Ga Hàng Cỏ - Chứng nhân lịch sử ít được biết đến của Hà Nội

Cả một thế kỷ dài đằng đẵng. Không phải dăm ba hôm. Ngày rộng tháng dài qua đi. Khi tin tức về việc di dời ga Hà Nội tràn ngập trên các mặt báo, lòng người Hà Nội lẫn những người con xa xứ lại bồi hồi, bịn rịn đến lạ thường.

Vắt mình qua nhiều thập kỷ, đã 124 năm, một nhà ga lặng lẽ tiễn kẻ đi xa, đón người trở về. Tấp nập, nhộn nhịp bao chuyến hàng. Từ khi tiếng còi tàu đầu tiên rền vang vào năm 1902, cuộc sống người dân đất thị thành nơi kinh kỳ đã nhiều đổi khác.

Nói về ga tàu này, nhà thơ Tản Đà đã từng viết:

“Kẻ ra Hải Phòng, kẻ đi Vinh

Kẻ ngược Lào Kay, kẻ lên Lạng

Chuyến ấy qua xong, chuyến khác về

Sớm sớm, trưa, chiều, đưa, đón rước

Bao nhiêu nhanh chóng bấy nhiêu tiền

Đã tiện cho dân lại lợi nước

Nghĩ xem một đường hỏa xa

Thực người đời nay sướng hơn trước”.

Ấy là ga Hàng Cỏ xưa, ga Hà Nội nay.

Ảnh tư liệu: Toàn cảnh ga Hàng Cỏ

Lần đầu tiên, một nhà ga xe lửa hiện đại với những con tàu dài lộ diện ở Hà Nội. Chẳng ai có thể ngờ được nơi gần bãi lau chợ cỏ thuộc thôn Tiên Mỹ, huyện Thọ Xương của kinh thành Thăng Long khi xưa, lại có ngày là nơi tọa lạc một khu nhà ga bề thế đến vậy.

Bức ảnh tư liệu quý giá này không chỉ thể hiện được khu chính của nhà ga mà còn thấp thoáng bóng dáng các bà các cụ khi xưa gánh cỏ trên vai đến khu chợ ngay cạnh đó.

Hàng Cỏ là tên một ngõ nhỏ nằm trên đường Trần Hưng Đạo ngày nay. Xưa kia, nơi này là chợ cỏ. Cỏ từ các nơi được gánh gồng về chất thành đụn. Những đống cỏ tươi thơm mát được cắt từ triền đê sông Hồng mang về ở chợ Hàng Cỏ.

Có lẽ từ ấy, cái tên ga Hàng Cỏ ra đời. Hàng Cỏ, cách gọi vừa chân phương dân dã, vừa mộc mạc thân thương như một cách định danh hồn cốt dân tộc, mà không phải một tên gọi tiếng Pháp nào cả.

Hàng Cỏ - nhà ga cổ xưa nhất Việt Nam đã 124 năm chứng kiến bao cuộc khói lửa trầm hùng của dân tộc. Những gánh cỏ ngựa, cỏ bò ấy không chỉ gợi lại những năm tháng xưa của đất kinh kỳ, mà còn biểu tượng cho một nhà ga gồng gánh sự đổi mới của dân tộc.

Ga Hàng Cỏ - Chứng nhân lịch sử

Năm 1897, Paul Doumer nhậm chức toàn quyền Đông Dương. Việc mở mang các công trình giao thông là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Bởi vậy 1 năm sau, Paul Doumer cho xây dựng ga tàu ở cuối phố Gambetta (phố Trần Hưng Đạo hiện nay) và đường Mandarine (đường Lê Duẩn hiện nay), trong đó có một phần là trường đua ngựa mới thành lập (Cung văn hóa Hữu Nghị hiện nay).

Một chứng nhân lịch sử ít được biết đến

Ảnh tư liệu: Tại sảnh chính ga Hàng Cỏ xưa trong ngày khánh thành tuyến đường bộ qua cầu Doumer (cầu Long Biên)

Ga tàu được khởi công xây dựng năm 1899, đi vào hoạt động năm 1902, được gọi là ga Trung tâm Hà Nội. Ga Trung tâm Hà Nội thuở ban đầu chỉ có dãy nhà chính trông ra đầu phố Gambetta (phố Trần Hưng Đạo ngày nay).

Ga Hàng Cỏ rộng hơn 21 ha. Trong đó, diện tích xây dựng là 105.000m2 nhà ga, còn lại là sân ga, đường sắt, nhánh đường tránh, nơi bốc dỡ hàng.

