Duy trì sản xuất không để đứt gãy chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp

Tăng gia sản xuất bảo đảm cung ứng sản phẩm cho các tỉnh phía nam.

Nhiều khó khăn trong bảo đảm chuỗi giá trị sản xuất

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến khá phức tạp, nhưng mỗi ngày, Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco xuất ra hơn 3.000 con lợn, bảo đảm giá lợn hơi tại các địa phương dao động quanh mức 55.000 đồng/kg. Cùng với thịt lợn, Dabaco còn cung ứng ra thị trường 800 nghìn quả trứng/ngày, và liên tục sản xuất 3 ca để bảo đảm lượng dầu ăn ra thị trường.

Ông Nguyễn Như So, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cho biết, kinh nghiệm của Dabaco, là sớm tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người lao động, thực hiện phương án “3 tại chỗ”, và chủ động khoanh vùng nguy cơ ở khâu vận chuyển. Công ty cũng chủ động mở nhiều điểm bán hơn so với trước dịch và giãn cách nhân công tại nhà máy.

Ngoài Dabaco, Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) cũng cho biết, công ty hiện duy trì chế biến từ 400 đến 500 tấn nguyên liệu một ngày, tạo ra 150-180 tấn thành phẩm. Ngoài sản phẩm dứa truyền thống, công ty còn thu mua xoài, ngô ngọt Sơn La, măng Yên Bái, và chanh leo Gia Lai để đa dạng hóa thành phẩm.

Ngoài điểm sáng ở các chuỗi giá trị lớn, ngành nông nghiệp vẫn còn khó khăn. Ông Nguyễn Xuân Dương, thành viên Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến các cơ sở không nằm trong chuỗi giá trị. Những cơ sở này dễ bị đứt gãy chuỗi sản xuất và bị phụ thuộc vào đối tượng thu gom.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Việt Nam nêu khó khăn trong việc kiểm dịch giống. Ông Sơn đề nghị, giảm chi phí kiểm dịch cho những cơ sở đã đạt chứng chỉ an toàn dịch bệnh, đồng thời linh hoạt các phương án cho doanh nghiệp được duy trì sản xuất.

Với những doanh nghiệp nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thủy sản, khó khăn trong đợt dịch đẩy chi phí sản xuất lên cao, nhưng giá bán lại đi xuống.

Ông Lê Việt, đại diện HTX Sản xuất và Thương mại Xuyên Việt cho biết, giá cá rô phi của HTX hiện thấp hơn giá sản xuất từ 3.000 - 5.000 đồng/kg. Trong bối cảnh, giá thức ăn chăn nuôi tăng, chi phí lưu thông tăng, HTX lại chưa có nhà máy chế biến sâu ở ngoài miền bắc, sản lượng cá xuất ra giảm. Chẳng hạn, với đầu mối là chợ cá Yên Sở, hiện HTX Xuyên Việt chỉ còn cung ứng 3-5 tấn/ ngày, thay vì 10-15 tấn trước đây.

Cùng chung quan điểm, Công ty Thủy sản Lenger Việt Nam cũng chia sẻ, chi phí để sản xuất “3 tại chỗ” quá cao. Bên cạnh đó, chi phí xét nghiệm Covid-19 hằng ngày, trang bị quần áo bảo hộ cho công nhân trong nhà máy, có thể tiêu tốn tới cả triệu đồng/ người mỗi ngày.

Sẵn sàng sản xuất cung ứng cho phía nam

Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến khẳng định, các tỉnh phía bắc phòng, chống dịch Covid-19 tương đối tốt. Do đó, nhiệm vụ của Tổ công tác 3430 cũng như các địa phương không chỉ dừng ở đây.

"Chúng ta đều biết, rằng các tỉnh phía nam đang bị ảnh hưởng bởi Covid-19 nặng nề. Bên cạnh thúc đẩy tái sản xuất sau khi kiểm soát dịch bệnh, ngành nông nghiệp còn phải tính toán đến một lượng dự trữ, không những phục vụ nội tiêu tại chỗ, mà còn sẵn sàng đưa vào phía nam. Đây là yêu cầu cấp thiết, giúp điều tiết được cung cầu và bình ổn giá", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.

Thứ trưởng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố và đề nghị UBND các cấp giải quyết triệt để các vấn đề về lưu thông, kho bãi và thu hoạch. Trong đó, thu hoạch lúa hè thu ở đồng bằng sông Cửu Long là nhiệm vụ cần ưu tiên, với chủ trương "xanh nhà hơn già đồng".

Trên cơ sở, xây dựng nền nông nghiệp Việt Nam trở thành trụ đỡ, là nền tảng cho nền kinh tế, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị sự chủ động, sáng tạo của các cơ sở, các địa phương.

Ông nhận xét: "Thực tế cho thấy, những chuỗi giá trị lớn chịu ít tác động hơn trước những biến động của thị trường và xã hội. Do đó, chúng ta cần tập trung củng cố, mở rộng các chuỗi".

Với riêng các đơn vị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu ngành trồng trọt, ngành bảo vệ thực vật theo dõi sát tình hình thời tiết khí tượng, thủy văn để chỉ đạo thời vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp. Với chăn nuôi, thú y, thủy sản, các ngành này cần tập trung hỗ trợ địa phương phát triển sản xuất, khôi phục đàn gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản sau dịch bệnh, triển khai các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học trên các đối tượng vật nuôi, nhất là đối với lợn, phát triển nuôi trồng các đối tượng chủ lực.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhấn mạnh, yêu cầu tiêm vaccine là cấp thiết nhất cho các doanh nghiệp lúc này.

Theo ông Nam, lực lượng lao động trực tiếp ở các cơ sở nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thủy sản nằm trong đối tượng có thứ tự ưu tiên thấp của Bộ Y tế. Do đó, doanh nghiệp khó có thể đẩy mạnh tiêm vaccine trên diện rộng.

“Chúng ta nên nghiên cứu quy tắc y tế tại chỗ, giống một số nước trên thế giới. Ngoài ưu tiên số một về phòng, chống dịch bệnh, ngành nông nghiệp cũng cần những giải pháp căn cơ phục hồi sản xuất. Chẳng hạn, giảm giá điện, các ưu đãi về bảo hiểm xã hội hay kinh phí công đoàn”, ông Nam chia sẻ.

THANH TRÀ