Đinh Tiên Hoàng - Vị hoàng đế đầu tiên của Việt Nam sau 1000 năm Bắc thuộc

Người có công đánh dẹp loạn 12 sứ quân

Theo tài liệu của Ban Tuyên giáo Trung ương biên soạn, Đinh Tiên Hoàng (tên thật là Đinh Bộ Lĩnh), người làng Đại Hữu, châu Đại Hoàng (nay là thôn Văn Bòng, xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình), là con thứ của Thứ sử Đinh Công Trứ (Thứ sử Châu Hoan, kiêm Ngự phiên Đô đốc dưới thời Dương Đình Nghệ và Ngô Quyền); mẹ là Đàm Thị.

Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng, xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.

Sau khi cha mất, Đinh Bộ Lĩnh cùng mẹ và đám gia nhân về quê Đại Hoàng sinh sống. Uy thế chính trị của cha đã tạo cho cậu thiếu niên Đinh Bộ Lĩnh một vị thế của "con nhà nòi", dòng họ vọng tộc ở châu Đại Hoàng mà không một đứa trẻ nào ở vùng núi rừng này có được.

Đinh Bộ Lĩnh mồ côi cha từ nhỏ, mẹ họ Đàm đưa gia thuộc về quê sinh sống. Vốn con nhà quan tướng lại thường xuyên được gia bộc tài giỏi rèn tập binh thư, võ nghệ, Đinh Bộ Lĩnh tài giỏi ngay từ thuở thiếu niên. Bộ Lĩnh thường tổ chức tập trận, được bạn bè suy tôn làm trưởng. Khi chơi đùa cũng như luyện tập, bạn bè thường làm kiệu khiêng và cầm hoa lau đi hai bên để rước như nghi trượng thiên tử. Nhân dân trong vùng dẫn con em đến theo rất đông rồi lập làm trưởng sách Đào Áo (nay thuộc các xã Gia Hưng, Gia Phú, Liên Sơn, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình).

Đinh Bộ Lĩnh xây dựng lực lượng ngày một lớn mạnh vừa đánh dẹp vừa thu phục các sứ quân khác. Đinh Bộ Lĩnh đánh đến đâu đều thắng dễ như chẻ tre, gọi là Vạn Thắng Vương.

Sau khi Ngô Quyền mất (năm 944), triều đình rối ren, không thể với tay kiểm soát các địa phương xa xôi, Đinh Bộ Lĩnh đã cùng các bạn thân thiết như Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Trịnh Tú, Lưu Cơ (là người cùng quê) cùng chiêu tập quân sỹ, xây dựng căn cứ tại Thung Lau (nay thuộc xã Gia Hưng).

Vốn là một hào kiệt có nhãn quan chính trị sáng suốt, Đinh Bộ Lĩnh sớm nhận ra sự yếu kém của những người kế tục sự nghiệp của Ngô Quyền ở Cổ Loa nên đã liên kết với sứ quân Trần Lãm ở Bố Hải khẩu (vùng Thái Bình ngày nay) để phát triển lực lượng. Trước thanh thế của ông, một trong những sứ quân hùng mạnh nhất khi ấy là Phạm Phòng Át ở Đằng Châu (vùng Hải Dương ngày nay), người đã từng chiếm giữ cả một vùng đông bắc rộng lớn, đã dẫn quân về Hoa Lư hợp sức và được Đinh Bộ Lĩnh phong là thân vệ Đại tướng quân.

Trong khoảng thời gian từ năm 945 đến năm 950, Đinh Bộ Lĩnh đã toàn quyền làm chủ vùng đất Hoa Lư và khu vực xung quanh; sử cũ nói "Từ đây ai cũng sợ phục, phàm đi đánh đến đâu đều dễ như chẻ tre...

Năm 951, lực lượng của Đinh Bộ Lĩnh đã khá mạnh, thanh thế đã nổi khiến Ngô Xương Ngập, Ngô Xương Văn lo sợ, đem quân đến đánh nhưng không thắng phải rút về.

Năm 965, Nam Tấn vương Ngô Xương Văn qua đời, triều đình nhà Ngô do Ngô Quyền sáng lập (năm 939) tại Kinh đô Cổ Loa trở nên cực kỳ hỗn loạn.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép vào năm 966: "Nam Tấn vương mất, các hùng trưởng đua nhau nổi dậy chiếm quận ấp để tự giữ... Bấy giờ trong nước không có chủ, 12 sứ quân tranh nhau làm trưởng, không ai chịu thống thuộc vào ai".

