Doanh nghiệp bất động sản trông chờ nhiều chính sách mới được ban hành

Các doanh nghiệp địa ốc tin tưởng khi dịch được kiểm soát, giao dịch sẽ bùng nổ ảnh: t.t

Rào cản vẫn là chính sách

Các đợt dịch xảy ra liên tiếp và kéo dài, làm đảo lộn mọi kế hoạch, dự định của doanh nghiệp địa ốc, song theo chia sẻ của nhiều doanh nghiệp, có những yếu tố để họ hy vọng, bởi về cơ bản thị trường vẫn giữ được nền tảng vững chắc, tình trạng giảm giá, bán tháo không những không diễn ra, mà ngược lại, cứ sau mỗi lần dịch bùng phát, sự hồi phục của thị trường còn trở nên mạnh mẽ hơn, cả hoạt động giao dịch lẫn giá cả đều tăng.

Tuy nhiên, bức tranh thị trường hiện nay còn nhiều vướng mắc, đặc biệt là sự chồng chéo trong các văn bản pháp luật thuộc lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường, nhà ở, kinh doanh bất động sản.

Ông Phạm Thanh Hưng, Phó chủ tịch Tập đoàn Cen Group cho rằng, những chính sách mang tính cởi mở và tạo điều kiện thông thoáng cho môi trường kinh doanh rất được doanh nghiệp hoan nghênh, nhưng từ khi ban hành chính sách tới việc cụ thể hóa còn độ trễ lớn.

“Có những chính sách được doanh nghiệp nhiều lần góp ý và mong muốn cơ quan quản lý sớm thay đổi. Chẳng hạn, sửa đổi Luật Đất đai, trong đó giao quyền sử dụng đất và quyền tài sản gắn liền với đất rõ ràng, rành mạch để doanh nghiệp có thể ghi nhận vào báo cáo tài sản của doanh nghiệp mình. Đặc biệt là loại tài sản gắn liền với đất đi thuê trả tiền hàng năm. Tài sản thì của doanh nghiệp, nhưng lại nằm trên đất thuê, nên khó trong việc thế chấp tài sản, đồng thời ghi các quyền tài sản đó khi hạch toán”, ông Hưng nói.

Ông Hưng cũng bày tỏ mong muốn Nhà nước sớm có cơ chế tháo gỡ trong việc doanh nghiệp được phép huy động vốn bằng nhiều hình thức như các quỹ tín thác, chính sách, chủ trương của Chính phủ đã cởi mở nhưng vẫn còn thiếu văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện. Hiện nay tại Việt Nam, mới có 1 - 2 quỹ tín thác (REIT) được cấp phép, nhưng chưa có hoạt động đáng kể, vì còn thiếu văn bản hướng dẫn.

Đồng quan điểm, ông Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp địa ốc đang rất mong chờ những giải pháp hỗ trợ thiết thực từ cơ quan quản lý để vượt qua khó khăn do dịch bệnh.

“Nhiều chính sách đã được ban hành, nhưng việc thực hiện lại không như mong muốn. Trong khi đó, nhiều đề xuất lại không cụ thể hóa, chưa đi sát với thực tiễn của thị trường hoặc chưa phù hợp với giai đoạn phát triển”, ông Tùng nhấn mạnh.

Mong muốn động thái hỗ trợ cụ thể hơn

Về lâu dài, thị trường bất động sản được đánh giá là còn nhiều dư địa phát triển, nhưng diễn biến phức tạp và kéo dài của dịch bệnh đang khiến các doanh nghiệp địa ốc gặp khó khăn, phải gồng mình chống đỡ, cần động thái hỗ trợ cụ thể hơn của Nhà nước như nhanh chóng tháo gỡ khó khăn về thủ tục pháp lý dự án, kinh doanh bất động sản…

Đánh giá thị trường trong thời gian tới, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, thị trường vẫn tiếp tục gặp khó khăn do dịch bệnh và do các cơ chế về đất đai vẫn chưa được tháo gỡ kịp thời.

Theo ông Khởi, từ nay đến cuối năm sẽ có nhiều chính sách mới được ban hành, từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản. Trong đó, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu trình Chính phủ vào quý III hoặc quý IV/2021 để ban hành nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản, nhằm kiểm soát các hoạt động giao dịch của thị trường, đặc biệt là giao dịch liên quan đến đất nền; nghị định về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản nhằm kiểm soát, bảo đảm thị trường phát triển ổn định, lành mạnh.

Song, các chính sách liên quan đến bất động sản có độ trễ tương đối lâu so với chính sách khác, thường phải 6 tháng trở ra mới có tác động nhiều đến thị trường, do đó, các doanh nghiệp cần có chiến lược kinh doanh bài bản để tránh bị tác động xấu ảnh hưởng.

Ở góc nhìn khác, theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thị trường bất động sản năm 2021 sẽ tiếp tục nhận được nhiều xung lực phát triển mới từ một loạt nhân tố, bao gồm việc điều chỉnh nhiều thể chế về xây dựng và kinh doanh bất động sản, về cơ cấu cung - cầu và tăng cường áp dụng công nghệ tiếp thị, chính sách khuyến mại trong phân phối và khai thác sản phẩm.

Đặc biệt, việc kéo dài thời gian nộp thuế và giảm bớt gánh nặng các nghĩa vụ tài chính đang được thực hiện cho cả năm 2020 - 2021 cũng giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực trong kinh doanh bất động sản.

“Năm 2021 đang là thời điểm lãi suất thấp nhất trong 15 năm qua. Lãi suất hạ luôn là xung lực tốt cho thị trường bất động sản vì giúp giảm được chi phí vốn và điều kiện trả nợ, do đó các hộ gia đình, người trẻ sẽ thuận lợi để mua nhà hay đầu tư”, ông Lộc nói.

Trọng Tín