Ghi danh nghề Xôi Phú Thượng vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

Phát biểu tại lễ công bố, bà Bùi Thị Lan Phương, Quận ủy viên, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho biết, trong những năm qua, với mong muốn gìn giữ nghề truyền thống địa phương và nâng cao đời sống người dân, Quận Tây Hồ đã luôn quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ làng nghề phát triển. Ngày 30/12/2016, Phú Thượng được UBND thành phố à Nội công nhận danh hiệu Làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng. Năm 2018, Xôi Phú Thượng là 01 trong 12 món ẩm thực truyền thống của Hà Nội Phục vụ Trung tâm Báo chí tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều đã thu hút sự chú ý của nhiều phóng viên báo chí nước ngoài.

Nói tới Xôi Phú Thượng như một nét văn hóa, không thể không nhắc tới Lễ hội truyền thống của làng Phú Gia, Phú Thượng. Lễ hội làng Phú Gia diễn ra vào 3 ngày 8,9,10 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Nhân dân địa phương làm lễ cơm mới, dâng cúng lên Thành hoàng làng những sản phẩm xôi do mình làm ra bày tỏ lòng biết ơn và cầu mong Ngài phù hộ cho dân làng một mùa màng bội thu. Đồng thời, các gia đình nấu chè bà cốt để dâng cúng lên bàn thờ tổ tiên tại gia đình để bày lòng biết ơn tổ tiên đã khuất và mong muốn phù hộ cho con cháu làm ăn suôn sẻ.

Bà Bùi Thị Lan Phương, Quận ủy viên, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ phát biểu tại buổi lễ.

Từ năm 2017, cộng đồng nhân dân và chính quyền địa phương đã đồng thuận tổ chức Lễ hội Xôi tại Đình Phú Gia trong dịp Lễ hội làng vào ngày mùng 8 tháng Giêng âm lịch để tưởng nhớ công ơn của thần Khai Nguyên đồng thời là dịp để những người dân Phú Thượng lập nghiệp nơi xa trở về, cùng tôn vinh nghề truyền thống, dâng những mâm xôi dẻo thơm kết tinh từ tinh hoa trời đất cùng với tài hoa sáng tạo của con người lên Thành hoàng làng với mong ước một mùa xuân mới ấm no, hạnh phúc. Trong Lễ hội, người dân Phú Thượng mở Hội thi nấu xôi và chia sẻ, trình diễn nhiều món xôi ngon của Phú Thượng để du khách mọi miền Tổ quốc ghé thăm đều có thể thưởng thức và trải nghiệm.

Năm 2019, Làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng đã được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu Xôi Phú Thượng. Xôi Phú Thượng đã có những sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) của thành phố Hà Nội. Quận cũng đã tập trung đầu tư nâng cấp hạ tầng, chỉnh trang đường, ngõ, chiếu sáng trên địa bàn phường; đặc biệt đã và đang chỉ đạo triển khai xây dựng Đề án “Điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm làng nghề truyền thống Xôi Phú Thượng” nhằm tạo điều kiện, hỗ trợ tốt nhất cho làng nghề phát triển, khẳng định thương hiệu và nâng cao đời sống của người dân.

Và để định vị giá trị, bảo vệ và phát huy giá trị làng nghề truyền thống với tư cách là một di sản văn hóa, trong thời gian qua, với sự đồng hành, hỗ trợ của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, sự hướng dẫn, giúp đỡ của Cục di sản văn hóa phi vật thể, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, các nhà khoa học đầu ngành văn hóa, Quận Tây Hồ đã hoàn thành việc lập hồ sơ khoa học đề nghị ghi danh “Nghề Xôi Phú Thượng” vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Trao quyết định ghi danh Nghề Xôi Phú Thượng vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

"Lễ hội truyền thống Xôi Phú Thượng lần thứ VII; Lễ công bố Quyết định ghi danh Nghề Xôi Phú Thượng vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia hôm nay là dịp để chúng ta tôn vinh Di sản; ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền phường Phú Thượng, các phòng, ngành liên quan của quận và cộng đồng nhân dân trong việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị Nghề truyền thống Xôi Phú Thượng; đồng thời thúc đẩy trách nhiệm bảo tồn, phát huy di sản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống người dân" - Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ tin tưởng rằng, trong thời gian tới, Xôi Phú Thượng sẽ không chỉ là món ẩm thực nổi tiếng cung cấp tới mọi miền đất nước mà Làng nghề Xôi Phú Thượng sẽ là điểm du lịch với các tour du lịch hấp dẫn thu hút khách trong và ngoài nước thăm quan, trải nghiệm; góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Đồng thời, đóng góp tích cực vào việc đẩy mạnh quảng bá hình ảnh vùng đất và con người Tây Hồ với các điểm đến hấp dẫn, lễ hội truyền thống, các di sản văn hóa phi vật thể, sản phẩm văn hóa ẩm thực, góp phần phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn, hiện thực hóa khát vọng xây dựng Quận Tây Hồ trở thành Trung tâm du lịch văn hóa của Thủ đô.

Làng Gạ - Phú Thượng có nghề thổi xôi từ bao giờ thì không ai rõ. Nhờ nước mát của dòng Nhị Hà và phù sa màu mỡ mà làng Gạ xưa có cánh đồng lúa trù phú và phì nhiêu. Mỗi khi vào mùa, hương lúa thơm ngát triền đê sông Hồng… Từ những cánh đồng màu mỡ này, người dân làng Gạ trồng được hai loại gạo thượng hạng là nếp cái hoa vàng và nếp dâu keo để đồ xôi. Để có một chõ xôi ngon đậm chất xôi Phú Thượng, người dân nơi đây phải bỏ ra nhiều công phu.

Mặc dù vậy, ở Phú Thượng, gần như ai trong làng cũng biết đồ xôi, làm bánh trôi, bánh chay, xôi chè, bánh đa kê, nấu rượu nếp. Thế hệ sau tiếp nối thế hệ trước. Hiện làng có 3 nghệ nhân và có đến 600 gia đình đang làm nghề nấu xôi cùng một “hệ thống” bán lẻ với cả trăm người trong làng đưa hương thơm của xôi Phú Thượng đi khắp các ngõ ngách của đất Hà thành. Gánh xôi đời người của các mẹ, các chị không chỉ giúp mỗi gia đình của làng Gạ xưa qua cơn đói kém, Xôi Phú Thượng ngày nay còn giúp người dân làm giàu, trở thành hàng hóa có giá trị kinh tế cao mang lại nguồn lợi cho người dân và địa phương. Trong những năm gần đây, để phát huy giá trị làng nghề truyền thống, các nghệ nhân làng Xôi đã chủ động, sáng tạo trong việc tiếp cận thị trường, quảng bá du lịch; gắn nghề truyền thống với lịch sử văn hóa địa phương nhằm phục vụ khách du lịch. Hiện nay, ngoài việc làm xôi phục vụ kinh doanh, Phú Thượng còn là địa chỉ quen thuộc của nhiều đoàn khách du lịch, nhất là các đoàn học sinh trên địa bàn Thành phố đến thăm quan, trải nghiệm nghề truyền thống và tìm hiểu lịch sử văn hóa.

Tin và ảnh: Trung Nguyễn