Đóng cửa nhà máy ở Việt Nam, Nike có nguy cơ hết sạch giày

Theo báo cáo mới từ S&P Global Market Intelligence, Nike có nguy cơ cạn kiệt giày thể thao được sản xuất tại Việt Nam do tình hình căng thẳng của dịch bệnh.

Cảnh báo được đưa ra sau khi hai nhà cung cấp của thương hiệu thể thao Mỹ tại Việt Nam - Công ty Chang Shin Việt Nam và Tập đoàn Pou Chen - đã ngừng sản xuất do dịch Covid-19 bùng phát nhanh chóng.

Pou Chen đã ngừng hoạt động nhà máy ở TP.HCM đến ngày 23/7 để đảm bảo an toàn về sức khỏe. Họ cũng không mong đợi tác động tài chính lớn.

Dây chuyền sản xuất băng chuyền. Ảnh: CNBC.

Điều này xảy ra khi đại dịch xuất hiện làn sóng lây nhiễm mới khắp phía Nam và Đông Nam Á. Theo phân tích của Panjiva - bộ phận kinh doanh của S&P Global Market Intelligence, Việt Nam chiếm 49% tổng kim ngạch nhập khẩu đường biển của Mỹ liên quan đến Nike và các sản phẩm của hãng trong quý II.

So với cùng kỳ năm trước, con số này tăng 6,6%.

"Sức khỏe và sự an toàn của các đồng nghiệp cũng như nhà cung cấp vẫn là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi", phát ngôn viên của thương hiệu thể thao Mỹ chia sẻ với CNBC.

Thương hiệu tiếp tục làm việc với các nhà cung cấp để hỗ trợ và đối phó với diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Hãng mong muốn các nhà cung cấp ưu tiên sức khỏe và sinh kế của nhân viên. Đồng thời nhà cung cấp cần tuân thủ các yêu cầu pháp lý và quy tắc ứng xử của hãng về việc cung cấp tiền lương, phúc lợi và thôi việc.

Nhập khẩu của hãng tại Việt Nam dẫn đầu là giày dép, chiếm 82% các lô hàng trong 12 tháng (tính đến ngày 30/6). Điều này đặt ra câu hỏi liệu các thương hiệu giày sneaker lớn khác có thể đối mặt với những thách thức tương tự hay không.

Việt Nam chiếm 49% tổng kim ngạch nhập khẩu đường biển của Mỹ. Ảnh: Reuters.

Hầu hết giày dép của Nike được sản xuất bên ngoài Mỹ. Công ty cho biết các nhà máy theo hợp đồng tại Việt Nam sản xuất khoảng 50% tổng số giày dép của thương hiệu trong năm 2020. Song họ không nêu rõ sản lượng đến từ Changshin hay Pou Chen.

Theo nhà phân tích Shaun Rein, việc đóng cửa các nhà máy trong một hoặc hai tuần gây ra vấn đề lớn cho chuỗi cung ứng của hãng.

Đặc biệt, đây là thời điểm ngành bán lẻ bước vào mùa tựu trường quan trọng. Các công ty có thể đã nhận và cất giữ hàng hóa trong kho cho đến hết mùa thu. Thời điểm này, nhiều doanh nghiệp sẽ đặt hàng cho dịp lễ.

Những trở ngại khác bao gồm tình trạng thiếu container hàng hóa và thiếu chỗ trống tại các cảng. Chúng khiến chuỗi cung ứng gặp khó khăn trong những tháng gần đây.

Phương An