Ảnh tư liệu: Khi cầu Doumer (cầu Long Biên) khánh thành thì ga Hàng Cỏ cũng hoàn thành, được đưa vào sử dụng những km đường sắt đầu tiên sang Gia Lâm.

Nhìn lại những năm tháng ấy, việc "mở mang" ở Đông Dương những năm đầu thế kỷ XIX, ngoài cầu Long Biên thì ga Hàng Cỏ cũng được xếp vào loại công trình thế kỷ.

Ảnh tư liệu: Cầu Doumer bắc qua sông Hồng (cầu Long Biên)

Ga Hàng Cỏ là chứng nhân cho những trang sử mới của dân tộc. Suốt chiều dài xây dựng và phát triển đất nước, ga Hàng Cỏ đã chứng kiến biết bao chuyến tàu rời ga đưa dân quân theo tiếng gọi của miền Nam thời kỳ kháng chiến. Những nỗi niềm, những giọt nước mắt và cả hy vọng mong chờ gửi theo đoàn tàu của người đi xa lẫn kẻ ở lại.

Tại sân ga ấy, là nơi gieo mầm cho sự thay đổi tốt đẹp và lớn mạnh hơn.

Ảnh tư liệu: Quang cảnh bên trong ga và những lúc ga Hàng Cỏ vắng khách

Hơn trăm năm đồng hành cùng thăng trầm của dân tộc

Sau khi khánh thành ga Hàng Cỏ, cũng là năm cây cầu Doumer (cầu Long Biên) vượt sông Hồng được đưa vào sử dụng. Tiếp đó là đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn (1902), rồi đến Hà Nội - Hải Phòng (1903) dài 102km, sau đó là Hà Nội - Lào Cai (1905)

Khi ga đi vào hoạt động, các vùng phụ cận như Khâm Thiên, Vọng, Nam Đồng dân cư ngày một đông đúc dần. Lúc ấy, Khâm Thiên trở thành phố cô đầu. Nhộn nhịp và sầm uất hơn hẳn. Bởi vậy, chính quyền phải làm thanh chắn, cho người gác mỗi khi có tàu chạy qua.

Một vài chuyến tàu đã đành, hàng ngày có vài chục chuyến tàu đến và đi từ ga Hàng Cỏ. Sự ồn ứ ngày một trầm trọng và bất tiện. Số người ngày một dâng lên, chuyến tàu ngày một nhiều hơn nhưng diện tích nhà ga thì không nở ra thêm tí nào.

Ảnh tư liệu: Ga tàu tấp nập bao nhiều thì cuộc sống của người dân cũng nhộn nhịp bấy nhiêu.

Cũng vì nguyên nhân này mà trong một chuyên đề của thời báo Thức tỉnh kinh tế Đông Dương (L'Eveil e'conomique de L'Indichine) vào ngày 15/6/1924 đã đưa ra kiến nghị quy hoạch lại ga Hàng Cỏ. Số tiền xây dựng ga quá lớn, ga lại mới đưa vào vận hành được 20 năm.

Giải pháp được thực hiện lúc bấy giờ là xây ga Vọng phía Nam và ga Đầu Cầu (nay là Long Biên) để giảm tải áp lực cho hành khách không cần trung chuyển qua ga Hàng Cỏ.

Ảnh tư liệu: Ga Hàng Cỏ xưa những năm 1921-1935.

Cuộc quy hoạch thành phố được toàn quyền Jean Decoux phê duyệt năm 1943 đưa Hà Nội mở rộng lên phía hồ Tây và phía Nam với nhiều đường lớn. Kiến trúc sư trưởng của Hà Nội lúc ấy là Henri Vildieu quy hoạch lại thành phố theo kiểu đô thị phương Tây.

Suốt từ những năm tháng kháng chiến, đến khi thủ đô Hà Nội được giải phóng, những chuyến tàu vẫn luôn đồng hành cùng quân dân, tiếng còi tàu hú vang lên đường trong sự hy vọng.

Năm 1972, cuộc tập kích của giặc vào miền Bắc khiến sảnh chính của nhà ga bị đánh sập. Sảnh được xây lại sau đó theo kiểu mới chẳng có chút ăn nhập gì với tổng thể kiểu cũ được xây trước kia. Một năm sau, để giảm tải vận chuyển, tàu hàng sẽ dừng ở ga Giáp Bát và bốc dỡ hàng tại đây.

Ảnh tư liệu: Bên trong sảnh chính nhà ga.

