỉ còn FTS giảm nhẹ, 4 mã về tham chiếu, còn lại có sắc xanh.

Nhóm thép, trong khi HSG tăng 1,5% lên 20.800 đồng, NKG tăng 0,7% lên 21.200 đồng, thì HPG lại giảm 0,2% xuống 23.000 đồng, POM giảm 0,1% xuống 7.500 đồng. Trong đó, HPG vẫn là mã có thanh khoản nhất nhóm với gần 15 triệu đơn vị.

Các nhóm khác không có nhiều diễn biến đáng chú ý. Tuy nhiên, thị trường không vì thế mà quá trầm lắng trong phiên giao dịch cuối tháng, bởi trong phiên chiều xuất hiện những con sóng đơn lẻ đáng chú ý.

PTL sau khi chịu áp lực chốt lời mạnh phiên sáng, có lúc về 7.800 đồng, bất ngờ lại nhận được lực cầu lớn trợ giá trong phiên chiều, kéo mã này trở lại mức trần 8.240 đồng với thanh khoản 2,76 triệu đơn vị, mức kỷ lục của năm nay.

Ngoài ra, NT2, TGG, PDN vẫn duy trì được sắc tím, trong đó PDN không có thêm giao dịch nào ngoài lệnh khớp tối thiểu 100 đơn vị để kéo trần sáng nay. Trong khi đó, NT2 và TGG có thanh khoản khá tốt với 4,64 triệu đơn vị, dư mua trần gần 0,7 triệu đơn vị và 2,33 triệu đơn vị, dư mua trần hơn 0,1 triệu đơn vị.

Ngoài các mã này, phiên chiều còn xuất hiện con sóng tại IDI và OGC. Trong đó, lực cầu bất ngờ lớn kéo IDI lên thẳng mức trần 21.500 đồng, khớp tới 7,25 triệu đơn vị, còn dư mua tới gần 1,8 triệu đơn vị, dù đầu phiên mở cửa chỉ ở tham chiếu.

Tương tự, OGC thậm chí còn mở cửa phiên sáng trong sắc đỏ, chiều nay cũng được kéo lên kịch biên độ 14.600 đồng, khớp 2,95 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần.

Trong khi đó, lực cung chốt lời ở KPF gia tăng trở lại, trong khi lực cầu không còn nhiều khiến mã này trở lại mức sàn 21.050 đồng, thanh khoản hơn 0,3 triệu đơn vị và còn dư bán sàn. Phiên giảm sàn hôm nay đang củng cố thêm về mô hình cây thông của KPF, trong đó đỉnh của cây thông này là ngưỡng 23.750 đồng.

Trong khi đó, sàn HNX mở cửa phiên chiều bị đẩy lại khá sâu về sát mức đáy của phiên sáng, nhưng sau đó bật mạnh trở lại lên sát tham chiếu với sự hồi phục của IDC. Tưởng chừng HNX-Index cũng theo chân VN-Index có phiên xanh trước kỳ nghỉ lễ, nhưng áp lực từ các mã vốn hóa lớn khác trên sàn này như NVB, PVS, KSF, THD khiến HNX-Index quay đầu giảm mạnh trở lại, đóng cửa thấp hơn phiên sáng.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 1,93 điểm (-0,66%), xuống 291,92 điểm với 103 mã tăng và 92 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 68,5 triệu đơn vị, giá trị 1.641,8 tỷ đồng, giảm nhẹ về khối lượng, nhưng nhích nhẹ về thanh khoản so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,2 triệu đơn vị, giá trị 23,8 tỷ đồng. Trong tháng 8, HNX-Index cũng duy trì được đà tăng tháng thứ 2 liên tiếp với mức tăng 3,31 điểm (+1,15%), nhưng biên độ nhỏ hơn tháng trước (10,93 điểm, tương đương 3,94%).

Trong các mã vốn hóa lớn, trong khi IDC, đóng cửa tăng 0,5% lên 62.300 đồng, khớp 7,21 triệu đơn vị, thì các mã lớn khác đều giảm. Trong đó, PVS giảm 2,1% xuống 27.800 đồng, khớp 9,88 triệu đơn vị, vượt qua IDC để dẫn đầu thanh khoản. Tuy nhiên, mức giảm mạnh nhất trong nhóm này là NVB khi giảm 8,1% xuống 23.800 đồng, mức thấp nhất ngày. Ngoài ra, mã vốn hóa lớn nhất KSF giảm 0,5% xuống 82.900 đồng, THD giảm 1,6% xuống 55.300 đồng, BAB giảm 0,6% xuống 16.600 đồng. PVC cũng giảm 1,3% xuống 22.300 đồng, khớp 2,49 triệu đơn vị.

Tuy nhiên, ngoài IDC, các mã bluechip còn có CEO đảo chiều thành công tăng 1% lên 31.600 đồng, khớp 3 triệu đơn vị, còn SHS giữ được đà tăng 0,8% lên 13.200 đồng, khớp 5,77 triệu đơn vị.

Trong các mã nhỏ, KLF giảm 3,7% xuống 2.600 đồng, khớp 4,14 triệu đơn vị, có lúc giảm sàn xuống 2.500 đồng. BII từ mức gần trần phiên sáng, chỉ còn có mức tăng khiêm tốn 1,9% lên 5.300 đồng, khớp 1,89 triệu đơn vị.

Trái ngược với HNX, thị trường UPCoM lại có phiên “đào thoát” thành công chiều nay khi vừa kịp chớm xanh trước lúc đóng cửa.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,05 điểm (+0,06%), lên 92,44 điểm với 170 mã tăng và 125 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 35,8 triệu đơn vị, giá trị 721,7 tỷ đồng, giảm nhẹ so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 3,1 triệu đơn vị, giá trị 56,3 tỷ đồng.

Hai mã dầu khí là 2 mã có thanh khoản tốt nhất UPCoM, nhưng đều đóng cửa giảm giá, trong đó BSR khớp 9,19 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 1,9% xuống 25.700 đồng, OIL khớp 1,73 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 0,7% xuống 13.700 đồng. Các mã có thanh khoản trên 1 triệu tiếp theo là SBS, DDV, PAS và C4G với biên độ giá hẹp, chỉ quanh tham chiếu.

Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng đều tăng, trong đó có 3 hợp đồng tăng mạnh hơn VN30. Trong đó, hợp đồng đáo hạn tháng 9 tăng 6,9 điểm (+0,54%), lên 1.293,9 điểm với 260.325 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 44.245 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng chiếm ưu thế, trong đó có 2 mã giảm kịch biên độ, mất 50% giá trị là CHPG2203 do HSC phát hành và CKDH2201 do KIS phát hành, đóng cửa đều ở mức tối thiểu 10 đồng. Trong khi đó, CPNJ2205 do VCSC phát hành tăng kịch biên độ 40%, đóng cửa 2.280 đồng, nhưng thanh khoản rất thấp.

Ba mã có thanh khoản tốt nhất đều do KIS phát hành, trong đó có 2 chứng quyền của HPG, một của VRE và cũng đều đóng cửa giảm.

T.Lê