Dấu ấn văn hóa trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh

Trong những năm qua, thanh niên các địa phương luôn là lực lượng xung kích, nhiệt tình tham gia các hoạt động chỉnh trang, làm đẹp đô thị.

Xây dựng NTM, ĐTVM và xây dựng phát triển văn hóa con người có mối quan hệ hữu cơ mật thiết. Vì từ chính xây dựng, phát triển văn hóa đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm, phát huy tinh thần làm chủ, tính tự giác, sáng tạo của người dân. Nhận thức của người dân được nâng lên, mọi người tự nguyện tham gia xây dựng NTM, ĐTVM thông qua góp công, góp sức, hiến đất, tài sản xây dựng hạ tầng giao thông, kỹ thuật, thiết chế văn hóa, công tác bảo vệ môi trường, làm đẹp cảnh quan...

Và khi bộ mặt nông thôn, đô thị mang diện mạo mới, sức sống mới, đời sống vật chất của nhân dân không ngừng được nâng lên đã tạo điều kiện, khuyến khích để người dân tham gia nhiều hơn vào các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao phong phú, đa dạng cũng từ đó nâng cao ý thức giữ gìn bản sắc, giá trị văn hóa truyền thống đẹp đẽ và quý báu của dân tộc.

Đến với vùng nông thôn của Quảng Ninh hôm nay, chúng ta không khó để bắt gặp hình ảnh của những tuyến đường bê tông thẳng tắp, sạch sẽ nối dài khắp các thôn bản, những hàng cột điện thắp sáng từng ngõ xóm, những ngôi nhà cao tầng khang trang mọc lên san sát, những ruộng vườn trù phú được quy hoạch bài bản với hoa trái bốn mùa, những sân vui chơi, rèn luyện thể thao của người dân, thiếu nhi được trang sắm thiết bị đầy đủ... Kết quả đó có được chính từ ý thức của người dân về xây dựng NTM đã có bước thay đổi rõ rệt, mỗi người dân đều nhận thức được vai trò chủ thể của mình trong quá trình xây dựng NTM, ĐVTM.

Tuyến đường nông thôn mới sáng xanh sạch đẹp tại xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên. Ảnh: Trung Thành

Bà Nguyễn Thị Hồi, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Sán Xế Đông, xã Đông Ngũ (huyện Tiên Yên), chia sẻ: Vẫn là nông thôn ấy, làng xóm ấy nhưng hôm nay, tất cả đã khoác lên mình tấm áo mới, sức sống mới. Sự thay đổi từ mỗi con đường, mỗi hàng cây, khóm hoa đều có bàn tay chăm sóc, ý thức nâng niu, gìn giữ của người dân trong thôn xóm. Chúng tôi vẫn khẳng định với nhau rằng chính ý thức, văn hóa trong nếp sống, nếp nghĩ của người dân đã góp phần quan trọng tạo nên "chất" nông thôn mới của địa phương.

Đến nay, toàn tỉnh có 7 địa phương cấp huyện đã được công nhận và 2 địa phương đang hoàn thiện hồ sơ công nhận đạt chuẩn NTM, 91 xã đạt chuẩn NTM, 30 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 12 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Nhiều địa phương, các khu dân cư đã xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh, tiến bộ, từng bước xóa bỏ những hủ tục lạc hậu. Đặc biệt, các lễ hội truyền thống được tổ chức trang trọng, thể hiện được trọn vẹn giá trị, nét đẹp văn hóa và trở thành động lưc cho phát triển du lịch, kinh tế tại nhiều địa phương.

Công trình sân vui chơi thiếu nhi khu phố 2, phường Yên Giang, TX Quảng Yên được xây dựng khang trang nhờ người dân hiến đất và đóng góp kinh phí gần 300 triệu đồng.

Trong xây dựng ĐTVM, nhân dân các địa phương đã tự giác chấp hành các quy định về quy hoạch, chỉnh trang mỹ quan đô thị, xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Đồng thời, tích cực hưởng ứng, thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử “Nụ cười Hạ Long” cũng như các bộ quy tắc ứng xử do từng địa phương ban hành nhằm hình thành thói quen, thái độ, cách ứng xử thân thiện, văn minh, lịch sự trong mỗi hành động, lời nói; phát triển, đa dạng hóa ngành nghề dịch vụ và sản xuất, kinh doanh gắn với xây dựng văn minh và đạo đức trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ... Nhờ đó, các danh hiệu “gia đình văn hóa”, “Khu phố, thôn văn hóa”, “Đơn vị văn hóa” không ngừng tăng lên qua mỗi năm.

Nhằm nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, ĐTVM”, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Chương trình phối hợp xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở gắn với xây dựng NTM, ĐTVM giai đoạn 2020 - 2025. Mục đích của chương trình là nhằm nâng cao chất lượng các phong trào, cuộc vận động, đảm bảo sự thống nhất trong xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở gắn với xây dựng NTM, ĐTVM. Qua đó, tiếp tục định hướng để các địa phương tập trung chăm lo, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nếp sống văn minh từ gia đình, cộng đồng. Đồng thời, nâng cao chất lượng thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, bảo tồn có chọn lọc những phong tục, tập quán tốt đẹp, phát huy các di sản văn hóa; duy trì quản lý tốt các lễ hội, hoạt động văn hóa bảo đảm thiết thực, tiết kiệm và an toàn; quản lý di tích lịch sử, văn hóa một cách hiệu quả.

Duy Khoa