Dự báo ảm đạm của OPEC+ khiến giá dầu tuột mốc 60 USD/thùng

Ảnh minh họa - Ảnh: Getty.

Giá dầu thế giới giảm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (31/3), sau khi nhóm OPEC+ cắt giảm dự báo về tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu năm 2020. Dữ liệu khả quan về ngành sản xuất Trung Quốc giúp giá dầu tránh được một phiên giảm sâu hơn.

Lúc đóng cửa, giá dầu thô Brent giao tháng 5 tại thị trường London giảm 0,48 USD/thùng, tương đương giảm 0,8% còn 63,66 USD/thùng.

Giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York trượt 1,13 USD/thùng, tương đương giảm 1,9%, còn 59,52 USD/thùng.

Một báo cáo từ ủy ban chuyên gia của OPEC+ do hãng tin Reuters thu thập được cho thấy liên minh này giảm 300.000 thùng/ngày trong dự báo về tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu năm 2021.

Liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh ngoài khối, tức OPEC+, sẽ có cuộc họp cấp bộ trưởng vào ngày thứ Năm (1/4) để quyết định mức sản lượng khai thác trong thời gian tới.

"Với triển vọng bi quan này, có vẻ như hạn ngạch sản lượng của OPEC+ sẽ được giữ nguyên thêm một tháng nữa", nhà phân tích Eugen Weinberg thuộc Commerzbank nhận định.

Hiện OPEC+ đang thực thi việc cắt giảm sản lượng hơn 7 triệu thùng dầu mỗi ngày để hỗ trợ giá dầu và giảm bớt lượng dầu tồn kho trên toàn cầu. Ngoài ra, Saudi Arabia còn tự nguyện cắt giảm thêm 1 triệu thùng/ngày.

"Thị trường dầu ngày hôm nay vẫn đang chơi trò đoán. Họ đoán xem OPEC+ sẽ quyết định mức sản lượng như thế nào trong cuộc họp ngày mai. Mức giá gần 64 USD/thùng của dầu Brent cho thấy các nhà giao dịch đang kỳ vọng vào một quyết định thận trọng từ liên minh này", nhà phân tích Louise Dickson thuộc Rystad Energy phát biểu.

Bình luận về quan điểm cho rằng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ cải thiện nhờ tiêm chủng ngừa Covid-19 được đẩy mạnh và sản lượng công nghiệp hồi phục, Bộ trưởng Bộ Dầu lửa Kuwait - ông Mohammad Abdulatif - bày tỏ "lạc quan thận trọng".

Diễn biến giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York từ đầu năm. Đơn vị: USD/thùng - Nguôn: TradingView.

Sản lượng dầu của OPEC tăng trong tháng 3 so với tháng 2, do nguồn cung từ Iran tăng dù các thành viên khác trong liên minh vẫn tuân thủ thỏa thuận hạn chế sản lượng - kết quả khảo sát của Reuters cho thấy. Nếu duy trì, sự gia tăng nguồn cung dầu từ Iran sẽ là một trở ngại đối với nỗ lực hỗ trợ giá dầu của OPEC+.

Báo cáo từ Viện Dầu lửa Hoa Kỳ (API) cho thấy lượng dầu tồn kho của Mỹ tuần qua tăng mạnh hơn dự báo. Số liệu chính thức sẽ được Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) đưa ra vào ngày 1/4.

Thống kê từ Trung Quốc ngày 31/3 cho thấy các nhà máy ở nước này đang tăng mạnh hoạt động sau, đưa chỉ số ngành sản xuất lên mức cao nhất 3 tháng. Dữ liệu này, cùng với kỳ vọng vào tiêm phòng Covid-19, giúp hạn chế mức giảm của giá dầu.

Diệp Vũ