Giá vàng hôm nay 7/3: Vàng hết cửa tăng, giải mã lý do có thể xuống 1.600 USD/ounce

Giá vàng thế giới đang thấp hơn vàng trong nước 8,2 triệu đồng/lượng. (Nguồn: Kitco News)

Giá vàng đã giảm hơn 200 USD/ounce kể từ đầu năm 2021 đến nay. Chốt phiên giao dịch tuần này (ngày 6/3), giá vàng thế giới trên sàn giao dịch điện tử Kitco hiện ở mức 1.700 - 1.701 USD/ounce.

Cùng thời điểm, trong nước, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng tại 55,10 - 55,60 triệu đồng/lượng, giữ nguyên ở chiều mua vào và tăng 100.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên giao dịch trước đó. Chênh lệch giá bán vàng vẫn đang cao hơn giá mua 500.000 đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu đi ngang, giữ nguyên mức giá 55,12 - 55,49 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long được điều chỉnh tăng nhẹ, hiện niêm yết ở 52,71 - 53,36 triệu đồng/lượng.

Tính riêng tuần này (1-6/3), giá vàng miếng trong nước đã giảm 650.000 đồng/lượng, tương đương 1,15% giá trị. Đà giảm này cộng với chênh lệch giá mua - bán các doanh nghiệp đưa ra khiến người mua vàng từ đầu tuần đến nay đang chịu khoản lỗ 1,15 triệu đồng/lượng. Mức lỗ tuần cao nhất mà người mua vàng trong nước phải chịu từ đầu năm 2021 đến nay.

Hiện giá vàng thế giới quy đổi theo USD tương đương khoảng 47,4 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá các doanh nghiệp trong nước đưa ra 8,2 triệu đồng/lượng.

Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã vượt 1,5%, trong khi đồng USD chạm đỉnh 3 tháng. Đà tăng của lãi suất làm giảm sức hấp dẫn của vàng như một kênh phòng ngừa lạm phát, đồng thời làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng

Thủ phạm chính gây ra sự sụt giảm nghiêm trọng trong tuần qua của giá vàng là lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ tăng, điều này đã kích hoạt đồng USD mạnh hơn. Và thông điệp của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell tuần này phần lớn phớt lờ những lo ngại về lạm phát, lợi suất tăng và không giúp ích được gì cho kim loại quý.

Theo ông Edward Moya, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao của OANDA, việc chủ tịch Fed không thể xóa đi nghi ngại về một đợt tăng mới của lợi suất trái phiếu Mỹ đã lấy đi khả năng hồi phục của giá vàng. Điều này thậm chí cung cấp một triển vọng tăng giá ngắn hạn cho đồng USD, qua đó sẽ trực tiếp đè nặng lên giá vàng.

Vàng sẽ xuống 1.600 USD/ounce

Đồng giám đốc Walsh Trading Sean Lusk nói rằng, nếu vàng không giữ được mức 1.675 USD/ounce vào tuần tới, thị trường có thể chứng kiến mức sụt giảm chạm mức 1.610 USD/ounce. "Cần phải giữ giá kim loại quý trên 1.675 USD/ounce vào tuần tới, nếu không tất cả các dự đoán về tương lai tươi sáng của giá vàng trước đây đều biến mất", ông Lusk nhấn mạnh.

Ông Bart Melek, người đứng đầu chiến lược toàn cầu của TD Securities chỉ ra rằng, có nguy cơ rõ ràng về việc giá kim loại quý sẽ giảm xuống 1.660 USD và thậm chí thấp hơn.

Ông Moya cũng nói thêm, nếu các mức hỗ trợ quan trọng không được giữ vững, vàng có thể giảm nhanh xuống mức 1.600 USD/ounce và đây có thể là đáy.

"Tôi dự đoán rằng, giá vàng tuần tới có thể rơi xuống mức 1.600 USD/ounce - một sự sụp đổ nhanh chóng. Nhưng đó cũng là thời điểm mà nhà đầu tư sẽ ồ ạt mua vào và đây là mức giá hấp dẫn đối với nhiều nhà đầu tư", chuyên gia Moya nói.

Ông Melek cũng đưa ra nhận định lạc quan về vàng vào cuối năm 2021, trong đó, lưu ý rằng giá sẽ cao hơn đáng kể vào năm 2022.

"Có một lượng lớn nợ, lo ngại về sự mất giá tiền tệ và lạm phát chính là lý do khiến kim loại quý bật tăng trở lại trong dài hạn", ông Melek khẳng định.

Tuần tới, một số dữ liệu kinh tế sẽ Mỹ tươi sáng hơn sẽ được công bố và giới đầu tư sẽ chú ý đến tiến độ của gói kích thích 1.900 tỷ USD vào cuối tuần. "Triển vọng kinh tế tiếp tục được cải thiện. Chúng ta sẽ bắt đầu thấy bang Texas, Mỹ mở cửa trở lại và điều này mang đến dấu hiệu rất tích cực cho thị trường lao động và hoạt động kinh tế", chuyên gia Moya nói.

Vị chuyê gia này nói thêm rằng, các đột biến của virus SARS-CoV-2 và tác động của chúng đối với Mỹ là một điều cần theo dõi chặt chẽ vì nó có thể làm chệch hướng sự phục hồi nền kinh tế lớn nhất thế giới. "Nếu sự đột biến của virus trở thành một vấn đề ở Mỹ, vàng sẽ tăng giá trở lại", ông Moya dự đoán.

5 lý do khiến vàng khó có cơ hội "trở mình"

Giles Coghlan, Nhà phân tích tiền tệ chính tại HYCM nhận định, có 5 lý do khiến vàng bị bán tháo và khó bật tăng trở lại.

Thứ nhất, vaccine ngừa Covid-19 đã khiến giới đầu tư mạnh tay bán tháo. Vàng đã bị bán tháo khi có tin tức về vaccine Pfizer. Đây là mức thua lỗ lớn nhất đối với hợp đồng vàng tương lai trong 7 năm.

Thứ hai, dòng vốn ra khỏi các quỹ giao dịch hậu thuẫn. Những dòng tiền ra khỏi thị trường giao ngay và thị trường tương lai được khớp với dòng tiền ETF. "Hãy nhớ rằng dòng vốn ETF đã củng cố cho đợt tăng giá của vàng năm ngoái. Bây giờ nhà đầu tư đang nối đuôi nhau chạy khỏi kim loại quý", nhà phân tích Giles Coghlan nói.

Thứ ba, lợi suất Trái phiếu kho bạc tăng cao hơn. Theo ông Giles Coghlan, lợi suất tăng chỉ là một biểu hiện khác của câu chuyện phục hồi. Khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ bắt đầu tăng vào đầu năm, đã hỗ trợ USD tăng giá và đây chính là "cơn gió ngược" của vàng.

Thứ tư, Bitcoin đạt trên 50.000USD. Bitcoin tăng khiến vàng bị "ghẻ lạnh".

Thứ năm, khủng hoảng tài chính là một bài học. "Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua, vàng bị bán tháo khi các nền kinh tế bắt đầu phục hồi", nhà phân tích Giles Coghlan khẳng định.

(Kitco News)