Gặp 'Vua Chuối' Võ Quan Huy

Xã Mỹ Bình, huyện Đức Huệ, Long An những ngày tháng Ba nắng rát mặt người, nắng xuyên vòng xe, nắng trải dài tỉnh lộ. Đồng Tháp Mười mùa này nắng ươm ươm những bông lúa cúi đầu, những quả xoài căng mọng đượm màu từ cuốn đến thân và bạt ngàn những hàng chuối khi ô tô chạy ngang qua trang trại.

______________________

1. Người dân miệt này gọi ông là ông Út Huy, ông Huy còn rất nhiều tên gọi khác như “vua Chuối”, “tỷ phú nông dân”... Bởi, ông nổi tiếng lắm. Ông nổi tiếng không chỉ ở miệt vườn, không chỉ ở xứ Đồng Tháp Mười hay miền Đồng Nam Bộ. Ông Huy nổi tiếng khắp cả nước và tên của ông cũng đã ghi dấu nhiều nước trên thế giới về nông nghiệp sạch và xuất khẩu chuối.

Dân chơi đồng bằng – Tôi thích gọi ông bằng danh xưng như vậy ngay từ khi gặp gỡ ông tại điền trang.

Lần đầu gặp. Lịch sự, có. E dè, nhiều… Bởi, nghe danh đã lâu, tìm hiểu về ông cũng nhiều thế mà vẫn ngỡ ngàng. Vẻ như phóng khoáng, vẻ như cởi mở nhưng lại chỉn chu, mực thước. Ông khiến cho anh em chúng tôi trong lần gặp gỡ này có cảm giác mình đang trò chuyện, đang nâng ly cùng với một dân chơi chính hiệu, lại có cảm giác như đang “cà cưa” cùng một người bạn vong niên, lại như “quậy phá” một thanh niên cá biệt, lại gần gũi thân ái như đang quây quần bên mâm cơm với người nhà.

Ông kể, tuần nào cũng nhậu, không nhậu với bạn nhà nông thì nhậu với cán bộ ấp, cán bộ xã, nữa thì nhậu với anh em làm công cho vườn. Ai mời ông nhậu ông đều thu xếp thời gian mà ai đến thăm ông cũng mời một bữa rượu như đặc tính mến khách từ xưa đến nay ở xứ miệt vườn.

Cứ tưởng đâu về xứ sở Long An sẽ được thưởng thức đặc sản rượu Gò Đen hay rượu nếp, rượu gạo ấp ủ nhà quê nhưng không phải, ông thết anh em lữ khách chúng tôi bằng rượu tây thời thượng và chuyên nghiệp trong cách rót đến nâng ly.

Trà tam rượu tứ, các cụ dạy thật không sai… Mâm cơm bàn tròn quây quần bốn người với thịt, cá, mắm và rau quả toàn của vườn nhà ông trồng. Biết vậy, bởi ông dặn đi dặn lại bạn thư ký “phải trái cây rau củ của vườn, phải thịt của nhà nuôi, nha!”.

“Dân chơi” thành thị gặp phải dân chơi đồng bằng, mời mời, uống uống..., hết mời chung rồi lại mời riêng đầy sảng khoái. Xoay một vòng rót đã cạn gần nửa chai, chẳng mấy chốc mà ngà ngà.

Sắc mặt hồng hào, tay vẫn cứ rót lưu loát và không có dấu hiệu sẽ ngưng. Từ chú với con chuyển sang “tao với tụi mày” tự lúc nào chẳng nhớ.

Ông Huy hồi tưởng lại thuở hàn vi. Có ý tưởng khởi nghiệp gì đâu, ý nghĩ ban đầu đơn giản lắm“khổ quá rồi, phải làm gì đó thoát nghèo thôi”. Hai tuổi, cha qua đời, sống với mẹ và chị gái, ý thức tự lập và trách nhiệm với gia đình hình thành từ thuở đó. Mười mấy tuổi đầu đã lái máy cày đi khắp xóm để cày thuê. Khai hoang, khởi nghiệp bằng cây mía nhưng trời không thương. Mùa lũ năm ấy, hơn 10 hecta mía chìm trong biển nước, không có vị ngọt của mía chỉ có vị nhạt của nước lũ, vị mặn của nước mắt lẫn mồ hôi. Năm ấy, dân chơi chỉ mới tròn 23 tuổi.

