Diễn biến COVID-19 tới 6h sáng 8/2: Thế giới thêm 320.000 ca mắc; Mexico nhiều ca tử vong mới nhất

Người dân xếp hàng chờ tiêm phòng COVID-19 bên ngoài sân vận động Yankee ở New York, Mỹ, ngày 5/2/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 81.000 ca), Brazil (26.845 ca) và Pháp (19.715 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mexico (1.496 ca), Mỹ (1.265 ca) và Brazil (465 ca).

Thế giới có 21 quốc gia ghi nhận từ 1 triệu ca mắc trở lên, trong đó Mỹ vẫn đứng đầu với trên 27,5 triệu ca mắc và trên 474.000 ca tử vong. Đứng thứ hai là Ấn Độ với 10,8 triệu ca mắc và 155.000 ca tử vong. Brazil đứng thứ ba với 9,5 triệu ca mắc và trên 231.000 ca tử vong.

Châu Âu

Anh sẽ không áp dụng "hộ chiếu vaccine"

Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại London, Anh, ngày 2/2/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 7/2, Bộ trưởng phụ trách triển khai công tác tiêm chủng vaccine của Anh Nadhim Zahawi cho biết nước này sẽ không áp dụng "hộ chiếu vaccine" phòng COVID-19, song người dân sẽ có thể xin xác nhận đã tiêm phòng từ bác sĩ trong trường hợp họ cần đi tới các nước khác.

Phát biểu với hãng Sky News, ông Zahawi nêu rõ: "Chúng tôi chắc chắn không muốn áp dụng hộ chiếu vaccine như là một phần trong chương trình tiêm chủng".

Ý tưởng về "hộ chiếu vaccine" hay hộ chiếu tiêm chủng đã được một số doanh nghiệp, trong đó có Microsoft, Salesforce, Oracle,… và quốc gia trên thế giới đề cập đến. Israel gần đây cũng đã công bố “hộ chiếu xanh”, cho phép những người đã tiêm chủng có thể ăn trong nhà hàng, tham dự các sự kiện công cộng và đi lại tự do.

Đa số người dân Đức ủng hộ gia hạn phong tỏa

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Berlin, Đức ngày 23/12/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier cho rằng nước này không nên nới lỏng nhiều biện pháp hạn chế được áp đặt nhằm ngăn chặn COVID-19, sau khi lệnh phong tỏa toàn phần sắp hết hạn vào ngày 14/2 tới.

Phát biểu trên báo Bild am Sonntag, ông Altmaier cảnh báo: “Số lượng ca nhiễm mới hiện nay hầu như không thấp hơn so với cuối tháng 10/2020 khi bắt đầu lệnh phong tỏa có giới hạn. Số ca nhiễm mới chỉ giảm mạnh trong hai tuần nhưng tỷ lệ tử vong vẫn rất cao".

Về triển vọng mở cửa trở lại đối với ngành dịch vụ ăn uống cho Lễ Phục sinh, Bộ trưởng Altmaier nói rằng, điều đó rất có thể nhưng khi nước này phá vỡ được chuỗi lây nhiễm vào đầu mùa Xuân, muộn nhất là Lễ Phục sinh (đầu tháng 4).

Một khảo sát của Viện nghiên cứu dư luận YouGoV thực hiện cho thấy 37% người Đức ủng hộ việc gia hạn các biện pháp hạn chế sau ngày 14/2, thậm chí 13% ủng hộ việc thắt chặt hơn nữa, trong khi đó, 30% số người được hỏi ủng hộ việc nới lỏng và 13% ủng hộ việc nới lỏng hoàn toàn, 7% không đưa ra ý kiến.

Hungary và Thụy Điển nhận lô vaccine AstraZeneca đầu tiên

Lô vaccine ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca sau khi được chuyển đến Budapest, Hungary ngày 6/2/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Các nước Hungary và Thụy Điển thông báo đã nhận được lô vaccine COVID-19 đầu tiên do hãng dược phẩm AstraZeneca và Đại học Oxford phối hợp bào chế.

Theo trang mạng chính thức của Chính phủ Hungary về phòng chống COVID-19, lô hàng đầu tiên được chuyển đến nước này bằng đường bộ vào sáng cùng ngày sẽ đủ để tiêm phòng cho 20.000 người. Dự kiến, Hungary sẽ tiêm vaccine cho những người đang mắc bệnh mãn tính và những người dưới 60 tuổi.

