Giá 'chát' 500.000 đồng/buổi luyện thi đại học, liệu phụ huynh có ném tiền qua cửa sổ?

Một trung tâm luyện thi đại học ken đặc học sinh (ảnh minh họa, nguồn mạng xã hội)

Đối với các học sinh lớp 12, hiện nay là thời điểm ôn luyện nước rút trước kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học. Tại nhiều trung tâm ôn luyện, các lớp học tự phát, học phí trung bình cho một buổi học luyện thi vào khoảng 200.000 đồng/ca học 2 tiếng.

Từ cuối tháng 4, nhiều trung tâm ở Hà Nội thay vì thu học phí theo tháng thì bắt đầu thu gộp học phí cả khóa luyện đề kéo dài trong 2 tháng (5-6) với số tiền trung bình từ 2 - 4 triệu đồng/khóa. Học sinh mỗi tuần sẽ học xen kẽ 1 – 2 buổi ôn luyện kiến thức và 1- 2 buổi luyện đề thi.

Như vậy, chỉ tính riêng một môn học thì các bậc phụ huynh phải rút hầu bao tối thiểu 2,4 triệu. Trung bình mỗi học sinh sẽ chọn 3 môn thi đại học (cá biệt có học sinh ôn thi 4 môn, mỗi môn học bởi 2 nơi khác nhau) thì số tiền mỗi gia đình ở thành phố chi cho con ôn luyện vào đại học cũng trên dưới 10 triệu đồng.

Em Trần Quang, một học sinh lớp 12 cho biết, đây là mức học phí trung bình cho những lớp học ở các trung tâm hạng trung ở Hà Nội, còn những thầy cô luyện thi nổi tiếng thu học phí 500.000 đồng/buổi.

Bạn học của Quang từng có người theo học lớp của thầy cô nổi tiếng nhưng đây thường là nhóm khoảng 3-5 học sinh. Các bạn ở những nhóm này cũng “ít chia sẻ” nội dung bài học.

Mới đây, có một phụ huynh than thở qua mạng xã hội: “Con ôn luyện lớp Văn thầy B.H.H học phí 500k/ 1 buổi cho lớp hơn 70 học sinh. Thầy yêu cầu không được cho các bạn xem tài liệu mà thầy đã dạy, chỉ ai đóng tiền mới được sử dụng tài liệu ấy. Nếu thầy biết bạn nào cho bạn khác sử dụng tài liệu thì sẽ bị thầy cho thi trượt đại học”.

Chia sẻ với phóng viên Infonet, thầy Nguyễn Quốc Bình, nguyên Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức cho rằng thông tin của phụ huynh trên chưa chắc đã chính xác. "Câu hỏi đặt ra là 500.000 đồng học phí/buổi trong thời gian bao lâu? Nếu từ 2 tiếng trở xuống thì quá chát, nhưng từ 3,5 tiếng trở lên thì chấp nhận được”, thầy Bình nói.

Tuy nhiên vị giáo viên này cũng lưu ý, đây là dịch vụ nên “anh chấp nhận thì mua”, có sự thỏa thuận, không có sự ép buộc.

Đối với việc giáo viên luyện thi yêu cầu không chia sẻ tài liệu theo thầy Bình thì về lý không sai, bởi vì giáo viên đó giữ “miếng riêng” để làm ăn, do đây là “thị trường tự do”.

“Nói về tình thì làm gì có chuyện đó, ở đây chỉ gọi là “người dạy” thôi, không thể gọi là thầy được. “Thầy” nói nếu chia sẻ tài liệu sẽ cho trượt đại học mà học trò cũng tin ư?

Không có căn cứ nào để người dạy bắt học sinh không được chia sẻ tài liệu cho bạn, “người dạy" chỉ dọa thôi.

Tôi tin những học sinh giỏi sẽ cười khẩy, chỉ những học sinh a dua vào đây học mà kiến thức èo uột, năng lực hạn chế, kỹ năng sống thiếu hụt mới trông cậy, dựa dẫm và tin vào lời dọa dẫm của người dạy”, thầy Bình nhận định.

Theo thầy Bình, ôn thi đại học là một quá trình, học mới, ôn cũ, giai đoạn cuối tập trung ôn luyện. Nếu quá trình học mà không học hoặc học không đến nơi đến chốn, lại không ôn cũ, không tự học, cứ chăm chăm đi học thêm, chờ đến giai đoạn cuối mới học kiểu “nhồi nhét” thì không hiệu quả mà chỉ tốn tiền.

Đồng quan điểm với thầy Bình, chị Nguyễn Thu Phương (Đội Cấn, Hà Nội), một phụ huynh có con học lớp 12 cho biết, dù chị có lúc khá sốt ruột trước vấn đề ôn thi nhưng con trai lại tỏ ra bình tĩnh. Con chị luôn nói “mức học phí không quan trọng, điều quan trọng con học được gì từ những buổi học thêm ấy". Chính vì quan điểm này nên con chị không đi học thêm nhiều.

Ngay từ đầu lớp 12, con trai chị đã chọn mua những khóa học online theo từng chuyên đề giá từ vài trăm ngàn cho đến hơn 1 triệu. Ngoài ra, cậu tập trung học từ các thầy cô trên lớp.

“Nó suốt ngày trấn an tôi đừng quá lo lắng, kiểu gì con cũng đỗ”, chị Phương chia sẻ.

Hiện giờ chị Phương đã bị con thuyết phục, cho con quyền quyết định việc học của mình. Nhìn lại quãng thời gian qua, chị thấy mình đã luôn cùng con bồi đắp kiến thức từ bậc tiểu học. Khi bạn bè xả hơi, đi chơi, nghỉ hè vì không phải giai đoạn nước rút thì con chị vẫn giữ thói quen học tập mỗi ngày.

Nhiều người nói chị may mắn vì con trai học giỏi lại biết suy nghĩ cho bố mẹ. Việc con chị ít đi học thêm không những tiết kiệm tiền bạc, giảm áp lực chạy chọt tìm thầy tìm lớp cho bố mẹ mà còn giúp chính con bớt căng thẳng, làm chủ bản thân trước kỳ thi quan trọng của cuộc đời.

H. Anh