Tình hình đất nước rối loạn, Đinh Bộ Lĩnh quyết định tiến đánh các sứ quân. Bằng các biện pháp chính trị mềm dẻo - liên kết, hàng phục kết hợp với biện pháp quân sự cứng rắn - chinh phạt, Đinh Bộ Lĩnh đã lần lượt dẹp yên các sứ quân, chấm dứt cuộc "nội loạn" ở giữa thế kỷ X, thu non sông về một mối vào cuối năm 967.

Tài quân sự thao lược của Đinh Bộ Lĩnh là điều không cần phải bàn cãi. Sử gia Lê Văn Hưu đã có lời bình rất xác đáng về ông : “Tiên Hoàng nhờ có tài năng sáng suốt hơn người, dũng cảm mưu lược nhất đời, đương lúc nước Việt ta không có chủ, các hùng trưởng cát cứ, một phen cất quân mà mười hai sứ quân phục hết.”

Tượng Vua Đinh Tiên Hoàng tại đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng, xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.

Năm 968, sau khi dẹp yên loạn 12 sứ quân, thống nhất quốc gia, Vạn Thắng Vương Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi, xưng là Đại Thắng Minh Hoàng đế. Ban đầu, Vua chọn được chỗ đất đẹp ở Đàm Thôn (khu vực hai xã Gia Thắng, Gia Tiến ngày nay), muốn dựng đô ở đó, nhưng vì thế đất chật hẹp lại không có lợi thế về việc phòng thủ, nên đã chọn đóng đô ở Hoa Lư.

Sau khi xưng đế, nhà vua đặt tên nước là Đại Cồ Việt, dựng Kinh đô ở Hoa Lư (xã Trường Yên, huyện Hoa Lư ngày nay), đặt niên hiệu Thái Bình, sáng lập vương triều Đinh (968 - 980).

Vương triều Đinh tuy chỉ tồn tại trong khoảng thời gian 12 năm, nhưng có vị trí đặc biệt và đã đạt được những thành tựu to lớn, rất đáng tự hào trong tiến trình lịch sử dân tộc.

Sử gia Ngô Thì Sĩ đánh giá: "Tiên Hoàng dấy lên từ một người áo vải, một lần nổi lên dẹp được 12 sứ quân. Rồi dựng nước, dựng Kinh đô, đổi niên hiệu, chính ngôi vua. Võ công vang khắp, văn hóa đều đổi mới. Trị vì 3 năm, mới bắt đầu thông hiếu với nhà Tống, điển chương nhà vua, tước trật của quân đội, rất mực đáng khen. Con là Liễn lại được trao chức Quận vương. Sự nghiệp mở mang, có thể nói là rất lớn".

Đại Việt sử ký toàn thư cũng viết: "Vua... dẹp yên các sứ quân, tự lập làm đế, ở ngôi 12 năm... Vua tài năng thông minh hơn người, dũng lược nhất đời, quét sạch các hùng trưởng, nối lại đại thống của Triệu Vũ Đế...." .

Đại sử gia Lê Văn Hưu đánh giá tài năng và công lao to lớn của Đinh Tiên Hoàng thật xác đáng: "Tiên Hoàng tài năng, sáng suốt hơn người, dũng lược nhất đời. Đương lúc nước Việt ta không chủ, các hùng trưởng cát cứ, đánh một cái mà mười hai sứ quân thần phục hết, rồi mở nước đóng đô, đổi xưng Hoàng đế, đặt trăm quan, dựng sáu quân, chế độ gần đủ, chắc là ý trời vì nước Việt ta lại sinh ra bậc Thánh triết để tiếp nối chính thống của Triệu Vương chăng?" (theo Đại Việt sử ký toàn thư).

Nhà nước Đại Cồ Việt ra đời thực sự là một dấu mộc lớn trong tiến trình lịch sử dân tộc. Với việc đặt Quốc hiệu, niên hiệu, xây dựng bộ máy hành chính thống nhất thông suốt từ trên xuống giới, xác định cương thổ, tiến hành đúc tiền đồng, có sự quan tâm đến việc phát triển kinh tế, văn hóa, quân sự…Sự nghiệp tái lập quốc của dân tộc ta đến đây mới chính thức hoàn thành.

Đinh Bộ Lĩnh là người có công đầu và là công lớn nhất trong sự nghiệp vĩ đại này. Chính ông là người đã tạo ra nền tảng thống nhất cho một quốc gia, điều mà trước đây chưa có.

Người anh hùng dân tộc mở nền chính thống quốc gia

Đinh Tiên Hoàng là vị anh hùng dân tộc, mở đầu và đặt nền thống nhất quốc gia, bước đầu xây dựng Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền. Để tưởng nhớ công lao vĩ đại của Đinh Tiên Hoàng, sau khi đức vua mất (năm 979), ở kinh thành Hoa Lư, quần thần suy tôn ông là Tiên Hoàng Đế (Hoàng đế đầu tiên).

