Điểm nóng Covid-19 Nam Mỹ gây hiểm họa cho toàn cầu

Tại thủ đô Bogotá của Colombia, thị trưởng đang cảnh báo người dân hãy chuẩn bị tinh thần cho "hai tuần tồi tệ nhất trong cuộc đời chúng ta".

Uruguay, từng được ca ngợi là quốc gia thành công trong công tác chống dịch, nay trở thành một trong những nước có tỷ lệ tử vong cao nhất thế giới.

Ở Argentina, Brazil, Colombia và Peru trong những ngày gần đây, số người chết liên tục đạt mức kỷ lục.

Ngay cả Venezuela, nơi các số liệu thống kê trước đây hiếm khi được tiết lộ, cũng nói rằng số ca tử vong do Covid-19 của họ đã tăng 86% kể từ tháng 1.

Các nhân viên của nghĩa trang Vila Formosa ở São Paulo, Brazil, khiêng quan tài của một người chết vì Covid-19. Ảnh: New York Times.

Trong khi một số quốc gia giàu có đang thực hiện rất tốt việc tiêm chủng và người ta bắt đầu hình dung về một cuộc sống “bình thường mới” sau đại dịch, cuộc khủng hoảng sức khỏe ở Mỹ Latin, đặc biệt là ở Nam Mỹ, đang diễn biến ngày càng tệ hơn, thậm chí có khả năng vượt ra khỏi biên giới, theo New York Times.

Nơi của “những cái nhất” trong đại dịch

Tuần trước, Mỹ Latinh chiếm 35% tổng số ca tử vong do Covid-19 trên thế giới, mặc dù khu vực này chỉ chiếm 8% dân số toàn cầu, theo dữ liệu của New York Times.

Mỹ Latin đã là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới vào năm 2020. Người ta đôi khi có thể nhìn thấy thi thể nằm rải rác trên vỉa hè. Các khu nghĩa trang bắt đầu xâm lấn những cánh rừng rậm.

Giờ đây, sau một năm chịu vô số mất mát, khu vực vẫn tiếp tục là một trong những “điểm nóng” Covid-19 đáng lo ngại nhất trên toàn cầu. Nam Mỹ thậm chí còn đang chứng kiến số ca tử vong nhiều hơn trước.

Các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến cuộc khủng hoảng là điều có thể dễ dàng đoán được: Nguồn cung vaccine hạn chế và triển khai vaccine chậm, hệ thống y tế yếu kém, và nền kinh tế không đủ mạnh.

Tuy nhiên, theo các quan chức y tế, ngoài những yếu tố trên, các quốc gia của khu vực này còn vấp phải một thách thức cực kỳ đáng lo ngại khác: Chung biên giới với Brazil. Tổng thống của quốc gia hơn 200 triệu dân này đã liên tục phớt lờ các mối đe dọa từ Covid-19, xem thường các biện pháp hạn chế, tạo điều kiện cho một biến thể nguy hiểm tại nước này hoành hành trên toàn quốc và ngấp nghé các nước khác trên lục địa.

Người biểu tình ở Bogotá vào ngày 28/4. Ảnh: New York Times.

Dịch bệnh ở Mỹ Latin kéo dài khiến việc chống dịch ngày càng khó khăn hơn. Khu vực này đã phải trải qua những đợt phong tỏa nghiêm ngặt nhất, các trường học đóng cửa lâu nhất, và kinh tế bị tổn thương nghiêm trọng nhất thế giới, theo New York Times.

Bất bình đẳng, một vấn nạn lâu đời vốn đã dịu đi trước đại dịch, lại một lần nữa bùng nổ, hàng triệu người đã phải quay trở lại vị trí bấp bênh mà họ nghĩ rằng họ đã phần nào thoát khỏi nó. Nhiều người ra đường để trút đi nỗi uất hận, bất chấp những người khác cầu xin họ ở nhà.