Nản không hả? Có chứ! Nhưng nản rồi thế nào? Cũng phải làm tiếp thôi. Làm lại, quyết tâm lại từ đầu.

Trong khi những người nông dân bỏ ruộng đồng đi nơi khác làm ăn thì ông quyết định làm lại từ đầu trên mảnh đất hoang tàn không trồng cây gì được ngoài đước và tràm. Đi một mình trên con đường ít người đi nhưng lắm chông gai đó, quan trọng vẫn là sự dám nghĩ dám làm. Mà xưa nay, mọi quyết tâm bền chí đa phần đều làm cuộc đời tươi đẹp hơn. Những vựa mía mới dần nảy mầm đã mang lại hy vọng cho ông, chàng trai cày thuê năm nào đã thành ông “vua mía”.

Gắn bó ân tình với mía là thế, nhưng đùng một cái tới năm 2000, ông buộc phải dứt tình với cây mía bởi Hiệp định AFTA và nhận thấy tình hình lúc bấy giờ đường nhập khẩu tràn ngập thị trường, quyết định chia tay với mía để chuyển sang chuối. Và rồi, như đã biết, có một “vua chuối” hôm nay của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và dường như là khắp cả nước.

Khuôn mặt hồng hào tươi roi rói và lại nói tiếp câu chuyện nhà nông bằng thanh âm hào sảng đặc trưng Nam Bộ. Nói thế nào cũng phải khẳng định dân chơi Võ Quan Huy là người khiêm tốn. Khiêm tốn nhưng không theo kiểu dè dặt kiệm lời, dân chơi thích nói về quá trình làm giàu của mình và diễn giải theo kiểu phóng khoáng, tự hào của riêng ông.

Chuối ông trồng, ông không tự khen mà mời người ta thưởng thức rồi rút ra kết luận. Phải thơm ngon như thế nào, phải an toàn, đảm bảo thế nào mới du nhập được vào thị trường khó tính như Nhật Bản. Chúng tôi biết, ông muốn nói đến điều ấy nhưng trong một chừng mực nào đó, ông chỉ lẳng lặng nở nụ cười đầy tự hào.

Cũng như khi được hỏi, “Làm nông có giàu được không?” ông nhìn chúng tôi, lại cười mỉm. Cái cười chất chứa ẩn ý, nửa như muốn nói cũng thăng trầm lắm. Có nghề nào không phải lên thăng xuống trầm, có nghề nào mà ngay lập tức một bước giàu ngay; phải can qua, phải cười phải khóc… mà ông dường như cũng đang rất tự hào: “Có chứ, tôi là một tỷ phú nông dân!”.

2. Chiếc Ford Ranger cam băng qua con đường tung bụi trắng xóa. Dân chơi Võ Quan Huy tự cầm lái đưa chúng tôi đi thăm vườn chuối. Từ lâu, hình ảnh người đàn ông tóc bạc trắng với khuôn mặt hồn hậu lái xe thăm vườn dường như đã quá quen thuộc với người dân nơi đây và càng không xa lạ với những nhân công làm vườn.

Xe dừng, theo ông đi sâu vào vườn, những thân chuối tròn lẳng, xanh mơn, xếp hàng thẳng tắp rì rào đón chào khách. Ông gọi một người làm vườn, hỏi thăm “Mày với thằng X. còn hẹn hò không?” Cô gái cười bẽn lẽn, quay đi tiếp tục công việc.