Chính phủ Hungary cho biết đã đặt hàng tổng cộng 6.540.000 liều vaccine của AstraZeneca, đủ để tiêm phòng cho 3.270.000 người. Đến nay, nhà chức trách nước này đã cấp phép sử dụng vaccine phòng COVID-19 của hãng AstraZeneca, vaccine Sputnik V (Nga), vaccine của Sinopharm (Trung Quốc), ngoài các vaccine của các hãng Pfizer/BioNTech và Moderna (Mỹ) được mua thông qua Liên minh châu Âu (EU).

Trong khi đó, hãng thông tấn TT cho biết lô vaccine đầu tiên của hãng AstraZeneca đã đến Thụy Điển sáng 6/2, sớm hơn 2 ngày so với dự kiến. Tuy nhiên, nguồn tin không cho biết về số liều vaccine trong lô đầu tiên này, nước sản xuất và phương tiện vận chuyển vaccine.

Lô vaccine trên được vận chuyển đến Thụy Điển trong bối cảnh nước này đang chuẩn bị cho giai đoạn 2 chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19. Những đối tượng được ưu tiên tiêm đầu tiên là những người cao tuổi nhất, sau đó đến những người trên 65 tuổi. Bên cạnh đó, những người trẻ tuổi hơn ở trong điều kiện y tế nhất định như những người cần lọc máu hoặc cần phẫu thuật cấy ghép, cũng có thể được tiêm vaccine của AstraZeneca.

Châu Mỹ

Brazil nhận lô nguyên liệu đầu tiên để sản xuất vaccine

Tiêm vaccine phòng COVID-19 của hãng dược phẩm Trung Quốc Sinovac cho người dân tại Brasilia, Brazil, ngày 22/1/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Lô hàng đầu tiên gồm 88 lít thành phần hoạt tính để sản xuất vaccine COVID-19 của AstraZeneca đã được vận chuyển từ Trung Quốc đến Brazil. Đây được xem là nguồn cung quan trọng để đẩy nhanh tốc độ triển khai chương trình vaccine tại quốc gia Nam Mỹ này.

Lượng hàng trên đã được chuyển bằng máy bay chở hàng đến thành phố Rio de Janeiro, miền Nam Brazil. Với nguồn cung này, trung tâm y sinh Fiocruz có thể bắt đầu sản xuất và cho ra đời 2,8 triệu liều vaccine. Trung tâm được chính quyền liên bang tài trợ này dự kiến trong tháng 2 này sẽ nhận thêm thành phần để sản xuất tổng cộng 15 triệu vaccine của AstraZeneca.

Dây chuyển sản xuất của Fiocruz lẽ ra bắt đầu sản xuất vaccine trong tháng 12/2020, song chưa hoạt động do việc vận chuyển lô hàng đầu tiên nói trên bị trì hoãn. Vaccine của AstraZeneca hiện là trọng tâm trong chiến dịch tiêm chủng quốc gia của Brazil. Chính quyền liên bang đã đặt mua nguyên liệu để Fiocruz sản xuất đến 100 triệu liều vaccine.

Cuba siết chặt hạn chế nhập cảnh

Kiểm tra thân nhiệt hành khách nhằm phòng dịch COVID-19 tại sân bay quốc tế Jose Marti ở Havana, Cuba ngày 15/11/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Bắt đầu từ ngày 6/2, Cuba áp dụng các biện pháp hạn chế đối với người nhập cảnh và các chuyến bay thương mại vào nước này.

Tại cuộc gặp với nhóm công tác phòng ngừa và kiểm soát dịch COVID-19 do Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel chủ trì, chính phủ cho biết theo quy định mới, người nhập cảnh vào nước này phải cách ly tại các cơ sở, trung tâm cách ly cho đến khi có kết quả xét nghiệm PCR âm tính với virus SARS-CoV-2. Theo Chính phủ Cuba, các trung tâm cách ly này hiện đã có tại khắp tỉnh thành của nước này.