Năm 1976, ga Hàng Cỏ đổi tên thành ga Hà Nội. Sự kiện đáng nhớ đánh dấu mốc thời gian này chính là dịp thông tuyến đường sắt Thống Nhất, nối liền hai miền Bắc-Nam sau 30 năm chia cắt.

Hiện tại, mặc dù có nhiều phương tiện hiện đại khác, nhưng 8 làn đường nhánh của ga Hà Nội vẫn rộn ràng những chuyến đi. Không chỉ có các toa tàu truyền thống, những toa tàu du lịch thế hệ mới, nội thất sang trọng và tiện nghi cũng được đưa vào phục vụ. Xưa kia, người trẻ có thể không "mặn mà" với việc du lịch bằng tàu hỏa, nhưng hiện tại, việc du lịch bằng các chuyến tàu giúp họ ghi lại được nhiều khoảnh khắc đẹp đẽ và cực "nghệ" của vẻ đẹp đất nước.

u@camnhung, @taxuanhuong

Tạm biệt đoạn đường cũ…

Ngay từ những buổi bình minh của Hà Nội, mỗi một công trình đều là một mảnh nhỏ giúp tôn tạo và góp phần giữ gìn giá trị văn hóa của nơi này. Muốn xã hội đi lên, cuộc sống ngày càng được hiện đại hóa, Hà Nội sẽ phải khoác lên mình nhiều lớp áo mới. Nhưng không vì thế mà mảnh đất ngàn năm văn vật này phải bỏ đi một phần lịch sử.

Mùa thu năm 2017, UBND TP. Hà Nội có đề xuất xây ga Hà Nội thành khu đô thị hiện đại kiểu Nhật gồm những tòa nhà cao từ 40 đến 70 tầng. Nhưng đề án này vấp phải nhiều tranh cãi. Dẫu biết muốn phát triển hơn, lịch sử phải nhìn về phía trước. Việc bảo tồn cũng cần phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Nhưng...

Ga Hàng Cỏ xưa đã có tuổi đời hơn 100 năm, cùng Hà Nội trải qua bao thăng trầm. Không chỉ là ký ức, là lịch sử, ga Hàng Cỏ xưa còn là di sản của Hà Nội, của dân tộc. Di sản ấy sẽ đồng hành như thế nào cùng sự đi lên của kinh tế lại là câu chuyện của các nhà quản lý.

Mới đây, Bộ GTVT có văn bản phản hồi đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội về kiến nhị đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng tổ hợp ga Ngọc Hồi. Theo đó, cơ sở hạ tầng tại ga Hà Nội, ga Giáp Bát sẽ được di dời để xây dựng tuyến tàu điện Yên Viên - Ngọc Hồi.

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Yên Viên - Ngọc Hồi dài 28,7km. Đường đôi khổ lồng 1.000mm và 1.435mm. Tuyến này sẽ được xây dựng hai cầu đường sắt mới qua sông Hồng và sông Đuống để thay thế cho cầu Long Biên và cầu Đuống "nghỉ hưu". Ga Hà Nội dự kiến trở thành ga trên cao nhiều tầng, đóng vai trò là ga trung chuyển.

Dời đi không có nghĩa là dừng lại. Ga Hà Nội tạm khép lại những năm tháng cũ và gánh trên vai một diện mạo mới. Đã từng là một phần của lịch sử, đắm mình vào dòng chảy phát triển của đất nước, chẳng một ai có thể lãng quên được giá trị của ga Hàng Cỏ xưa - Nơi trung chuyển bao sự đổi mới đến mọi miền đất nước.

Những nỗi niềm của ngày xa xưa được cất gọn trong ký ức về ga Hàng Cỏ. Đâu đó vẫn còn vang bóng hình ảnh hào hùng của quân dân chiến đấu anh dũng để bảo vệ nước nhà. Những chuyến tàu vun vút theo năm tháng, đi qua suốt bốn mùa xuân hạ thu đông, chạy dọc thế kỷ XXI chở theo nhiều ước mơ đổi mới.

Cùng là nhà ga ấy, mỗi một tên gọi gắn liền với một quãng đường phát triển của Hà Nội, của cả dân tộc Việt Nam. Ga Hàng Cỏ xưa, ga Hà Nội nay và sau này có lẽ là một cái tên khác. Nhưng nhà ga ấy đã hoàn thành vai trò cũ trong quá khứ, hiện tại và tương lai sẽ tiếp tục sứ mệnh theo tiếng gọi của sự đổi mới, đưa đất nước ngày một giàu mạnh, phồn thịnh hơn…