Dấu chấm đỏ trên trán phụ nữ Ấn Độ có ý nghĩa gì?

Dấu chấm đỏ bindi trên trán của phụ nữ Ấn Độ vốn là biểu tượng tôn giáo, văn hóa, chính trị. Nhờ sự phát triển của ngành giải trí, bindi giờ đây còn được áp dụng trong lĩnh vực thời trang. Bên cạnh đó, có người còn thay thế chấm đỏ bằng đá quý sang trọng.

Không chỉ phụ nữ Ấn Độ, các ngôi sao Âu Mỹ hay Hàn Quốc cũng khá ưa chuộng kiểu làm đẹp trên khi trình diễn trên sân khấu, đóng MV. Tuy nhiên, việc này khiến họ nhận về nhiều bình luận tiêu cực, bị cho rằng đang chiếm dụng văn hóa.

Nét đẹp sắc sảo của phụ nữ Ấn Độ khi đeo bindi. Ảnh: Pinterest.

Bindi có ý nghĩa như thế nào?

Bindi bắt nguồn từ chữ "bindu" trong tiếng Phạn, ý chỉ con mắt thứ 3 thần bí của người phụ nữ. Theo các chuyên gia về yoga, điểm giữa trán là luân xa thứ 6 - nơi có nguồn năng lượng mạnh mẽ nhất trên cơ thể. Bởi vậy, khi nhấn vào điểm này, bạn sẽ cảm thấy tập trung hơn.

Tập tục trang trí bindi trên trán xuất hiện trong các câu chuyện thần thoại Hindu. Trong quá khứ, người ta dùng bột đàn hương và một loại bột từ nghệ để làm ra bindi.

Ngoài ra, nó còn cho biết tình trạng hôn nhân và được coi là thứ giúp xua đuổi vận rủi. Thời trước, các góa phụ không được phép vẽ bindi lên trán.

Các cô gái Ấn Độ trong ngày cưới. Ảnh: Shaadi Saga, JPs.

Nhà văn Sharanya Manivannan (35 tuổi) lại cho hay bindi giống như một tuyên bố chính trị.

"Tôi lớn lên và theo học các trường quốc tế ở Malaysia. Tôi trở thành đề tài chế giễu khi đeo bindi. Bạn bè đặt biệt danh kỳ quặc cho tôi. Họ còn nghĩ tôi là nạn nhân của tục tảo hôn khi được dạy rằng những phụ nữ có chồng sẽ đeo bindi", cô chia sẻ.

Vào cuối những năm 1980, một thương hiệu đã sản xuất ra bindi loại dán, giúp phụ nữ Ấn Độ dễ dàng sử dụng hơn.

Từ đó, nhiều kiểu bindi biến tấu được ra đời. Nó nhanh chóng trở thành trào lưu thời trang. Một số cô gái cho biết họ dùng đá trang trí ở trán thay vì xỏ khuyên mũi. Xu hướng này không chỉ được các cô gái châu Á ưa chuộng mà còn phổ biến ở phương Tây.

Bindi trong giới thời trang

Richa Kapoor - nhà thiết kế thời trang có trụ sở tại Chennai, Ấn Độ - chia sẻ: “Tôi sử dụng bindi trong những show diễn thời trang của mình. Tôi muốn các người mẫu toát lên vẻ đẹp truyền thống".

Hiện nay, bindi xuất hiện phổ biến hơn trong lĩnh vực giải trí. Nhiều ý kiến cho rằng việc các ngôi sao nước ngoài đeo bindi là chiếm dụng văn hóa.

Selena Gomez từng bị chỉ trích khi sử dụng bindi làm trang sức trên sân khấu MTV Awards 2013. Những người nổi tiếng khác như Katy Perry, Lady Gaga hay Madonna cũng phải đối mặt với làn sóng chỉ trích dữ dội vì đeo bindi.

Năm 2018, Jennie (BlackPink) xuất hiện nổi bật cùng những viên đá lấp lánh đính trên trán. Đây cũng được coi là một kiểu bindi.

Các ngôi sao quốc tế có đang chiếm dụng văn hóa khi sử dụng bindi với mục đích biểu diễn? Ảnh: Hollywood Life, Twitter.

Nói về vấn đề này, nữ nhà văn Manivannan bày tỏ: "Không có văn hóa nào được coi là trang phục biểu diễn. Trước khi sử dụng các phụ kiện mang ý nghĩa văn hóa, họ nên tự hỏi liệu mình có gây phản cảm hay không".

Nhà lãnh đạo Ấn Độ Rajan Zed cũng tỏ ra quan ngại khi các nghệ sĩ nước ngoài dùng bindi: "Bindi là biểu tượng tâm linh và tôn giáo. Nó không nên bị chiếm dụng để tạo hiệu ứng quyến rũ hay nổi bật".

Karen Alfonso - biên tập viên lĩnh vực làm đẹp của iDiva - lại cho hay cũng có thể coi bindi là thời trang cổ điển.

“Ở Ấn Độ, các cô gái thành thị biến tấu sari. Họ cũng khiến cho bindi trở nên sành điệu hơn. Các ngôi sao Bollywood hiện nay cũng chuộng diện trang phục truyền thống lên thảm đỏ", cô nói.

Nhiều phụ nữ Ấn Độ không còn đeo bindi thường xuyên

Nhà phân tích thương hiệu Ambi Parameswaran đưa ra một kết luận sau khi so sánh các quảng cáo của Ấn Độ từ năm 1987, 1997 và 2007. Gần 75% phụ nữ Ấn Độ trong các quảng cáo năm 1997 đeo bindi. Tuy nhiên, con số này ít hơn 30% ở năm 2007.

“Ngày nay, nhiều phụ nữ có học thức không đeo bindi thường xuyên. Họ chỉ sử dụng nó trong đám cưới hay có dịp đặc biệt. Chúng tôi cũng ít thấy bindi hơn bởi phụ nữ thành thị không mặc váy áo truyền thống hàng ngày", ông Parameswaran chia sẻ.

Đối với số đông các cô gái đến từ Ấn Độ, bindi giống như một phụ kiện thời trang hơn là biểu tượng cho tình trạng hôn nhân hay tôn giáo.

Shruti Krishnan - một kỹ sư ở Bengaluru, Ấn Độ - nói: “Tôi không đeo bindi vì ý nghĩa tôn giáo như thế hệ của mẹ mình. Với tôi, nó đơn giản là phụ kiện khi diện váy áo truyền thống của Ấn Độ".

Rathina Sankari - một nhà văn sống tại Pune, Ấn Độ - lại nhận thấy bindi là một phần không thể thiếu trong trang phục truyền thống. Cô bày tỏ: “Diện mạo của người con gái Ấn Độ chỉ hoàn chỉnh khi có bindi. Đó là khâu quan trọng lúc trang điểm".

Ngọc Khánh