“Chúng (virus) đã cướp đi của chúng tôi quá nhiều, đến nỗi giờ đây chúng tôi đã không còn sợ hãi nữa” là những gì được ghi trên tấm biển trên tay một người tham gia cuộc biểu tình quy tụ hàng nghìn người tại Bogotá vào ngày 28/4.

Nguy cơ “công dã tràng”

Các chuyên gia lo lắng rằng Mỹ Latin sẽ sớm trở thành một trong những nơi có dịch bệnh kéo dài nhất thế giới. Và, điều này sẽ để lại những “vết sẹo” sâu sắc nhất cho sức khỏe cộng đồng, kinh tế, xã hội và chính trị.

Alejandro Gaviria, một nhà kinh tế học và cựu Bộ trưởng Y tế Colombia, cho biết trong một cuộc phỏng vấn: “Câu chuyện này chỉ mới bắt đầu”.

“Tôi đã cố gắng lạc quan. Tôi muốn nghĩ rằng điều tồi tệ nhất đã qua đi. Thế nhưng hóa ra đây lại là một phép phản chứng, tôi tin là như vậy”.

Nhiều bệnh nhân ở Combodia bị buộc phải nằm trong lều dựng tạm ngoài bệnh viện. Ảnh: New York Times.

Nếu Mỹ Latin không ngăn chặn được virus, hoặc nếu thế giới không vào cuộc để giúp đỡ khu vực, các biến thể mới, nguy hiểm hơn có thể xuất hiện, theo tiến sĩ Jarbas Barbosa thuộc Tổ chức Y tế Liên Mỹ.

“Điều này có thể khiến mọi cố gắng của thế giới (trong việc chống dịch) trở thành công dã tràng”, ông nói.

Ông kêu gọi các nhà lãnh đạo cần tức tốc bình đẳng hóa việc tiếp cận vaccine cho tất cả quốc gia.

“Tình huống xấu nhất là sự phát triển của một biến chủng mới có khả năng chống lại các vaccine hiện tại. Điều đó không chỉ là sự cấp bách về đạo đức và luân lý, mà còn là sự cấp bách về sức khỏe của thế giới”.

Điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến

Sự lây lan của virus ít nhất một phần là do biến chủng P.1 được phát hiện lần đầu tiên tại thành phố Manaus, Brazil vào cuối năm ngoái.

Manaus, thành phố lớn nhất ở Amazon của Brazil, đã bị tàn phá lần đầu vào giữa năm 2020. Tuy nhiên, lần thứ hai còn kinh khủng hơn lần trước.

Dù chưa có kết luận cuối cùng, các nghiên cứu ban đầu chỉ ra rằng biến chủng P.1 lây lan nhanh hơn, mạnh hơn và có khả năng gây tử vong cao hơn so với chủng gốc. Thậm chí, những người đã nhiễm và phục hồi từ Covid-19 vẫn có thể bị tái nhiễm.

William Hanage, nhà dịch tễ học tại Đại học Harvard, cho biết P.1 hiện đã có mặt ở ít nhất 37 quốc gia, nhưng dường như lây lan mạnh nhất trên khắp Nam Mỹ.

Trên khắp khu vực, các bác sĩ cho biết độ tuổi trung bình của bệnh nhân hiện nay thấp hơn trước và triệu chứng bệnh cũng nặng hơn.

Tại Peru, Viện Y tế Quốc gia đã ghi nhận 782 trường hợp có khả năng tái nhiễm chỉ trong ba tháng đầu năm 2021, tăng mạnh so với năm ngoái. Lely Solari, bác sĩ về bệnh truyền nhiễm của viện, gọi đây là "một sự đánh giá thấp rất đáng kể".

Số ca tử vong hàng ngày được công bố đã phá vỡ kỷ lục trước đó trong những ngày gần đây ở hầu hết quốc gia lớn nhất Nam Mỹ. Tuy nhiên, các nhà khoa học nói rằng điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến.