Có hàng trăm nhân công đang làm việc cho trang trại của ông Huy, họ được chia ra các bộ phận chăm sóc cây chuối, thu hoạch chuối, nhân công nhà xưởng, chế biến… Nghe hỏi về “chú Huy”, đôi mắt ai cũng long lanh rực sáng, họ kể về ông chủ dân chơi này nhiều lắm, kể chuyện tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho họ, lại kể về một ông chủ thân thiện, tận tâm đôi khi có khó chịu vì tính chất công việc nhưng luôn giữ một trái tim hiền hòa, lương thiện, bao dung với mọi người.

Lần đầu tận mắt chứng kiến một trang trại xanh – sạch – đẹp bát ngát trước mắt toàn chuối là chuối, chúng tôi thi nhau hỏi thăm về chuyện điền viên, hỏi nhiều đến mức không còn nhớ đâu là chủ đề chính khi đến đây.

Cả chủ lẫn khách đều như ngấm rượu sâu hơn dưới gió chiều man mát. Nhớ đâu, hỏi đấy. Nghe điều gì, chép lại điều ấy…

Ông Huy bắt đầu trồng chuối từ năm 2014 rồi đăng ký thương hiệu Fohla (Fruit of Huy Long An) từ giữa năm 2015, những năm đầu, công ty đã xuất khẩu được trên 4.000 tấn. Trong đó, thị trường khó nhằn như Nhật Bản chiếm 40%, còn lại là thị trường Trung Quốc và lân cận. Không chỉ vậy, các thương gia ở Dubai đã tìm về tận vườn của ông Huy kiểm tra, đánh giá và ký một số hợp đồng dài hạn để đưa Fohla có mặt tại các nước thuộc khu vực Trung Đông. Thành công hôm nay của ông đổi bằng những lần cay đắng thất bại, bằng những đêm thao thức nghĩ ra một lối đi riêng cho nông nghiệp, từ những cái lắc đầu từ chối của đối tác. Bền bỉ không bỏ cuộc để hôm nay có một doanh nhân tri điền Võ Quan Huy như một nét vàng son, là biểu tượng đáng tự hào của nhà nông khắp cả nước.

Ở tuổi 66, mái đầu đã bạc trắng từ lâu, đã nếm đủ ngọt bùi, cay đắng, thất bại, thành công, nhưng đối với ông, mỗi lần bắt đầu nuôi trồng một thứ gì mới, đó đều là một lần khởi nghiệp từ đầu, và mỗi lần khởi nghiệp là mỗi lần đầy trân trọng, nghiêm túc. Và với ông, thành công chỉ đến với những ai làm việc nghiêm túc và thật sự yêu công việc mình làm.

Nói đến gia đình mới biết, dân chơi cầm vô lăng Ford Ranger bạc tỷ này có hai người con trai. Hai người con là cả niềm tự hào, là tất cả vốn luyến của nả mà ông có trong cuộc đời này. Mang trong mình dòng máu thuần nông dân từ cha, trượng phu một túi kinh luân nhưng cả hai đều chuyên tâm hướng về nghề nông theo cách riêng. Một người tốt nghiệp đại học Nông Lâm rồi về bản xứ phụ giúp gia đình canh nông, một người du học ở New Zealand - quốc gia có cơ sở kinh tế nông - công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới, lo liệu rất nhiều cho doanh nghiệp của cha trong khâu tài chính và xuất khẩu.

3. Nắng mùa này phóng khoáng giòn rụm, cảm giác như mọi ảnh vật đều được tô vẽ thêm nét vàng tươi.

Chia tay Đồng Tháp Mười, không có núi non hùng vĩ, chẳng có thắng cảnh ngợp lòng, chỉ có sau lưng là san sát ruộng đồng cò bay thẳng cánh, nắng chiều ươm ươm những bông lúa cúi đầu và một trời chuối bạt ngàn xanh tươi theo gió rì rào chia tay người viễn khách.

Bài: Kiều Trang - Tiến Đạt - Anh Ngọc

Thiết kế: Thúy Hà