Bên cạnh đó, Cuba cũng giảm tần suất các chuyến bay từ Mỹ, Mexico, Panama, Bahamas, CH Dominica, Jamaica và Colombia, đồng thời tạm dừng các chuyến bay từ Haiti. Trong khi đó việc tăng trở lại tần suất các chuyến bay từ Nicaragua, Guyana, Trinidad và Tobago và Suriname sẽ bị hoãn lại. Hoạt động tại sân bay quốc tế Jose Marti ở thủ đô La Habana, sân bay lớn nhất đảo quốc Caribe này, cũng được thu hẹp, chỉ tập trung tại nhà ga số 3.

Cho tới nay, Cuba đã ghi nhận 32.831 ca mắc COVID-19, trong số này 238 ca tử vong.

Số ca mắc COVID-19 tại Canada vượt mức 800.000

Một điểm lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại British Columbia, Canada ngày 6/2/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Trong 24 giờ qua, Canada ghi nhận 2.851 ca mắc và 61 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc và tử vong lên lần lượt là 803.908 và 20.763.

Trước đó, từ chiều 6/2 (theo giờ địa phương), số bệnh nhân mắc COVID-19 tại nước này đã vượt mốc 800.000 người.

Các số liệu thống kê cũng cho thấy số ca mắc mới trong ngày có chiều hướng giảm với số ca lây nhiễm mới trung bình 7 ngày (từ ngày 29/1-4/2) là 3.947 ca/ngày và trung bình mỗi ngày có 107.609 người thực hiện xét nghiệm.

Trong bối cảnh việc phân phối vaccine chậm hơn so với kế hoạch, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã cam kết đảm bảo lượng vaccine đủ cho người dân nước này. Việc vận chuyển vaccine của Pfizer-BioNTech, một trong hai vaccine được cấp phép sử dụng tại Canada, bị chậm trễ do một nhà máy sản xuất vaccine tại Bỉ phải trang bị lại máy móc để tăng sản lượng vaccine. Theo kế hoạch, Canada sẽ tiếp nhận khoảng 20% số vaccine dự kiến trong hai tuần tới. Tuần trước, nước này mới chỉ nhận 50.000 liều vaccine của hãng Moderna, thấp hơn so với dự kiến do việc sản xuất bị gián đoạn tại nhà máy của hãng ở Thụy Sĩ.

Châu Á

Ấn Độ đang phát triển thêm 7 loại vaccine COVID-19

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại New Delhi, Ấn Độ ngày 16/1/2021. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Bộ trưởng Y tế Ấn Độ, ông Harsh Vardhan cho biết nước này đang phát triển thêm 7 loại vaccine COVID-19.

Bộ trưởng Vardhan khẳng định: "Chúng tôi không chỉ phụ thuộc vào 2 loại vaccine vì Ấn Độ đang nghiên cứu thêm 7 loại vaccine bản địa. Đồng thời, chúng tôi cũng đang nghiên cứu phát triển thêm các vaccine vì Ấn Độ là một quốc gia rộng lớn và chúng tôi cần nhiều bên tham gia và nghiên cứu để tiếp cận với tất cả mọi người". Trong số 7 vaccine nói trên, có 3 loại đang trong giai đoạn thử nghiệm và 2 loại đang trong giai đoạn tiền lâm sàng.

Liên quan đến các vaccine COVID-19 mà Ấn Độ đang sử dụng hiện nay gồm Covishield và Covaxin, ông Vardhan cho hay hai vaccine này đang được sử dụng trong tình huống khẩn cấp, tức được giám sát đầy đủ và có kiểm soát. Quyết định về việc đưa vào sử dụng đại trà sẽ được đưa ra theo yêu cầu của tình hình.

Hồi đầu tháng 1 năm nay, Ấn Độ đã cấp phép sử dụng khẩn cấp cho Covishield của AstraZeneca (Anh) và Covaxin (Ấn Độ). Trong giai đoạn đầu của chương trình tiêm chủng toàn quốc, bắt đầu từ ngày 16/1 vừa qua, hai vaccine này được tiêm cho các nhân viên y tế và nhân viên tuyến đầu. Việc tiêm phòng COVID-9 cho những người trên 50 tuổi sẽ bắt đầu vào tháng 3 tới.

Thái Lan cảnh báo nguy cơ lây lan dịch trong Tết Nguyên đán

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Samut Sakhon, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ Y tế Thái Lan đã bày tỏ lo ngại về nguy cơ lây lan virus SARS-CoV-2 khi các gia đình đoàn tụ để đón Tết Nguyên đán sắp tới.