Để tưởng nhớ công lao vĩ đại của Đinh Tiên Hoàng, sau khi đức vua mất (năm 979), ở kinh thành Hoa Lư, quần thần suy tôn ông là Tiên Hoàng Đế (Hoàng đế đầu tiên).

Đền thờ Vua Đinh (tại xã Trường Yên) được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa đặc biệt; đền thờ tại xã Gia Phương được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Bức Đại Tự “Chính thống thủy” trong đền vua Đinh ở Trường Yên khẳng định, minh chứng cho chân lý đó. “Bậc Đế vương chính thống của nước Việt ta khởi đầu từ đây. Các bậc vua Thánh Đế thần kế tiếp nhau chấn tác sau này cũng đều to rộng theo bài học của triều Đinh”. Đó là “Ý trời sinh ra cho nước Việt ta bậc Thánh nhân sáng suốt để nối tiếp quốc thống” .

Sau khi Lý Công Uẩn dời đô ra Thăng Long, nhân dân địa phương xây dựng lại đền thờ vua Đinh và vua Lê Đại Hành, đến đầu thế kỷ XVII, hai ngôi Đền thờ hai vua lại được trùng tu to lớn hơn và hàng năm mở hội lớn hơn.

Lịch mở hội có năm vào rằm tháng hai âm lịch là ngày sinh vua Đinh, hay 16/8, là ngày mất hoặc ngày 10/3 âm lịch là ngày đức Vạn Thắng Vương Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế. Như vậy, lễ hội Trường Yên đã có từ hơn một nghìn năm trước.

Theo "Từ điển lễ tục Việt Nam" cho biết, hàng năm vào ngày 16/8 âm lịch là ngày kỵ vua Đinh, lễ hội diễn ra suốt các thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn. Mỗi lần tế lễ, nhà vua cử các quan về Đền vua Đinh để hành lễ và phải đến sớm một ngày để diễn tập nghi lễ. Như vậy, Lễ hội Trường Yên đã được triều đình phong kiến tổ chức với nghi thức quốc lễ từ rất lâu đời.

Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng tại xã Gia Phương được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Lễ vật có lụa, rượu, xôi, trâu, dê, lợn, hoa quả, hương nến; có các ca sinh tấu 9 bài hát khác nhau. Trước sân rồng, ngoài cờ quạt tàn lọng, còn có 40 người lính đội nón dấu, mặc áo nỉ, cầm khí giới đứng thành hai hàng.Sang đời Khải Định (1916 - 1925), Lễ hội không tổ chức vào ngày 16/8 mà là ngày 10/3 âm lịch, ngày vua Đinh lên ngôi. Ca dao Ninh Bình truyền tụng:

Dù ai buôn đâu bán đâu

Nhớ ngày mở hội Cờ Lau thì về;

Dù ai bận rộn trăm nghề,

Tháng Ba mở hội thì về Trường Yên.

Nhiều hoạt động kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế

Nhân dịp kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế (924-2024), UBND huyện Gia Viễn (Ninh Bình) đang lên kế hoạch triển khai nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc sắc.

Theo đó, Lễ kỉ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế (924-2024) sẽ được tổ chức vào ngày 24/3/2024 (tức ngày 15/2 Âm lịch) với các hoạt động như: Tổ chức ra mắt cuốn sách “Gia Viễn- Lịch sử Văn hóa”; Ngày hội đọc sách; Cuộc thi Hoa Trạng Nguyên; Hội diễn Nghệ thuật quần chúng; Tổ chức sơ khảo vòng loại cuộc thi “Ươm mầm tài năng hướng dẫn viên du lịch nhí” lần thứ 3 huyện Gia Viễn.Trước đó, ngày 23/3/2024 (tức ngày 14/3 Âm lịch) sẽ diễn ra Hội thi Lễ vật dâng Vua.

Khuôn viên bên trong đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng, xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.

Trong dịp này cũng diễn ra các hoạt động như: tổ chức Chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư năm 2024 nhằm thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, xúc tiến du lịch, quảng bá hình ảnh và tạo môi trường sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện; Khai trương chiếu chèo trên Đầm Vân Long” nhằm giới thiệu và duy trì hoạt động của các đội văn nghệ quần chúng tại các địa phương để phục du lịch năm 2024; Tổ chức Giải Việt dã huyện Gia Viễn và Giải Chạy bán Marathon huyện Gia Viễn lần thứ nhất.

Để tổ chức các hoạt động diễn ra thành công, đem lại những ấn tượng sâu sắc cho nhân dân trên địa bàn huyện và du khách thập phương, chính quyền huyện Gia Viễn đang kiểm tra, rà soát lại và hoàn thiện các phần việc được giao.

Trần Anh