Người chờ nạp bình oxy ở ngoại ô phía nam Lima. Ảnh: New York Times.

Giám đốc dịch tễ học của Bộ Y tế Colombia, Julían Fernández, cho biết có khả năng các biến chủng - bao gồm P.1 và biến chủng lần đầu tiên được phát hiện ở Anh vào năm ngoái - sẽ là các chủng virus chiếm ưu thế trong vòng hai hoặc ba tháng tới.

Và, khu vực này vẫn chưa được chuẩn bị để đương đầu với những điều sắp tới.

Theo Our World in Data, một dự án của Đại học Oxford, Colombia mới chỉ tiêm một mũi vaccine cho khoảng 6% dân số. Một số nước láng giềng của nó chỉ đạt được 3%, hoặc thậm chí ít hơn.

Ngược lại, ở Mỹ, tỷ lệ tiêm chủng vào khoảng 43%.

Tan tành giấc mơ miễn dịch cộng đồng

Peru, quốc gia đông dân thứ năm ở Mỹ Latin, đã nổi lên như một kịch bản mẫu về những bất ổn do đại dịch cho các quốc gia khác trong khu vực.

Giống như nhiều nước láng giềng khác, Peru đã đạt được tiến bộ kinh tế đáng kể trong hai thập kỷ qua, lấy việc xuất khẩu nguyên liệu thô để nâng cao thu nhập, giảm bất bình đẳng, và mở rộng quy mô của tầng lớp trung lưu.

Tuy nhiên, dịch bệnh nổ ra đã cướp đi công ăn việc làm ổn định của rất nhiều người dân. Không có tiền, họ không dám nghĩ đến việc chăm sóc sức khỏe. Nạn tham nhũng trong nước cũng nổ ra theo sau nền kinh tế tổn thương vì Covid-19.

Virus bắt đầu “gõ cửa” Peru vào tháng 3/2020, giống như nhiều nước Mỹ Latin khác. Chính phủ nhanh chóng đóng cửa quốc gia. Tuy nhiên, với hàng triệu người làm việc trong khu vực phi chính thức, việc thực thi phong tỏa trở nên không bền vững. Số ca nhiễm tăng mạnh và các bệnh viện nhanh chóng rơi vào khủng hoảng. Đến tháng 10, quốc gia này trở thành nước đầu tiên trên thế giới ghi nhận hơn 100 ca tử vong trên mỗi 100.000 người dân.

Số người chết thực tế được cho là cao hơn nhiều so với báo cáo do những bất cập trong việc thống kê số lượng ca bệnh.

Một gia đình an táng người thân đã mất vì Covid-19 ở quận Comas, Lima. Ảnh: New York Times.

Sau đó, may mắn, quốc gia này bắt đầu chứng kiến số ca nhiễm mới giảm dần. Một nghiên cứu của chính phủ ở thủ đô Lima cho thấy 40% cư dân đã có kháng thể với SARS-CoV-2. Các quan chức cho biết dân số đã đạt đến mức độ miễn dịch cộng đồng cao và tin rằng họ sẽ không trải qua thêm đợt bùng dịch nghiêm trọng như vậy nữa. Chính phủ vui mừng dỡ bỏ lệnh cấm trong kỳ lễ Giáng sinh và năm mới.

Thế rồi vào tháng 1, ngay khi Mỹ và các quốc gia khác bắt đầu triển khai vaccine mạnh mẽ, Peru lại bắt đầu rơi vào thảm cảnh. Làn sóng Covid-19 thứ hai ập đến, thậm chí còn tàn bạo hơn trước, đập tan mọi mơ tưởng về một cộng đồng miễn dịch cao.

Theo dữ liệu được quốc gia công bố chính thức, tháng trước là khoảng thời gian chết chóc nhất của nước này kể từ đại dịch. Chuyên gia y tế đổ lỗi cho các cuộc tụ họp trong kỳ nghỉ, hệ thống y tế đã tê liệt, và các biến chủng mới.

