Định vị thương hiệu du lịch quốc gia: Chớ nên 'ăn mày dĩ vãng'

Vịnh Hạ Long, di sản thiên nhiên thế giới được UNIESCO công nhận. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Mặc dù cả nước vẫn đang vật lộn trong cuộc chiến với COVID-19, các đơn vị kinh doanh dịch vụ bầm dập vì đại dịch… thì toàn ngành du lịch không vì thế mà “chịu chết.”

Thời điểm này, Chính phủ, các cấp quản lý đã và đang vạch ra lộ trình dài hơi cho nền kinh tế xanh phục hồi, doanh nghiệp ngày ngày nỗ lực bám trụ đến hơi thở cuối cùng với tinh thần không bao giờ bỏ cuộc... Song, giữa ngổn ngang trăm mối vẫn có một bài toán cần đặt ra và làm rõ là du lịch Việt sẽ bắt đầu từ đâu hậu COVID-19?

Phải định vị thương hiệu du lịch quốc gia

Tạm đặt sang một bên những “gánh lo” sinh kế làm sao doanh nghiệp có thể tồn tại đến hồi “thái lai,” đưa du lịch cất cánh trở lại, có một việc ngành công nghiệp không khói cần và có thể làm ngay là định vị thương hiệu quốc gia.

Bởi những năm tới đây, khi đại dịch được kiểm soát, du lịch thế giới chắc chắn sẽ bùng nổ sau thời gian dài kìm nén. Vậy, giữa cả kho tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, ẩm thực và con người nhiều tiềm năng của Việt Nam, các cấp quản lý cần chọn tài nguyên nào vượt trội nhất, mạnh nhất xây dựng thành thương hiệu du lịch quốc gia, để hễ nhắc đến Việt Nam du khách nghĩ ngay đến sản phẩm đó.

Đáng tiếc cho đến nay, chúng ta vẫn chưa chỉ rõ được chính xác “kim chỉ nam” đó là gì để doanh nghiệp trên cả nước cũng như các địa phương tập trung xây dựng và khai thác sản phẩm cho trúng.

Du khách quốc tế trải nghiệm di sản thiên nhiên thế giới ở Việt Nam. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Chủ tịch Hội đồng quản trị Lux Group (Tập đoàn chuyên cung ứng các dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp), ông Phạm Hà chia sẻ: “Theo hơn 20 năm kinh nghiệm làm du lịch của tôi, bằng tình yêu với du lịch và sự hiểu biết về đất nước mình, Việt Nam nên định vị thương hiệu quốc gia là điểm đến di sản.”

Theo ông Hà, bất cứ vùng miền nào ở Việt Nam cũng có những di sản vật thể hoặc phi vật thể. Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới có tới 39 di sản; trong đó có 8 di sản thế giới được UNESCO công nhận, 12 di sản văn hóa phi vật thể, 7 di sản tư liệu, 9 khu dự trữ sinh quyển thế giới và 3 công viên địa chất toàn cầu.

Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, Vịnh Hạ Long, quần thể di tích Cố đô Huế, Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Thành nhà Hồ, quần thể danh thắng Tràng An… chính là những “nam châm” hút khách quốc tế, có thể đưa Việt Nam trở thành điểm đến di sản hấp dẫn hàng đầu.

Bằng chứng là Tổ chức giải thưởng du lịch thế giới (World Travel Awards-WTA) đã vinh danh Việt Nam là “Điểm đến di sản hàng đầu thế giới” hai năm liên tiếp (2019-2020).

Có thể nói “mỏ kim cương” di sản ở Việt Nam cần được trân quý, bảo tồn, nâng tầm cao mới, tôn vinh và lan tỏa mạnh mẽ bằng cách trở thành một thương hiệu du lịch quốc gia, để khách quốc tế phải trầm trồ và tò mò, khao khát được đến tận nơi trải nghiệm.

Hoa hậu H'Hen Niê trong lòng hang Sơn Đoòng. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

“Xây dựng di sản thành thương hiệu du lịch quốc gia nhưng phải sáng tạo, không ‘ăn mày di sản’ hay ‘ăn mày dĩ vãng,’ càng không thể vì mục đích tăng giá trị di sản mà phá đi làm lại. Phải làm sao để khách du lịch khắp nơi trên thế giới được chiêm ngưỡng di sản và tôi tin họ có quyền thưởng thức di sản đúng như giá trị vốn có của nó,” ông Hà nhấn mạnh.