Giám đốc bộ phận kiểm soát dịch bệnh khẩn cấp và nguy cơ đối với sức khỏe thuộc Cục Kiểm soát Dịch bệnh Thái Lan Chawetsan Namwat đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giãn cách xã hội nghiêm ngặt trong các cuộc họp mặt gia đình. Theo ông, các gia đình nên ăn mừng một cách an toàn bằng cách sử dụng các cuộc gọi video để giảm gặp mặt trực tiếp, đặc biệt là với những người cao tuổi nằm trong nhóm có nguy cơ. Mọi người nên đeo khẩu trang khi nói chuyện, hoặc sử dụng các ứng dụng trò chuyện có tính năng gọi video để giảm tiếp xúc trực tiếp.

Theo ông Chawetsan, người dân sẽ vẫn phải tuân thủ các biện pháp kiểm soát dịch bệnh cho đến khi có được khả năng miễn dịch cộng đồng. Việc xét nghiệm chủ động sẽ tiếp tục mặc dù số lượng các ca mắc COVID-19 đã bắt đầu giảm.

Malaysia nới lỏng quy định phòng dịch

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Selangor, Malaysia ngày 30/1/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Trong thông báo chiều 7/2, Bộ Thống nhất Malaysia cho biết Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) đã quyết định cho phép tổ chức các bữa tiệc đoàn viên trong dịp Tết Nguyên đán. Quyết định này được đưa ra sau cuộc họp của NSC do Bộ trưởng Cao cấp phụ trách vấn đề An ninh kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Ismail Sabri Yaakob chủ trì.

Cụ thể, các bữa tiệc đoàn viên này chỉ được tổ chức vào ngày 11/2 với tối đa 15 người, trong đó các thành viên phải đảm bảo điều kiện sống cách nhau trong phạm vi 10 km và không được đi lại liên quận hoặc liên bang.

Cùng với đó, các hoạt động tôn giáo tại các ngôi chùa và địa điểm thờ cúng cũng được phép tổ chức vào ngày các 11, 12 và 19/2 với điều kiện tuân thủ nghiêm ngặt quy định hoạt động tiêu chuẩn

Trước đó, ngày 4/2, nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, ông Ismail Sabri Yaakob tuyên bố các bữa tiệc đoàn viên trong dịp Tết Nguyên đán chỉ được phép tổ chức giữa các thành viên trong cùng một nhà trong khi chỉ 5 thành viên trong ban quản trị các ngôi chùa được phép hoạt động, tổ chức các hoạt động tế tự, nghi thức tôn giáo trong thời gian này. Nhà chức trách Malaysia cũng cấm các hoạt động đến nhà nhau thăm hỏi ngày Tết cũng như các hoạt động đón mừng Năm mới tại địa phương.

Israel nới lỏng phong tỏa xã hội

Cảnh sát kiểm tra các phương tiện tại một trạm kiểm soát ở Tiberias, Israel ngày 8/1/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 7/2, Israel đã chính thức được nới lỏng lệnh phong tỏa đối với nhiều hoạt động kinh tế, xã hội sau một tháng hạn chế nghiêm ngặt.

Theo thông báo, người dân không còn bị giới hạn ra khỏi nhà trong vòng bán kính 1.000 mét; công viên quốc gia, điểm du lịch được mở cửa trở lại cho du khách; các quán ăn, cửa hàng dịch vụ… được phép hoạt động phục vụ khách hàng, miễn là không tiếp xúc đông người. Tuy nhiên, chính phủ vẫn duy trì lệnh cấm đối với các trường học cũng như hạn chế tối đa các chuyến bay cất và hạ cánh tại sân bay quốc tế Ben Gurion.

Israel bắt đầu thực hiện đợt phong tỏa xã hội toàn quốc kể từ cuối tháng 12/2020 – lần phong tỏa thứ ba kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại nước này - sau đó bổ sung thêm các biện pháp siết chặt phong tỏa. Tính đến nay, tại Israel đã có hơn 686.000 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 5.074 người tử vong.

Song song với lệnh phong tỏa, Israel đang tích cực triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine. Đến cuối tuần qua đã có hơn 3,4 triệu người được tiêm, trong đó khoảng 2 triệu người đã hoàn thành cả 2 mũi.

Thùy Dương/Báo Tin tức