Tiền hoặc cái chết

Vaccine cập bến Peru vào tháng 2, ngay sau đó là sự phẫn nộ khi một số người làm chính trị tìm cách để được tiêm vaccine trước. Gần đây, các cơ quan chính phủ đã bắt đầu điều tra xem liệu nhân viên y tế có đòi hối lộ để giữ giường bệnh hay không.

“Hoặc là ‘cái đó’, hoặc là cô ấy sẽ chết”, Dessiré Nalvarte, một luật sư 28 tuổi, nói. Cô kể rằng mình đã phải giúp gia đình bạn cô trả khoảng 265 USD cho một người đàn ông tự nhận là trưởng khoa chăm sóc đặc biệt tại một bệnh viện để họ được điều trị.

Cuộc khủng hoảng đã khiến các quốc gia như Peru rơi vào cảnh tang thương, và phá vỡ cấu trúc xã hội. Trong tháng này, hàng nghìn người dân Peru nghèo hoặc vừa bị dồn vào bần cùng bắt đầu chiếm giữ những vùng đất trống ở miền Nam Lima. Nhiều người nói rằng họ đã mất kế sinh nhai vì đại dịch.

Trên một khu đất nhìn ra xa lộ Liên Mỹ và bờ biển Thái Bình Dương, Rafael Córdova, một người cha 50 tuổi đã tự đánh dấu một ô đất vuông và tuyên bố đó là của mình.

Ông Rafael Córdova và rất nhiều gia đình bị ảnh hưởng bởi Covid-19 khác buộc phải chiếm dụng đất công làm chỗ ở. Ảnh: New York Times.

Córdova chia sẻ ông từng là một quản lý trong bộ phận nhân sự của một thành phố và có cuộc sống ổn định trước đại dịch.

Đến tháng 5/2020, ông nhiễm bệnh và bị sa thải. Ông tin rằng mình bị đuổi việc vì các cấp trên lo ngại ông sẽ lây bệnh cho người khác, hoặc lo sợ gia đình ông sẽ bắt đền cơ quan nếu ông chết.

Giờ đây, Córdova đang phải cóp nhặt từng đồng mới có tiền trả cho vài phút điện thoại để các con ông có thể làm bài tập trên lớp. Những bữa ăn ít ỏi. Các khoản nợ tăng dần.

“Hôm nay tôi đi chợ và mua một túi xương cá về nấu canh”, ông nói.

Córdova cho biết mình đã mất một người cô, mất em dâu, anh họ, và vài người bạn vì Covid-19. Vào tháng 6/2020, vợ ông, khi đó cũng đang mắc Covid-19, đã sinh non một cặp song sinh. Một bé tử vong sau khi được sinh vài ngày, đứa còn lại cũng mất sau đó một tháng. Ông không có tiền để chôn cất hai con tử tế.

“Tôi rời bệnh viện, đựng xác đứa con gái vừa mới chào đời được vài ngày trong chiếc túi nylon đen và lên taxi và đến nghĩa trang. Không có thánh lễ. Không người đưa tang. Không hoa. Không gì cả”, ông nghẹn ngào.

Córdova kể rằng gia đình mình đã chậm tiền nhà 3 tháng. Lo sợ bị đuổi, ông chạy lên đồi và dựng một cái lều để làm nơi trú ngụ mới.

“Cách duy nhất để họ đưa chúng tôi ra khỏi đây là đợi chúng tôi chết”, ông nói.

Một tuần sau, cảnh sát đến, bắn hơi cay và đuổi ông cùng hàng nghìn người khác ra khỏi trại của họ.

Nghĩa trang tại Brazil chật kín mộ vì Covid-19 Brazil hiện đứng thứ hai thế giới về số ca tử vong do Covid-19, chỉ sau Mỹ. Trên toàn cầu, số ca tử vong đã vượt con số 1 triệu.

Hồng Ngọc

Theo New York Times