Di sản sẽ mở đường, dẫn lối

Chọn di sản không có nghĩa những tiềm năng, loại hình khác bị bỏ rơi, không có nghĩa “em xinh em đứng một càng xinh.” Bởi chỉ cộng sinh mới tạo ra nhiều hơn một giá trị cốt lõi.

Từ du lịch di sản có thể dễ dàng thiết lập mạng lưới, cùng khai thác các loại hình khác. Du khách quốc tế hay khách nội địa vì muốn chiêm ngưỡng di sản sẽ đến tận nơi, nhưng họ cũng cần những trải nghiệm khác như tìm hiểu văn hóa, ẩm thực bản địa, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe-sắc đẹp, chơi golf hay tham gia các sự kiện như show biểu diễn nghệ thuật, đua xe công thức 1, marathon…

Câu chuyện về thương hiệu và liên kết cũng đã được đề cập trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm giai đoạn 202-2030 với nội dung: “Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch, bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển đồng bộ, bền vững và hội nhập quốc tế; chú trọng liên kết giữa ngành du lịch với các ngành, lĩnh vực khác trong chuỗi giá trị hình thành nên các sản phẩm du lịch để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.”

“Xây dựng, phát triển và định vị thương hiệu du lịch quốc gia gắn với hình ảnh chủ đạo, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Đến năm 2030, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 47-50 triệu lượt, du lịch đóng góp khoảng 14-15% GDP và nâng tỉ trọng khu vực dịch vụ trong GDP lên trên 50%.”

Có một phố cổ Hội An thu nhỏ. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Điều đáng nói là định vị thương hiệu quốc gia được xác định, nhưng trong chiến lược lại không chỉ rõ định vị thương hiệu đó là gì, tập trung vào đâu, cách làm như thế nào?

Vậy làm sao để du lịch di sản sớm trở thành bệ đỡ, giúp nền kinh tế xanh nhanh chóng phục hồi sau cơn “sóng thần COVID”? Không gì khác chính là chuyển đổi số, đáp án chung của hầu hết các chuyên gia.

“Công nghệ điện toán đám mây sẽ đồng hành với du lịch Việt Nam trong tương lai. Vì thế, chuyển đổi số cần được thực hiện càng sớm càng tốt, hỗ trợ nâng tầm và lan tỏa di sản Việt. Thời điểm này đã khác trước lắm rồi, ai ‘ăn cắp’ sản phẩm, ‘ăn cắp’ thương hiệu sẽ ‘chết’ ngay. Tất cả là nhờ chuyển đổi số,” ông Phạm Hà khẳng định.

Và thực tế, cả thế giới đã và đang trải qua cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chiếc “bánh xe” lịch sử mang tên chuyển đổi số đang lăn qua tất cả các ngành nghề, lĩnh vực.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Nguyễn Văn Hùng cũng nhận thức rõ giá trị và vai trò của di sản đối với du lịch Việt. Trong một cuộc họp gần đây với Tổng cục Du lịch, Bộ trưởng chỉ đạo cần phải có giải pháp phát huy giá trị di sản, di tích thông qua du lịch.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Ông Hùng nhấn mạnh việc cần ngay chương trình phối hợp với Tổng Cục du lịch để triển khai đồng bộ việc phát huy giá trị di sản, tạo điểm đến hấp dẫn. Việt Nam được các tổ chức quốc tế xếp hạng là điểm đến hàng đầu về di tích di sản, lợi thế này cần phát huy…

Để tổng rà soát các di sản, di tích đã được xếp hạng, Bộ trưởng yêu cầu cần có nghiên cứu bài bản để báo cáo lãnh đạo Bộ thống nhất chủ trương, lộ trình thời gian tới.

Có thể nói, với chủ trương này, di sản Việt Nam giống như nguồn nguyên liệu tươi ngon đang sẵn trong vườn, chỉ chờ một bếp trưởng có tay nghề và cái tâm thấu hiểu “khẩu vị” khách du lịch để chế biến thành những món “đặc sản” hấp dẫn nữa thôi./.

Xuân Mai (Vietnam+)