Điều hành chính sách tiền tệ: Linh hoạt, hiệu quả

Vừa phòng dịch, vừa tháo gỡ khó khăn

Trong 6 tháng đầu năm 2021, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19, nhưng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước tính tăng 4,03% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả trên có sự đóng góp của lĩnh vực tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng. Theo đó, tính đến cuối tháng 5.2021, tổng vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 62.540 tỷ đồng, tăng 3,44%; tổng dư nợ cho vay đạt khoảng 57.850 tỷ đồng, tăng hơn 5,2% so với cuối năm 2020.

Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng ưu tiên nguồn vốn cho vay sản xuất, kinh doanh.

Đặc biệt, với những quy định được điều chỉnh tại Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước đã hỗ trợ được nhiều doanh nghiệp hơn trong việc cơ cấu lại dòng tiền, phục hồi sản xuất kinh doanh. Các chương trình miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán vẫn tiếp tục được Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng triển khai thực hiện, nhằm phục vụ tốt nhất cho nhu cầu thanh toán trực tuyến và góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đối phó với dịch Covid-19.

Tính đến cuối tháng 5.2021, dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh là hơn 24.820 tỷ đồng. Tổng dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ là 371 tỷ đồng, tương ứng với 119 khách hàng được hỗ trợ. Doanh số cho vay mới đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, kể từ ngày 23.1.2020, đạt khoảng 38.090 tỷ đồng, tương ứng với 9.945 khách hàng.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ, tạo điều kiện giảm chi phí vốn cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay trong 6 tháng đầu năm 2021 giảm khoảng 0,3%/năm so với tháng 12.2020. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng Việt Nam đồng thuộc một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm. Lãi suất cho vay USD bình quân ở mức 3 - 6%/năm.

Duy trì ổn định thị trường tiền tệ

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều gói hỗ trợ tín dụng với lãi suất ưu đãi, nhưng nhu cầu vay vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vẫn đang ở mức thấp.

Nhất là trong bối cảnh làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 đang bùng phát và diễn biến phức tạp tại Quảng Ngãi, nên các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, việc nới lỏng chính sách tiền tệ hiện nay là rất khó thực hiện khi áp lực lạm phát đang ngày càng lớn, giá nhiều mặt hàng nguyên vật liệu như xăng dầu, sắt thép, thức ăn chăn nuôi... liên tục tăng giá. Vì vậy, tăng trưởng tín dụng sẽ khó tăng cao trong những tháng cuối năm.

Để ổn định chính sách tiền tệ trong điều kiện khó khăn, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng kiểm soát tín dụng phù hợp với chỉ tiêu tăng trưởng năm 2021; cân đối nguồn vốn, tập trung tín dụng cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Đồng thời, phát triển đa dạng sản phẩm tín dụng ngân hàng, đáp ứng nhu cầu vốn hợp pháp của người dân, góp phần hạn chế “tín dụng đen”.

Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hồ Bân cho biết: Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng có hiệu quả, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, BOT, BT giao thông. Cùng với đó là, bám sát tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh để phục vụ tốt cho sự phục hồi và phát triển của địa phương; tiếp tục hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát và xử lý nợ xấu.

Bài, ảnh: HỒNG HOA