Dựng hàng rào, thả chó trên lối đi đang tranh chấp

Con đường từ rẫy của các ông Phan Văn Bé, Huỳnh Văn Sang (cùng ngụ xã Phú Lộc, H.Tân Phú) ra đường chính được một số người dân trong vùng cho biết là lối đi chung. Tuy nhiên, đến tháng 2-2020, ông C.A.B. (ngụ cùng địa phương) rào lối đi này và thả bầy chó dữ ra để bảo vệ đất. Ông B. cho rằng, lối đi này thuộc đất nhà ông.

Muốn đi từ ngoài đường vào rẫy, ông Huỳnh Văn Sang (ngụ xã Phú Lộc, H.Tân Phú) phải đi qua lối đi đã bị ông B. rào chắn và thả nhiều chó dữ. Ảnh: Đ.Phú

* Làm khó hàng xóm

Một số người dân sống lâu năm ở xã Phú Lộc cho biết, lối đi từ nhà và rẫy ông Sang, ông Bé ra bên ngoài là đường be rộng 3m, dài 180m có từ năm 1972 và nằm cặp theo đất của ông B. Chính vì vậy, con đường này được các hộ dân kè đá dọc theo lối đi nhằm phân định rõ lối đi chung.

Ông Nguyễn Văn To (ngụ xã Phú Lộc) kể, năm 1972, ông Nguyễn Văn Út (tự Út Mót) đến đây khai hoang trồng bắp, mì, màu. Ông Út Mót mở lối đi này để vận chuyển hàng hóa và cho ông Phan Văn Bé (cháu gọi bằng cậu) có rẫy phía trong đi lại. Sau này ông Út Mót chuyển nhượng lại cho ông Triết và từ đó được chuyển nhượng qua nhiều người, trong đó có bà Đặng Thị Kim Em và ông B.

Luật sư Nguyễn Văn Bá (Đoàn Luật sư tỉnh) cho biết, việc người dân tranh chấp nhau lối đi chung, ranh đất khá phố biến. Tuy nhiên, trong quá trình tranh chấp giữa đôi bên chưa được cơ quan có thẩm quyền giải quyết dứt điểm mà tự ý rào chắn, thả chó dữ ra uy hiếp đối phương là điều pháp luật, đạo đức xã hội không cho phép. Do đó, trước mắt, ông Sang, ông Bé nên tiếp tục nhờ địa phương can thiệp và bình tĩnh tránh xảy ra xung đột không đáng có.

Bà Đặng Thị Kim Em trình bày, do khu đất này chuyển nhượng qua nhiều chủ nên khi bà mua thì bề ngang con đường chỉ còn lại 1,9m. Để đi lại cho thuận lợi, năm 2007, bà đã thỏa thuận với các chủ đất liền kề mở rộng lối đi trở lại 3m như ban đầu và được mọi người đồng thuận. Năm 2009, bà mới chuyển nhượng lại cho ông B. và có thông báo rõ đó là lối đi chung của nhiều người.

Từ khi nhận chuyển nhượng từ bà Em, ông B. chuyển sang trồng cây ăn trái và có trồng hàng cây dọc theo lối đi này. Vì cây trồng đâm nhánh ra lối đi nên các ông: Sang, Bé có tự ý chặt bẻ nhánh cây cho khỏi vướng, va quẹt khi qua lại, vận chuyển nông sản. Chính vì vậy, ông B. bức xúc xây cổng chắn 2 đầu lối đi từ nhà và rẫy ông Bé đến nhà ông B. làm cho ông Bé, ông Sang không ra ngoài được. Khi rào chắn lại, ông còn khóa cổng, thả chó ra để uy hiếp nếu những ai cố tình qua lại lối đi này.

Vì bức xúc, ông Bé, ông Sang có đơn nhờ chính quyền địa phương can thiệp. Tuy địa phương đã mời đôi bên ra hòa giải bất thành, ông B. vẫn tạm thời nhượng bộ cho phép gia đình ông Bé, ông Sang tự mở cổng đi ra. Thế nhưng, vì bị bầy chó dữ của ông B. bủa vây, rình rập cắn, sủa nên mỗi khi ra ngoài các thành viên trong gia đình 2 ông đều cầm theo cây xua đuổi bầy chó. Sự việc này dẫn tới xung đột giữa các gia đình thêm căng thẳng.

“Gia đình tôi và ông Bé đã khởi kiện ông B. ra TAND huyện để đòi lại lối đi chung này vì gia đình chúng tôi không còn lối đi nào khác. Tuy nhiên, lối đi đang tranh chấp, ông B. không có quyền rào bít lại và thả chó ra ngoài uy hiếp gia đình chúng tôi như thế” - ông Sang nói.

* Quyền về lối đi qua

Luật sư Nguyễn Văn Bá (Đoàn Luật sư tỉnh) cho biết, yêu cầu mở lối đi qua của ông Sang và ông Bé là hợp lý. Theo quy định pháp luật hiện hành, 2 ông được hưởng quyền về lối đi qua theo Điều 254, Bộ luật Dân sự năm 2015. Điều luật này quy định, chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.

“Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi. Chủ sở hữu bất động sản hưởng quyền về lối đi qua phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản chịu hưởng quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác” - luật sư Nguyễn Văn Bá nói.

Còn việc ông B. thả chó nhằm mục đích không để bên gia đình ông Sang, ông Bé ra ngoài có vi phạm pháp luật hay không? Luật sư Nguyễn Văn Bá cho biết, hiện pháp luật chỉ quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng. Trong khi ông B. thả chó thuộc phạm vi trong vườn nhà, phần đất đang tranh chấp, hành vi này hiện luật chưa quy định nên khó xử lý. Tuy nhiên, pháp luật vẫn có thể xử lý dân sự, hành chính ông B. nếu bầy chó không được tiêm vaccine phòng bệnh dại, cắn người (chủ phải bồi thường).

Đoàn Phú